Ngày 30-7, HĐND tỉnh đã tổ chức Kỳ họp thứ 2 (khóa X). Đây là kỳ họp quan trọng giữa năm, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên HĐND tỉnh đã rút ngắn các nội dung trong 1 ngày.
Ngày 30-7, HĐND tỉnh (khóa X) đã tổ chức Kỳ họp thứ 2 tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Đây là kỳ họp quan trọng giữa năm, diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, HĐND tỉnh đã rút ngắn các nội dung trong 1 ngày nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định và chất lượng của kỳ họp.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 2. Ảnh: Khánh Lộc |
[links()]Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Văn Quang, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Theo Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2021, toàn tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, đó là đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã và đang thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
* Đứng vững trước khó khăn
Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành năng động của UBND tỉnh, KT-XH của tỉnh tiếp tục đứng vững và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,74% so với 4,71% của cùng kỳ năm 2020. Các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có mức tăng so với cùng kỳ, ngoại trừ ngành Du lịch. Một trong những điểm sáng là dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách nhà nước đạt cao và hoàn toàn có thể đạt chỉ tiêu được giao.
Nhờ đảm bảo tốt việc sản xuất, lưu thông hàng hóa theo nhu cầu của thị trường nên giá cả thị trường tương đối ổn định. Những ngày đầu tháng 7, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số hàng hóa thiết yếu có khan hiếm cục bộ, nhưng tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với địa phương và doanh nghiệp chủ động kết nối cung cầu, thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa bình ổn giá cho người dân. Nhờ những điều chỉnh phù hợp, đến nay tình hình cung cấp hàng hóa đã tương đối ổn định.
Không dừng lại ở đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ tranh thủ được đà phục hồi của nền kinh tế. Ước tính giá trị xuất khẩu 6 tháng đạt 11,6 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Các đại biểu đang nghe nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: KHÁNH LỘC |
Một trong những nhiệm vụ rất nặng nề mà Đồng Nai phải hoàn thành trong điều kiện rất khó khăn, đó là công tác thu ngân sách. Theo lãnh đạo tỉnh, mới 6 tháng đầu năm nhưng tỉnh đã thu được 38,755 ngàn tỷ đồng (đạt tới 82% chỉ tiêu được giao). Các lĩnh vực thu ngân sách chiếm tỷ lệ lớn gồm: thu nội địa đạt 28,5 ngàn tỷ đồng, thu hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 10,2 ngàn tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt cao trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đó là ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát các nguồn thu, có các biện pháp thu quyết liệt, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Bên cạnh đó, tỉnh còn có các biện pháp hỗ trợ kích thích doanh nghiệp tăng cường sản xuất, xuất khẩu hàng hóa để tăng nguồn thu cho nhân sách.
Tuy nhiên, tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm còn tồn tại một số vấn đề lớn, xuất phát từ tình hình dịch bệnh Covid-19, thủ tục đầu tư theo quy định còn khá phức tạp.
Cụ thể, đến nay giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 5.777 tỷ đồng/19.144 tỷ đồng, đạt trên 30% kế hoạch năm. Tỉnh đang tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh và quốc gia trên địa bàn gồm: 5 dự án trọng điểm của tỉnh chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021, 6 dự án của tỉnh khởi công mới trong năm 2021 và 1 dự án trọng điểm cấp quốc gia. Đặc biệt, đối với dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh đang rốt ráo xác định và chi trả cho số ít hộ có đất nhưng thiếu các giấy tờ hợp pháp.
* Quyết liệt khống chế dịch bệnh
Chia sẻ trước sự quan tâm của nhiều đại biểu HĐND tỉnh về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, dù dự đoán trước tình hình dịch bệnh Covid-19, đã chủ động ban hành một số giải pháp rất quyết liệt để ngăn chặn từ xa nhưng trước sức ép rất lớn từ dịch bệnh thì Đồng Nai đã không tránh khỏi. Đặc biệt là từ ngày 28-6, đồng loạt các bệnh viện đều báo về phát hiện tổng cộng 11 ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM). Từ đó đến nay, số ca dương tính đã không ngừng tăng lên, đẩy hệ thống y tế của tỉnh vào muôn vàn khó khăn. Nhân lực y tế đã “căng mình” ngăn chặn dịch cùng với hàng ngàn người của các lực lượng khác, trong đó có công an, quân đội và các địa phương từ cấp huyện đến xã, khu phố, ấp.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo và Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy mới được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội và đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy được bầu làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Công Nghĩa |
Hiện số ca nhiễm xác định trong 1 ngày đã lên rất cao, ghi nhận đến ngày 30-7 là 4 ngàn trường hợp nhiễm Covid-19. Ông Phan Huy Anh Vũ cho biết, ngành Y tế Đồng Nai chỉ có 8 ngàn cán bộ, nhân viên và chỉ chịu được áp lực chăm sóc cho 2 ngàn bệnh nhân. Trong khi đó, đến nay tỉnh đã thành lập 7 bệnh viện dã chiến và cả 7 bệnh viện này đều sắp hết số giường bệnh bố trí. Dự kiến trong những ngày tới có thêm nhiều bệnh viện dã chiến thành lập ở TP.Biên Hòa và các huyện, trong đó có 1 bệnh viện lập tại H.Xuân Lộc với quy mô 1.500 giường, nâng tổng số giường bệnh dự kiến khoảng 10 ngàn, đồng thời cố gắng kiềm chế ca nhiễm không được vượt quá con số trên 8 ngàn.
Trước những lo lắng của đại biểu HĐND tỉnh về năng lực xét nghiệm Covid-19 của Đồng Nai trong tình hình dịch bệnh ngày càng tăng, ông Phan Huy Anh Vũ cho biết, trước đây năng lực xét nghiệm của Đồng Nai thuộc loại mạnh nhất khu vực Đông Nam bộ, 1 ngày có thể xét nghiệm 30 ngàn mẫu gộp, tuy nhiên đến nay Đồng Nai lại đang trong tình trạng quá tải năng lực xét nghiệm Realtime PT-PCR, dẫn đến bị động.
Người đứng đầu ngành Y tế của tỉnh cho biết, hiện nay đã có những giải pháp, trong đó có gửi các mẫu lên Viện Pasteur TP.HCM làm xét nghiệm, trang bị thêm một số hệ thống máy xét nghiệm và mượn 1 dàn máy xét nghiệm lưu động về phục vụ xét nghiệm. Đối với cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực y tế cho những ngày tới, Đồng Nai sẽ nhanh chóng thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, thành lập khu điều trị tích cực, đồng thời có thêm hỗ trợ đắc lực nhân lực của Bộ Y tế.
Ông Phan Huy Anh Vũ cho biết, sau khi ổ dịch lớn Covid-19 được khống chế, những ngày tới ngành Y tế sẽ tập trung xử lý 3 ổ dịch lớn nhất hiện nay. Trong đó có ổ dịch tại 6 phường của TP.Biên Hòa (lớn nhất là P.Hóa An và P.Trảng Dài), ổ dịch Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) và ổ dịch mới nhất và phức tạp là tại các khu công nghiệp của H.Nhơn Trạch.
Dự báo những ngày tới số ca nhiễm còn tiếp tục tăng cao, số ca tử vong sẽ còn nhiều. Do đó, giải pháp là vận động người dân ở yên trong nhà, tăng cường năng lực lấy mẫu xét nghiệm, nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng. Ông Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh: “Trong 15 năm ngày tới, có khống chế được dịch hay không tùy thuộc vào ý thức của người dân. Phải tập trung quản lý chặt di chuyển của người dân bên trong lẫn bên ngoài các khu vực phong tỏa”.
* Nhiều giải pháp cho nhiệm vụ cuối năm
Trước khi các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp biểu quyết thông qua một loạt các nghị quyết liên quan đến giải pháp điều hành KT-XH 6 tháng cuối năm; quy định mức thu, chi cho các hoạt động; đầu tư các dự án công thuộc nhóm A và nhóm B trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã có những giải trình thêm về những vấn đề mà các đại biểu tham dự kỳ họp và cử tri quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian còn lại của 6 tháng cuối năm thực sự có những khó khăn, thách thức vô cùng lớn, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu của năm 2021 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, lại được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần vượt khó của nhân dân, UBND tỉnh sẽ nỗ lực với tinh thần cao nhất và đạt được kết quả tốt nhất có thể.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: Công Nghĩa |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Thực hiện đàm phán, trao đổi với tất cả các đối tác có thể để đẩy nhanh việc mua, tiêm phòng vaccine Covid-19 cho các đối tượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch, cho các vùng có nguy cơ cao, công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp, các chức sắc tôn giáo… và tiến tới tiêm trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng.
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo hoạt động sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, tỉnh sẽ nhanh chóng xây dựng phương án mở lại một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh khi cần thiết để cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân, nhưng cần phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Tiến hành phối hợp với các địa phương có phương án thu mua nông sản cho nông dân, không để xảy ra tình trạng ách tắc, ùn ứ nông sản trong khi nguồn cung thiếu; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá trong đợt dịch.
Về giải pháp đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ một số giải pháp cụ thể đó là: huy động nguồn lực cho đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế đối với các dự án trọng điểm; tập trung rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình lập thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công theo hướng rút ngắn tối đa thời gian; đánh giá, lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ đảm bảo chất lượng; bố trí nguồn lực cho các địa phương triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng tái định cư và thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm triển khai đúng tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn.
Tăng cường công tác lựa chọn các đơn vị tư vấn giám sát đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư cộng đồng nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công; khẩn trương lập hồ sơ thanh quyết toán đối với các khối lượng hoàn thành để đảm bảo giải ngân nguồn vốn đã bố trí. Tập trung triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, định kỳ hằng tháng có họp chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, UBND tỉnh tập trung giải quyết 265 hộ chưa nhận tiền và 2.230 trường hợp đang lập hồ sơ bồi thường để xử lý dứt điểm trong năm 2021.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái BảO: Mỗi nhà, mỗi địa phương đều là “pháo đài” phòng, chống dịch Covid-19 Trước mắt, cả hệ thống chính trị phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng triển khai các phương án đối phó trong trường hợp dịch diễn biến xấu hơn. Tuyệt đối không được chủ quan, phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp cận các nguồn vaccine, thực hiện chiến lược vaccine trên địa bàn tỉnh. Mỗi người dân chủ động cùng các cấp, các ngành làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để mỗi nhà, mỗi địa phương đều là những “pháo đài” phòng, chống dịch Covid-19”. |
Công Nghĩa