Đồng Nai hiện có hơn 1,2 triệu lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh và nguồn thu ngân sách của địa phương.
Đồng Nai hiện có hơn 1,2 triệu lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh và nguồn thu ngân sách của địa phương.
Một buổi học tập nghị quyết của Đảng ở Chi bộ Công ty TNHH Pousung Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành |
Đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) khi làm việc trong các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai không chỉ được đảm bảo về thu nhập, ổn định cuộc sống mà luôn được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người sử dụng lao động quan tâm triển khai nhiều hoạt động để nâng cao trình độ, tác phong công nghiệp, hiểu biết chính trị và pháp luật. Từ đó từng bước xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ lớn mạnh về số lượng mà thể hiện được địa vị chính trị của giai cấp công nhân trong xã hội.
* Nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục CNLĐ
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho giai cấp công nhân. Cụ thể như năm 2009, tỉnh đã xây dựng Đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho CNLĐ và cán bộ Công đoàn các cấp, với mục đích nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, lý tưởng cách mạng cho cán bộ Công đoàn các cấp và toàn thể CNLĐ trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai đề án của Tỉnh ủy có hiệu quả và phù hợp với đối tượng CNLĐ phải làm việc theo ca, đặc biệt là không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN, Ban chủ nhiệm đề án của tỉnh đã biên soạn và phát hành tài liệu dạng hỏi - đáp về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và pháp luật một cách ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức để phát tới tay CNLĐ. Đồng thời, phát hành đĩa CD hỏi - đáp “Một số hiểu biết về chính trị và pháp luật cho công nhân lao động” để phát trên hệ thống phát thanh nội bộ của DN vào đầu giờ làm việc hoặc giờ nghỉ giữa ca và phát trên hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn nơi có đông CNLĐ ở trọ.
Ngoài hình thức tuyên truyền như trên, tỉnh tổ chức học tập trung dành cho cán bộ Công đoàn cơ sở các DN tại trung tâm bồi dưỡng chính trị hoặc trụ sở liên đoàn lao động các huyện, thành phố. Còn CNLĐ học tại hội trường của DN vào trước, trong và sau giờ tan ca. Sau mỗi hình thức học tập, đều tổ chức đánh giá nhận thức của CNLĐ thông qua các bài kiểm tra trắc nghiệm.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, quá trình triển khai đề án của Tỉnh ủy có sự phối hợp rất tốt của các cơ quan, đơn vị, địa phương, DN; nhiều chủ DN đã ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian để công nhân được tập trung học tập. Từ đó, nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các kiến thức pháp luật có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người lao động được nâng lên; ý thức, tác phong làm việc của CNLĐ có nhiều thay đổi tích cực, được người sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao.
Cùng với tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và pháp luật cho CNLĐ và cán bộ Công đoàn các cấp, tỉnh đã chú trọng đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ Công đoàn trong các loại hình DN. Các lớp đào tạo được tổ chức linh hoạt về thời gian, học vào buổi tối hoặc thứ bảy, chủ nhật, giúp người lao động vừa đảm bảo công việc ở công ty, vừa có thể tham gia học tập đầy đủ các buổi trên lớp. Đến nay, tỉnh đã đào tạo và cấp bằng trung cấp lý luận chính trị cho hơn 1 ngàn cán bộ Công đoàn cơ sở. Sau khi tốt nghiệp, ý thức chính trị, năng lực của cán bộ Công đoàn được nâng lên, nhiều cán bộ Công đoàn đã được chủ DN sắp xếp, bố trí vào các chức vụ quản lý của DN.
Anh Phan Thanh Tú (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, anh vào làm công nhân tại Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom). Quá trình làm việc, anh luôn chấp hành đúng các nội quy, quy định của công ty; có tinh thần trách nhiệm trong công việc và nhiệt tình hưởng ứng các phong trào do tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên công ty phát động. Do đó, sau 4 năm làm việc tại công ty, anh Tú đã được kết nạp Đảng vào năm 2016 và được công ty tạo điều kiện cho đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Đến nay, anh Tú đã có bằng cử nhân Quản trị kinh doanh, làm việc ở phòng mẫu của công ty và có trình độ trung cấp chính trị...
* Nâng cao hiểu biết, nhận thức cho CNLĐ
Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối DN tỉnh Phan Mậu Doãn nhận xét, khi CNLĐ được học tập lý luận chính trị đã nâng cao hiểu biết, nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, vị trí, vai trò giai cấp công nhân đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tích cực phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện để trở thành đảng viên.
Công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) tham gia học ngoại ngữ tại công ty sau ca làm việc buổi chiều do Công đoàn tổ chức. Ảnh: Công Nghĩa |
Hiện nay, hầu hết CNLĐ trong các DN đều tham gia tổ chức Công đoàn, trong đó hàng ngàn người là báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp Công đoàn, đây chính là lực lượng quan trọng, thường xuyên và trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chính đội ngũ CNLĐ của mình thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, chấp hành nghiêm nội quy, quy định của DN và tích cực lao động sản xuất.
CNLĐ trong tỉnh cũng ý thức được việc học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển của DN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một bộ phận người lao động thiếu tinh thần cầu tiến, chưa có ý thức học tập nâng cao trình độ văn hóa và nghề nghiệp, ít quan tâm đến chính trị - xã hội và sinh hoạt cộng đồng; ngại khó khăn, thử thách, rèn luyện, chuộng lối sống thực dụng, thiếu ý thức pháp luật và trách nhiệm công dân, dễ bị lôi kéo, kích động gây ra các hành vi vi phạm pháp luật...
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục ý thức chính trị cho CNLĐ, Ban TVTU đã đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương tiếp tục triển khai Chỉ thị 07-CT/TW ngày
23-11-1996 của Bộ Chính trị về “Tăng cường xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài”; Chỉ thị 48-CT/TU ngày 13-9-2019 của Ban TVTU về “Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”; đồng thời tiếp cận vận động chủ DN hiểu được vai trò, lợi ích khi có tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN để họ ủng hộ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong DN.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho CNLĐ phải được chọn lọc, biên soạn ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, phù hợp từng đối tượng. Quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Đẩy nhanh thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân; khuyến khích, hỗ trợ về quỹ đất để các DN lớn xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân. Thường xuyên tổ chức các chương trình ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp... để người lao động tiếp cận, lựa chọn ngành nghề, DN phù hợp với bản thân. Các tổ chức Đảng, Công đoàn trong DN tích cực vận động chủ DN tạo điều kiện cho CNLĐ được tham gia các buổi học tập nghị quyết của Đảng, pháp luật nhà nước; tham gia học văn hóa, học nghề; đồng thời quan tâm theo dõi, phối hợp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong quan hệ lao động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để tác động tốt đến ý thức chính trị của CNLĐ.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, từ năm 2013-2020, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 9 ngàn hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng và của tổ chức Công đoàn cho hơn 3,7 triệu lượt CNLĐ; tổ chức hơn 6 ngàn buổi tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho hơn 2,3 triệu lượt CNLĐ; tổ chức 4.772 lớp học tập lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin cho CNLĐ... Qua các hoạt động giáo dục này, đã có 12.915 CNLĐ ưu tú trong các loại hình DN được kết nạp vào Đảng; 4.428 CNLĐ điển hình tiên tiến được các cấp tuyên dương, khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Phương Hằng