Hơn 7 năm thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả, góp phần đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.
Hơn 7 năm thực hiện Quyết định 217- CT/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính - trị xã hội, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn đã triển khai có hiệu quả, góp phần đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Bài 1: Khi đại diện người dân giám sát…
Quá trình giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp đối với nhiều công trình, dự án, kế hoạch… đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo hiệu quả tích cực, thực sự đưa “ý Đảng” hợp “lòng dân” trong từng chủ trương, quyết sách.
Nhờ giám sát chặt chẽ nên nhiều tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Lãnh đạo Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina (H.Long Thành) trao thiết bị phòng, chống Covid-19 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: Nguyệt Hà |
* Nhờ chú trọng giám sát...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc An Nguyễn Thị Kim Liễu chia sẻ, từ một xã còn nhiều khó khăn, đến nay Lộc An vươn lên trở thành xã nông thôn mới nâng cao với 100% tuyến đường đều được bê tông hóa hoặc nhựa nóng, trong đó, phải kể đến tuyến đường gần 1,6km tại ấp Thanh Bình.
“Tuyến đường này phải mất hơn 2 năm mới được hoàn thiện cho tới khi MTTQ, ban ấp và các tổ chức đại diện nhân dân vào cuộc giám sát” - bà Liễu nhấn mạnh.
Giai đoạn 2015-2020, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 628 cuộc giám sát; 48 hội nghị phản biện. Bên cạnh đó, phối hợp với thường trực và các ban HĐND cùng cấp khảo sát, giám sát hơn 4,1 ngàn cuộc về các hoạt động của cơ quan nhà nước, của đại biểu dân cử. Qua đó, tiếp nhận trên 23,2 ngàn lượt ý kiến đóng góp, phản ảnh, kiến nghị ở nhiều nội dung của đời sống xã hội… |
Quá trình làm đường, lựa chọn nguyên vật liệu và khâu giám sát đều do Ban công tác Mặt trận, Chi hội CCB và các đoàn thể nhân dân tham gia. Nhờ vậy, tuyến đường ấp Thanh Bình dù làm cuối cùng trong xã nhưng lại trở thành tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp do người dân đồng thuận, đóng góp kinh phí làm trụ cờ, trồng hoa ven đường.
Bà Kim Liễu khẳng định: “Nếu như năm 2013, xã Lộc An chỉ có khoảng 35% tuyến đường các ấp thuộc xã được bê tông, nhựa nóng thì đến nay còn số này đã là 100%. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, phù hợp thực tiễn pháp luật để các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp”.
Qua gần 2 nhiệm kỳ kiên trì vận động, tuyến đường 32 liên ấp Quảng Biên - Quảng Phát, xã Quảng Tiến (H.Trảng Bom) đã được khởi công xây dựng và hoàn thành vào đúng dịp chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Tiến Phan Duy Trâm cho hay, việc giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phù hợp quy định pháp luật. Vì vậy, phải kiên trì, chịu khó, thậm chí mất công mất sức thì mới có kết quả, tạo được đồng thuận trong nhân dân.
Gia đình bà Nguyễn Thảo My ở cạnh tuyến đường 32 chia sẻ: “Nhờ MTTQ và các đoàn thể, ban ấp giám sát chặt chẽ, chúng tôi rất vui vì có đường sạch - đẹp vào tận nhà. Quá trình làm đường, gia đình tôi và các hộ ven tuyến đường 32, người hiến đất, người góp tiền của, công sức vì tuyến đường phục vụ chính cuộc sống của chúng tôi”…
Nhờ hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể xã hội mà ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) hiện nay không còn hộ nghèo. 32 tuyến đường liên các tổ nhân dân ở 19 ấp trong xã đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng gần 500 triệu đồng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân trong ấp. Đặc biệt, ấp có 1 tuyến đường được xã chọn xây dựng điểm tuyến đường nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp...
Ông Phạm Văn Định, Tổ trưởng tổ nhân dân số 4, ấp Nhân Hòa cho biết, 5 năm trước, đường đi lối lại trong ấp còn lầy lội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những dự án xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa đều được MTTQ, các hội, đoàn thể cùng vào cuộc giám sát, huy động sức mạnh nhân dân nên ấp Nhân Hòa nay đã thay da, đổi thịt, không còn hộ nghèo, thu nhập người dân trung bình trên 65 triệu đồng/người/cuối năm 2020.
* Huy động sức mạnh từ dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”... Thấm nhuần tư tưởng của Người, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn ý thức việc khơi dậy, huy động sức mạnh nhân dân theo tinh thần: khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trở thành sức mạnh vô địch.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Long Thành cho hay, quan tâm lắng nghe ý kiến người dân để tạo đồng thuận là mấu chốt trong huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Giai đoạn 2015-2020, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp H.Long Thành đã tổ chức 76 cuộc giám sát, 5 hội nghị phản biện các nội dung liên quan phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, an sinh
xã hội.
“Qua giám sát, phản biện xã hội đã thu thập gần 729 lượt ý kiến đóng góp, tổng hợp và kiến nghị để HĐND, UBND cùng cấp điều chỉnh, bổ sung phù hợp nên thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển. Thành quả đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thực hiện tốt các khâu giải phóng, đền bù dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cũng xuất phát từ sự đồng thuận toàn dân”- ông Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ.
Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng khẳng định, nhờ triển khai có hiệu quả công tác giám sát và phản biện của MTTQ các cấp trong huyện thời gian qua đã giúp huyện điều chỉnh nhiều dự án, chủ trương trong quá trình phát triển. Những điều chỉnh này vừa phù hợp thực tiễn địa phương, vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đúng quy định pháp luật nên tạo đồng thuận của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong các mục tiêu phát triển chung của huyện.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Trảng Bom Trương Tấn Sỹ bày tỏ, để có được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân thì mọi chủ trương, chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải thực sự được công khai, minh bạch; nhất là các dự án liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.
“Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 5 hội nghị phản biện. Qua đó thu thập hơn 20 lượt ý kiến đóng góp trực tiếp, hiệu quả, giúp Huyện ủy, HĐND, UBND cùng cấp có thêm căn cứ để thảo luận, xây dựng các dự thảo nghị quyết phù hợp với thực tiễn địa phương, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, trực tiếp giám sát 110 đơn vị và phối hợp giám sát nhiều nội dung kinh tế - xã hội có liên quan…”- ông Trương Tấn Sỹ nhấn mạnh…
Ông Bùi Quang Huy, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội thực sự có hiệu quả đòi hỏi phải được thực hiện tốt từ các bên. Trước hết, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm hết vai trò, trách nhiệm của mình. Nếu làm đúng, làm tốt thì vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên trong hệ thống chính trị và có uy tín cao hơn trong nhân dân. Đồng thời, các cấp chính quyền phải hiểu rõ giám sát của MTTQ là nhằm mục đích để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực thi nghiêm minh, đúng đắn. Phản biện xã hội để có những chủ trương, chính sách hoàn thiện, khả thi và hợp lòng dân. Do vậy, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ không phải để theo dõi, để ý, gây phiền phức mà là giúp cho chính quyền thực thi những điều nhân dân mong muốn tốt hơn, an dân hơn. MTTQ có phản biện một chủ trương, chính sách, thậm chí một dự án nào đó, là để cho chủ trương, chính sách, dự án ấy khi đi vào thực tế được hoàn thiện hơn và quan trọng nhất khi hoàn thiện rồi, người dân sẽ đồng thuận để cùng toàn bộ hệ thống chính trị triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tiễn. |
Nguyệt Hà
Bài 2: Vì lợi ích người dân