Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy truyền thống, đoàn kết để phát triển

08:04, 29/04/2021

Cách đây 46 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021).

Cách đây 46 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021).

Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Anh (xã Tam An, H.Long Thành)
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Anh (xã Tam An, H.Long Thành)

Trong hành trình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân trên địa bàn Đồng Nai đã góp sức đánh bại cánh cửa thép phía Đông của địch, tạo đà cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. 46 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, phát huy tốt truyền thống anh hùng, vươn lên thực hiện khát vọng phát triển…

* Những ký ức không quên…

46 năm trôi qua, những người tham gia các trận đánh góp phần giải phóng Sài Gòn năm 1975 nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng khi nhắc lại kỷ niệm của một thời hào hùng, các cựu chiến binh (CCB) tham gia các trận đánh vẫn kể tường tận như sự việc mới diễn ra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho biết, để xây dựng Đồng Nai thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển, Đồng Nai sẽ kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng trong kháng chiến, tiếp tục đoàn kết vươn lên khắc phục khó khăn, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trước mắt, đoàn kết động viên toàn dân thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân, đi bầu cử góp phần hoàn thành thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

CCB Võ Tấn Tiếu, ngụ xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc nhớ lại, trong cuộc đời quân ngũ của ông, trận mà ông nhớ nhất là đánh vào Đồn Cảnh sát ngụy tại Nam Hà (thuộc xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ ngày nay). Đây là trận đánh phối thuộc với tinh thần quyết tâm thắng giặc làm quà dâng sinh nhật Bác (ngày 19-5).

“Trong trận này, sau khi điều nghiên tình hình địch, chúng tôi đã cải trang thành những người dân đi làm rẫy, lấy củi, đánh cho bọn cảnh sát ngụy không kịp trở tay. Trận đánh này cùng đội nữ cối Xuân Lộc đã góp phần cho đại quân ta tiến về giải phóng Long Khánh vào ngày 21-4-1975 - mở cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975” - CCB Võ Tấn Tiếu nhấn mạnh.

CCB Đỗ Thị Thuận (ngụ xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc), nguyên Đội trưởng Đội Nữ cối Xuân Lộc kể lại, trận giải phóng Xuân Lộc ngày 9-4-1975,  đội được phân công chốt chặn sử dụng pháo, cối để yểm trợ cho bộ đội chủ lực và độc lập tác chiến, tiêu diệt các kho tàng, căn cứ, phương tiện chiến tranh dọc quốc lộ 1, khu vực đồn Cầu Sập (xã Suối Cát ngày nay) và chặn địch từ Bình Thuận vào; đặc biệt là yểm trợ chặn đánh Lữ đoàn Dù 2 của ngụy quyền Sài Gòn đổ bộ từ Long Khánh lên...

“Chị em trong đội cối vừa là chỉ huy, vừa là pháo thủ, vừa nạp đạn, vừa tải thương lại kiêm y tá. Chúng tôi luôn mang trên mình 3 loại vũ khí: súng AK (khoác chéo lưng), lựu đạn dắt bên hông và cối 60mm hoặc 82mm, chiến đấu liên tục, kìm chân địch. Đến 17 giờ 30 ngày 9-4-1975, đồn Cầu Sập (Suối Cát), đồn Xuân Phú (dinh Ông Cung), ngã tư Ông Đồn bị ta tiêu diệt, mở ra thắng lợi cho giải phóng Xuân Lộc” - CCB Đỗ Thị Thuận kể lại.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) -  đơn vị đảm nhiệm Chiến dịch hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai kể lại, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hướng Đông Nam được tổ chức đội hình thọc sâu binh chủng hợp thành rất mạnh. Quân đoàn 2 gồm các đơn vị: Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 làm nòng cốt; lực lượng bộ binh của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304; lực lượng pháo binh; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa quân chủ lực với quân, dân địa phương đã góp phần làm nên thắng lợi của hướng Đông Nam vào giải phóng Sài Gòn.

“Đó là sự giúp đỡ to lớn của quân và dân Đồng Nai, trực tiếp là hai huyện: Long Thành và Nhơn Trạch đã cung cấp hàng chục thuyền, xuồng cho bộ đội vượt sông. Cung cấp lương thực, thực phẩm và đảm bảo bí mật góp phần để chủ lực, nhất là Quân đoàn 2 hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao” - thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh.

* Đoàn kết để phát triển

Theo đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trong kháng chiến Đồng Nai là một địa bàn chiến lược trọng yếu, là nơi ác liệt diễn ra nhiều trận đánh và thắng lợi vẻ vang, nhất là hướng Đông Nam và “cánh cửa thép” phía Đông vào Sài Gòn, góp sức to lớn, tạo đà để đại quân ta vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, Đảng bộ, quân và dân Đồng Nai luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

“Tỉnh Đồng Nai đã kế thừa xứng đáng truyền thống yêu nước, đoàn kết cả hệ thống chính trị và toàn dân nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cũng như từng bước vượt qua những thời khắc khó khăn, nỗ lực vươn lên phát triển. Kinh tế tăng trưởng liên tục trên 8,1%/năm trong giai đoạn 2015-2020 và tiếp tục tăng trưởng 4,58% năm 2020. 100% xã đạt chuẩn, duy trì nông thôn mới, trong đó có 51 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,04%. H.Xuân Lộc được chọn là một trong 4 đơn vị cấp huyện cả nước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, truyền thống đoàn kết còn thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn do thiên tai, đại dịch; đoàn kết thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. “Chỉ riêng tổng số tiền vận động trực tiếp chăm lo cho người nghèo các cấp thông qua hệ thống MTTQ là 18 tỷ đồng. Đã xây dựng thêm 178 căn nhà tình thương, sửa chữa 35 căn nhà tình thương…, nâng tổng cộng các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động an sinh xã hội thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên trong năm 2020 là 610 tỷ đồng…” - ông Vũ Đình Trung cho biết.

Ông Vũ Đình Trung cho biết thêm, Đồng Nai là địa phương có đông đồng bào theo đạo (khoảng 2/3 dân số); riêng đạo Công giáo có trên 1 triệu tín đồ. Với vai trò trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp đã tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả. Các tổ chức tôn giáo đã vận động tín đồ ủng hộ trên 500 tỷ đồng giúp đỡ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai khắc phục khó khăn; hơn 100 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19 và 380 tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao cùng các hoạt động an sinh xã hội.

Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh bày tỏ, ông thực sự tự hào khi là công dân của nước Việt Nam độc lập, của quê hương Đồng Nai có truyền thống anh hùng. “Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi hoạt động tôn giáo. Để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và trân quý sự tạo điều kiện mọi mặt của tỉnh, chúng tôi phải làm tốt hơn nữa phận sự, giáo dục, tuyên truyền đồng bào có đạo chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Phải là một công dân tốt trước khi là người Công giáo tốt, góp phần xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh” - linh mục Trần Xuân Thảo nói.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều