Nhằm góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của nhân dân, không thể không kể tới hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp. Chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Mặt trận cũng đã được Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND quy định rõ.
Nhằm góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của nhân dân, không thể không kể tới hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp. Chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Mặt trận cũng đã được Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND quy định rõ.
Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Quang Huy. Ảnh: Huy Anh |
Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Quang Huy liên quan đến nội dung này.
* Xin ông cho biết về mục đích, ý nghĩa của hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp đối với công tác bầu cử?
- Trước hết, phải thấy rằng, hoạt động kiểm tra và giám sát công tác bầu cử của MTTQ các cấp là 2 công việc khác nhau và hướng tới 2 đối tượng khác nhau.
Theo đó, kiểm tra công tác bầu cử là việc Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tham gia công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đối với ủy ban MTTQ Việt Nam cấp dưới.
Trong khi đó, giám sát công tác bầu cử là việc ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tổ chức bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Trong hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nêu rất rõ các nội dung của từng đợt giám sát là cần phải tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm vào một số vấn đề.
Hoạt động này nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương để phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của nhân dân.
* Thưa ông, qua hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử của MTTQ Việt Nam các cấp cho đến thời điểm này, ông có đánh giá như thế nào?
- Thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành hoạt động kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục. Qua kiểm tra cho thấy, MTTQ các cấp làm rất tốt, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của MTTQ trong công tác bầu cử. Đến thời điểm hiện tại, MTTQ các cấp đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 của công tác bầu cử.
Có thể kể đến đó là việc tổ chức thành công hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thông qua số lượng, cơ cấu, thành phần của đại biểu HĐND các cấp. Công việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau hội nghị hiệp thương cho đến nay cũng đã hoàn chỉnh. MTTQ cũng đã hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức được HĐND các cấp phân bổ số lượng người ứng cử tiến hành các bước giới thiệu người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; đồng thời, tiến hành hướng dẫn người được giới thiệu lập hồ sơ...
Công việc tiếp nhận hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã được diễn ra bài bản, đúng quy định. Ngày 15-3, MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ủy ban Bầu cử tỉnh tổ chức lễ bàn giao hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ hai.
Quá trình hướng dẫn, giám sát vừa qua cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đúng với quy định được hướng dẫn. Trong đó, đã có trường hợp người được giới thiệu ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm cử tri tham dự tại nơi công tác, đã lập tức giới thiệu người khác để đảm bảo yếu tố sự tín nhiệm của cử tri, đảm bảo đúng tinh thần dân chủ của cuộc bầu cử.
* Về tinh thần dân chủ của cuộc bầu cử, ông có thể chia sẻ thêm về trường hợp của những người tự ứng cử?
- Tự ứng cử là một quyền của công dân Việt Nam, ứng cử đại biểu HĐND các cấp hoặc ứng cử ĐBQH. Do đó, quyền tự ứng cử không bị hạn chế, người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đều có quyền lợi như nhau và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ tham gia.
Minh chứng thể hiện rõ nhất là một trong những cơ cấu được đưa ra đó là cơ cấu người ngoài Đảng. Việc xây dựng cơ cấu người ngoài Đảng là nhằm đảm bảo tiếng nói ở các diễn đàn của nhân dân được rộng rãi, đa dạng hơn, do đó, không có sự hạn chế nào đối với người tự ứng cử.
Song, cũng như người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn của người ĐBQH và đại biểu HĐND được quy định trong các văn bản pháp luật, đồng thời phải thực sự tiêu biểu về năng lực, đạo đức để xứng đáng đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri cả nước. Có thể kể đến như: tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, phải trung thành với Đảng, cách mạng, trung thành lợi ích quốc gia và dân tộc… Đồng thời, phải trải qua các thủ tục, trình tự theo đúng quy định, trong đó yếu tố tín nhiệm của cử tri rất được coi trọng.
* Tiếp tục góp phần để cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, hoạt động kiểm tra, giám sát của MTTQ các cấp sẽ được thực hiện ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
- Trong văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nêu rất rõ các nội dung của từng đợt giám sát là cần phải tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm vào một số vấn đề.
Hiện MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đang chủ trương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, tổ chức Mặt trận các cấp bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; bám sát các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, của Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan, tổ chức liên quan. Qua đó, đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát bầu cử phải được tiến hành kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung, tiến độ theo kế hoạch.
Trong đó, giai đoạn tới đây, bám sát hướng dẫn của Trung ương MTTQ Việt Nam, hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ trọng tâm vào việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử (thời gian thực hiện từ ngày 20-3 đến 13-4).
Nội dung giám sát gồm thành phần, số lượng cử tri, chương trình hội nghị cử tri, việc ứng xử với những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú; việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử…
* Xin cảm ơn ông!
Thảo Lâm (thực hiện)