Mùng 7 Tết năm Kỷ Dậu 1789, cả kinh thành Thăng Long ăn Tết muộn theo đúng lời hứa của vua Quang Trung khi hội quân ở Tam Điệp: Hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết vào ăn tết ở Thăng Long.
VŨ TRUNG KIÊN
Tranh vẽ vua Quang Trung |
Ngày mùng 7 Tết năm Kỷ Dậu 1789, cả kinh thành Thăng Long ăn Tết muộn theo đúng lời hứa của nhà vua Quang Trung khi hội quân ở Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân: Hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết vào ăn tết ở Thăng Long. Chiến thắng Kỷ Dậu 1789 là bản hùng ca vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, những con dân đất Việt dưới sự chỉ huy thống lĩnh của người anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã quét sạch quân xâm lược khỏi bờ cõi Việt Nam.
Còn nhớ, năm 1428, tức trước đó hơn 360 năm, cảm tác về chiến thắng vĩ đại của dân tộc trước quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “…Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Càn khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Trước chiến thắng lẫy lừng của dân tộc, nhà thơ đương thời, một thi nhân Bắc Hà – dù còn nghi ngại Quang Trung – vẫn ghi lại sinh động không khí hào hùng của ngày chiến thắng: “…Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh/ Mây tạnh mù tan trời lại sáng/ Đầy thành già trẻ mặt như hoa/ Chen vai thích cánh cùng nhau nói: "Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” (Long thành quang phục kỷ thực, dịch: Ghi lại sự thật việc khôi phục thành Thăng Long).
Chỉ sau 5 ngày đêm tấn công thần tốc, đạo quân chủ lực của nhà vua đã phối hợp công phá và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Ngọc Hồi - Đống Đa làm cho quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa sợ phải thắt cổ tự tử. Chủ tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị phải tháo chạy trong hoảng loạn. Hoàng Lê nhất thống chí chép: "Nghị lên ngựa không kịp đóng yên, quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hốt tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô nhau rơi xuống nước mà chết... Lát sau cầu lại đứt, quân lính bị rơi xuống nước, sông Nhị Hà bị tắc không chảy được...". 35 ngày đêm tiến quân từ Phú Xuân ra Thăng Long, 5 ngày đêm tấn công thần tốc tiêu diệt toàn bộ tuyến phòng ngự của quân Mãn Thanh, đội quân Tây Sơn của vua Quang Trung đã lập kỷ lục về hành quân thần tốc và tiêu diệt quân thù. Thanh sử cảo của nhà Thanh – dù bao giờ cũng nói quá lên trước mọi sự việc – nhưng trong chiến thắng của vua tôi Quang Trung đành hạ những lời đầy chua chát về thất bại: “…Sỹ Nghị chạy về trấn Nam Quan, đốt bỏ hết những lương thảo, khí giới ở ngoài ải đến mấy chục vạn, quân mã quay về được không tới một nửa (…) làm mất uy tín nước lớn, tổn tướng sỹ, bèn lột chức đưa về kinh đợi tội”. Sau này, khi đi qua đền thờ Sầm Nghi Đống ở Đống Đa, nữ sỹ Hồ Xuân Hương đã để lại một bài vịnh “tuyệt cú”: “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo, Kìa đền Thái thú đứng cheo leo; Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược năm 1285, tướng giặc là Toa Đô bị trúng tên chết và bị quan quân triều đình cắt thủ cấp mang về báo tin thắng trận. Trông thấy thủ cấp của Toa Đô, vua Trần Nhân Tông cởi áo ngự phủ lên và nói "người làm tôi phải nên như thế này" rồi sai người khâm liệm tử tế. Sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược, Lê Lợi đã tha cho quân giặc và cấp lương thảo, xe ngựa để tống tiễn đội quân xâm lược ấy về nước với lời dụ đầy lòng bao dung: “Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới muôn đời, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thưở, công việc sẽ chép vào sử xanh, tiếng thơm sẽ truyền mãi tới ngàn thu, há chẳng lớn ư!”.
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa |
Tiếp nối truyền thống hòa hiếu, bao dung của dân tộc Việt, ngay sau thắng lợi, bằng lòng nhân đạo và tinh thần hòa hiếu, vua Quang Trung đã ra lệnh thu nạp và nuôi dưỡng hàng vạn tù binh Mãn Thanh. Xương cốt của quân Thanh tử trận được gom lại và chôn thành những gò đống: “Vua Quang Trung vào thành Thăng Long, hạ lệnh chiêu an, phàm những người tàu trốn tránh ở đâu ra thú tội, đều được cấp cho áo mặc, lương ăn” (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử lược). Nhà vua sai các quan lập đàn cúng tế biểu thị sự thương xót cũng như tấm lòng khoan dung của người chiến thắng. Không những vậy, một bài văn cúng cô hồn quân sĩ Thanh triều chết trận tại Đống Đa và Thăng Long ngày 5 tháng Giêng Kỷ Dậu đã miêu tả đầy sinh động thắng lợi oai hùng của người chiến thắng và thất bại thảm hại của những kẻ xâm lược:“Chú sang cứu viện nước Nam,/ Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay./ Chú thì thắt cổ trên cây,/ Chú thì tự vẫn ở ngay trong nhà./ Chú thì thác xuống Diêm la,/ Chú nào còn sống về nhà đại Minh./ Ai ai là chẳng đau tình,/ Di đà tiếp dẫn chúng sinh cô hồn./ Chú nào có vợ, có con,/ Có cha, có mẹ hãy còn giỗ chung./ Thiều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông,/ Nam Kinh, Quảng Bắc có lồng sang đây./ Trời làm một trận gió lay,/ Sống làm tướng mãnh, thác rầy tâm linh...”.
Trong lời bài hát “Hà Nội niềm tin và hi vọng”, tác giả Phan Nhân đã viết: “Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời,/ càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô./ Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô./ Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau”. Hồ Gươm đó vẫn lung linh mây trời, nhưng hồ Gươm là biểu trưng tinh thần hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt. Một dân tộc mà khi đất nước có giặc thì “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, một dân tộc khi lâm nguy gươm nằm trong bao cũng ngọ ngoạy chui ra khỏi bao. Thế nhưng, cũng dân tộc ấy, khi đất nước sạch bóng quân thù, gươm sẽ được trả: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa (Nguyễn Đình Thi – Việt Nam quê hương ta)
Nhớ về chiến thắng Kỷ Dậu, nhớ về tinh thần hòa hiếu của vua Quang Trung là nhớ nghĩ về đạo nghĩa cốt lõi của dân tộc Việt Nam: Sẵn sàng đánh bại bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, nhưng cùng vô cùng nhân đạo và hòa hiếu.
V.T.K