Mặc dù mới có 3 năm đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn trường kiêm Chủ tịch Hội LHTN Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Đậu Đức Anh đã có những đóng góp nhất định cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên của trường.
Mặc dù mới có 3 năm đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn trường kiêm Chủ tịch Hội LHTN Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Đậu Đức Anh đã có những đóng góp nhất định cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên của trường.
Thầy Đậu Đức Anh (thứ 2 từ trái sang) trao đổi công việc với học sinh chuẩn bị tham dự chương trình do Huyện đoàn Trảng Bom tổ chức. Ảnh: Nga Sơn |
* Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm giáo dục thể chất của Trường đại học Huế, anh Đậu Đức Anh rời mảnh đất miền Trung vào Đồng Nai tìm việc làm. Với tấm bằng tốt nghiệp sư phạm giáo dục thể chất, cộng với nhu cầu của nhà trường, anh Đức Anh nhanh chóng được nhận vào giảng dạy tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh từ năm học 2014-2015.
Giáo dục thể chất trong trường học là nội dung quan trọng góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh. Từ đó, nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp các em đảm bảo sức khỏe cho hoạt động học tập và phát triển thể lực, góp phần đào tạo con người toàn diện. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục thể chất, trong những năm đầu về nhận nhiệm vụ giảng dạy bộ môn này, thầy Đức Anh luôn nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy, chuẩn bị đầy đủ các thiết bị liên quan đến tiết học. Khi giới thiệu một động tác mới, thầy đều giảng giải, phân tích từng động tác, làm mẫu để học sinh dễ hình dung và làm theo… từng bước giúp học sinh thích thú với môn học.
Năm học 2016-2017, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, thầy Đức Anh được bầu kiêm nhiệm Phó bí thư Đoàn trường và chỉ một năm sau đó thầy được bầu làm Bí thư Đoàn Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Thầy Đức Anh cho biết, cũng như các đồng nghiệp làm Bí thư Đoàn trường THPT trên địa bàn tỉnh, bản thân thầy khi nhận nhiệm vụ Phó bí thư cho đến Bí thư Đoàn trường chưa từng trải qua lớp đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ mới, thầy phải tự học là chính. Thầy lên mạng tìm các bài viết về các thủ lĩnh thanh niên, những bài viết về sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực Đoàn, Đội, các bài lý luận viết về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn để đọc. Bên cạnh đó, thầy Đức Anh thường xuyên giữ mối liên hệ với cán bộ Đoàn cấp trên, Bí thư Đoàn các trường có nhiều kinh nghiệm và mạnh dạn hỏi khi gặp khó khăn…
Ngoài khó khăn về kỹ năng, nghiệp vụ, theo chia sẻ của thầy Đức Anh, làm Bí thư Đoàn Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, thầy còn gặp những khó khăn đặc thù đó là học sinh thiếu sự mạnh dạn và chủ động khi tham gia các hoạt động so với học sinh ở các trường THPT khác. Vì vậy, để thu hút đông đảo học sinh tham gia, mỗi khi tổ chức hoạt động, thầy đều dựa vào sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, của lực lượng học sinh là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường để vận động học sinh tham gia. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tạo cơ hội để học sinh rèn luyện sự dạn dĩ.
* Tác giả của những mô hình mới
Không chỉ triển khai có hiệu quả chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại trường theo chỉ đạo của tổ chức Đoàn cấp trên, với vai trò Bí thư Đoàn trường, thầy Đức Anh còn là tác giả của những mô hình, hoạt động mới.
Một trong những mô hình mới, hiệu quả được áp dụng tại trường trong 3 năm trở lại đây chính là mô hình Hành trình cặp sách yêu thương dành cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Thầy Đức Anh chia sẻ, học sinh trường nội trú cứ mỗi năm học đều được cấp cặp sách đi học. Tuy nhiên, do các em học và ở tại trường nên hầu hết đều không sử dụng hết cặp sách được cấp phát. Trong khi đó, qua truyền hình, qua mạng xã hội, thầy nhận thấy ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, học sinh không có cặp để đến trường. Vì vậy, từ năm 2018, thầy Đức Anh đã mạnh dạn đề xuất Ban giám hiệu, Huyện đoàn Trảng Bom chấp thuận để Đoàn trường vận động học sinh ủng hộ cặp mới thực hiện Hành trình cặp sách yêu thương. Bên cạnh cặp sách vận động từ học sinh, thầy Đức Anh còn tranh thủ sự ủng hộ của mạnh thường quân, cựu học sinh để thực hiện Hành trình cặp sách yêu thương.
Tính đến nay, Hành trình cặp sách yêu thương đã tặng gần 500 cặp sách đi học cho học sinh vùng sâu, vùng xa tại các xã Đắc Lua, Tà Lài của H.Tân Phú; xã Mã Đà của H.Vĩnh Cửu. Đặc biệt tới đây, Hành trình cặp sách yêu thương lần thứ IV-2021 dự kiến sẽ đến với học sinh vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước. “Không chỉ đem những chiếc cặp sách trao tận tay cho những học sinh cần, mà Hành trình cặp sách yêu thương còn là cơ hội để học sinh của trường đến với vùng sâu, vùng xa trong và ngoài tỉnh để hiểu hơn về những khó khăn, vất vả của những người bạn đồng trang lứa, để từ đó các em biết trân quý những gì mình đang có và sống có trách nhiệm hơn” - thầy Đức Anh cho hay.
Từ năm 2016 - khi còn là Phó bí thư Đoàn trường, thầy Đức Anh đã tham mưu Bí thư Đoàn trường triển khai thực hiện mô hình thăm viếng và dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ H.Trảng Bom mỗi tháng/lần nhằm giáo dục cho đoàn viên thanh niên truyền thống yêu nước, đạo lý Uống nước nhớ nguồn…
Em Danh Thị Nhiều, học sinh lớp 12A4 cho biết mỗi lần đến nghĩa trang trong em lại dấy lên cảm xúc khó tả. Nhìn những hàng bia mộ xếp lớp san sát nhau em cảm nhận càng rõ sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh để giành lại độc lập tự do hôm nay. Bản thân em tự dặn lòng phải ra sức học tập, rèn luyện, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông.
Chị Trần Thị Thìn, Bí thư Huyện đoàn Trảng Bom nhận định mặc dù đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn trường chưa lâu nhưng thầy Đậu Đức Anh đã có đóng góp tích cực trong việc đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên của trường đi lên, Đoàn Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh những năm gần đây đều được đánh giá là đơn vị xuất sắc của huyện. |
Cẩm Tú