Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung thực hiện quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

08:01, 17/01/2021

Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước vừa có những thời cơ, thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước vừa có những thời cơ, thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường trao khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Dân vận năm 2020. Ảnh: Nga Sơn
Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường trao khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Dân vận năm 2020. Ảnh: Nga Sơn

Khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt, công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề khó, phức tạp, những vụ việc kéo dài nhiều năm không làm được hoặc thực hiện chưa hiệu quả thì nay đã được giải quyết cơ bản, được đảng viên và nhân dân đánh giá cao.

* Nhiều điểm mới về xây dựng Đảng

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Đại hội XII của Đảng đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng và bổ sung nhiều nội dung mới so với Đại hội XI. Đó là bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp lớn về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường công tác Dân vận của Đảng; bổ sung xây dựng Đảng về đạo đức trong công tác xây dựng Đảng; nhấn mạnh vấn đề tổng kết thực tiễn và đưa việc tổng kết thực tiễn lên trước việc nghiên cứu lý luận; nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đồng thời, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XII thì đã có 2 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng, thứ nhất là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thứ hai là xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. 

Để thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng, nhất là hai nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Ban chấp hành Trung ương đã cụ thể hóa ở 4 hội nghị Trung ương và ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là các nghị quyết: 4, 18, 19, 26-NQ/TW và Quy định số 08-QĐi/TW. Các nghị quyết và quy định này nhằm thực hiện đồng bộ 4 nội dung: thứ nhất về chỉnh đốn Đảng, tập trung vào đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thứ hai, chỉnh đốn tổ chức, tập trung vào đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ ba về chỉnh đốn cán bộ và công tác cán bộ, tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Thứ tư, xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó tập trung vào việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.

* Những kết quả nổi bật của công tác xây dựng Đảng

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng, trong đó có 110 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu (trong đó, có 24 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 26 sĩ quan cấp tướng trong quân đội và công an).

 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 44 vụ án (518 bị cáo) nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; với 3 án tử hình, 11 án chung thân, 5 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm, 414 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm, cải tạo không giam giữ 15 bị cáo. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả tích cực. Năm 2016, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 26%; năm 2019, đạt 47,32%. Riêng các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản hơn 59 ngàn tỷ đồng.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nghị quyết nhằm cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ hai mà nhiệm kỳ Đại hội XII đã đề ra. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 và 4 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đạt được kết quả quan trọng, bước đầu khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong thời gian dài. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được rà soát, bổ sung, từng bước được hoàn thiện, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương và 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; giảm 90 đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương; giảm 3.646 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương; giảm 10.386 cấp trưởng, cấp phó ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện... Đồng thời, giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 565 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 10.639 thôn, tổ dân phố... Từ việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, đã giảm trên 10 ngàn tỷ đồng (theo kế hoạch giao năm 2019) kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng chi cho đầu tư phát triển từ 19,7% (năm 2016) lên 26,2% theo dự toán năm 2018.

Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết đã xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Do vậy, phải coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền. Không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhưng cũng không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài. Cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, qua đó nhân dân tham gia xây dựng cán bộ.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương đã có Quy định 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”. Quy định nêu 8 điểm các đồng chí Trung ương phải gương mẫu đi đầu và 8 điểm phải nghiêm khắc với mình và kiên quyết chống.  Đồng thời, yêu cầu cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.  “Đây là sự cam kết chính trị của Trung ương với toàn Đảng, toàn dân và cũng là cam kết chính trị của Trung ương với chính mình”- ông Nguyễn Đức Hà nhận xét.

Từ những kết quả về công tác xây dựng Đảng nói trên, trong dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã khẳng định, kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, khi góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trong đó có dự thảo báo cáo công tác xây dựng Đảng, một số ý kiến của nhân dân trên địa bàn tỉnh đề xuất với Trung ương, trong thời gian tới, tiếp tục đặc biệt quan tâm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nghiên cứu quan điểm chỉ đạo theo hướng “3 không”: không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Xây dựng hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước chặt chẽ; thực hiện tốt công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý nghiêm minh, công bằng, công khai mọi hành vi tham nhũng; có cơ chế tiền lương và đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức.

Phương Hằng

Tin xem nhiều