Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn sâu những quyết sách lớn

09:01, 27/01/2021

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 27-1, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nghe 23 báo cáo tham luận liên quan đến công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế...

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 27-1, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nghe 23 báo cáo tham luận của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương liên quan đến công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế. Các tham luận đều thể hiện sự sôi nổi, thẳng thắn, đồng thời đề ra được những giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII.

Quang cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào ngày 27-1. Ảnh: C.Nghĩa
Quang cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào ngày 27-1. Ảnh: C.Nghĩa

[links()]Theo Đoàn chủ tịch Đại hội XIII, trong 1 ngày đã có 23 bài tham luận được trình bày, qua đó làm rõ thêm những kết quả của đất nước đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và 35 năm đổi mới đã được nêu trong Văn kiện trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XIII. Các tham luận ngoài nêu bật những kết quả nổi bật cũng đã thẳng thắn làm rõ những nguyên nhân tồn tại, đưa ra các dự báo và giải pháp khắc phục để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII (nhiệm kỳ 2021-2026).

* Bài học lấy dân làm gốc

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn là người đầu tiên trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng. Trong tham luận, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ nhiệm vụ phải tiếp tục củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thực hiện khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua thực tiễn hoạt động, MTTQ các cấp đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, yếu tố tiên quyết là bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết, toàn dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, bên cạnh đó, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “Lấy dân làm gốc” khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên. Do đó phải tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Tham luận tại đại hội và cùng đề cập bài học “Lấy dân làm gốc”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh nêu, trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. “Lấy dân làm gốc” là một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

* Quyết liệt làm trong sạch Đảng

Công tác xây dựng Đảng là một trong những điểm nhấn trong nhiệm kỳ vừa qua, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng. Tham luận tại Đại hội XIII, đồng chí Mai Trực, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15 ngàn tổ chức đảng và trên 47 ngàn đảng viên (trong đó trên 23 ngàn là cấp ủy viên các cấp). Công tác kiểm tra, giám sát đã tập trung nhiều vào những điểm “nóng”, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm... Đồng chí Mai Trực nhấn mạnh: “Có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh”.

Các đại biểu Đồng Nai trao đổi bên lề phiên thảo luận về các văn kiện đại hội, chiều 27-1-2021
Các đại biểu Đồng Nai trao đổi bên lề phiên thảo luận về các văn kiện đại hội, chiều 27-1-2021. Ảnh: Công Nghĩa

“Với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn. Mục đích chính là làm cho tổ chức Đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chia sẻ những tín hiệu vui sau kiểm tra, giám sát và xử lý, đó là các tổ chức Đảng sau khi được kiểm tra, giám sát đều đã quyết tâm khắc phục, sửa chữa vi phạm khuyết điểm, siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc lớn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra ở những nơi, những lĩnh vực mà trước đây ít hoặc chưa được kiểm tra như cơ quan tư pháp, các cơ quan trong lực lượng vũ trang, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước… Qua kiểm tra đã kịp thời xử lý những đảng viên tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, kịp thời xử lý những vụ án tham nhũng, thất thoát tài sản lớn như các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, AVG, BIDV... Đồng chí Mai Trực cũng cho rằng, kết quả kiểm tra giám sát trong Đảng trong nhiệm kỳ qua chính là những bài học lớn để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

* Nông thôn mới phồn vinh

Đề cập đến phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân, tham luận tại Đại hội XIII, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Có thể khẳng định, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của đất nước ta, đang và sẽ tiếp tục tạo sinh kế bền vững, việc làm, thu nhập cho người dân và số đông lao động; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và góp phần bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành”.

Trong Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, xuyên suốt của ngành Nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp cũng đã xác định mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,5-3%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 48-50 tỷ USD, Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%, thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để thực hiện mục tiêu của ngành Nông nghiệp đề ra tại Đại hội XIII, ngành sẽ tập trung vào các giải pháp: Thứ nhất là tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế”. Thứ hai là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành về hoàn thiện cơ chế, chính sách. Thứ ba là thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. Thứ tư là phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh. Thứ năm là nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá.

Chương trình làm việc của Đại hội XIII hôm ngày 28-1:

Ngày 28-1, Đại hội lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ 3.

- Dự kiến buổi sáng, đại hội tiếp tục nghe các báo cáo tham luận của các bộ, ban, ngành và địa phương về Văn kiện Đại hội lần thứ XIII; lấy ý kiến về các vấn đề cần biểu quyết trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII.

- Dự kiến buổi chiều, đại hội sẽ nghe báo cáo công tác nhân sự, thảo luận biểu quyết số lượng Ban chấp hành Trung ương khóa XIII; thảo luận tiêu chuẩn, cơ cấu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII; nghiên cứu danh sách ứng cử, đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Công Nghĩa

 

 

 

Tin xem nhiều