Tại lễ kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức trao giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2020 cho 102 sinh viên...
Tại lễ kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức trao giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2020 cho 102 sinh viên đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, trong công tác Hội và phong trào sinh viên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học.
Sinh viên Nguyễn Thị Thúy Vi (bìa phải) tham gia nhóm học tập. Ảnh: N. Tuyết |
Trong số đó, Đồng Nai có 3 sinh viên đoạt giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2020 gồm: Nguyễn Thị Thúy Vi, sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường đại học Lạc Hồng; Phan Thị Quỳnh, sinh viên Khoa Kinh tế, Trường đại học Đồng Nai; Huỳnh Thị Hồng Ngọc, sinh viên Khoa Dược, Trường đại học Công nghệ Miền Đông.
* Nguyễn Thị Thúy Vi: Đảng viên trẻ tiêu biểu
Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Thúy Vi thi đậu vào Khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.HCM). Đang là sinh viên năm nhất thì biến cố gia đình xảy ra, mẹ của Thúy Vi qua đời đột ngột khiến chị bị sốc phải nghỉ học, đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nhưng mỗi lần đi họp lớp, nghe bạn bè nói chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học hành khiến chị không quên được những năm tháng cắp sách đến trường.
Giải thưởng Sao Tháng giêng là phần thưởng cao quý của Ban chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam được xét duyệt hằng năm nhằm tuyên dương, khen thưởng sinh viên trong và ngoài nước là cán bộ Hội Sinh viên, cán bộ Đoàn thanh niên có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, trong công tác Hội và phong trào sinh viên, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học. |
Thúy Vi tìm hiểu và quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường đại học Lạc Hồng. Bản thân chị vừa là đảng viên (được kết nạp từ năm 2015 khi là học sinh Trường THPT Tăng Bạt Hổ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) lại nhiều tuổi hơn sinh viên cùng lớp nên từ khi nhập học, chị luôn đặt nhiệm vụ học tập lên hàng đầu. Vì vậy, từ khi nhập học cho đến nay, năm học nào chị cũng đạt thành tích sinh viên giỏi của trường.
Chia sẻ về kinh nghiệm để đạt thành tích cao trong học tập, chị Thúy Vi cho biết, khi mới nhập học chị tìm hiểu và nắm chắc chương trình học và lộ trình đào tạo của trường; đề ra cho mình mục tiêu trong quá trình học. Đặc biệt, trong quá trình học, ngoài việc trau dồi vốn từ vựng, chị rèn luyện để hoàn thiện cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Bên cạnh thành tích học tập đáng nể, chị còn tích cực tham gia các cuộc thi. Tháng 7-2020, chị Thúy Vi cùng với nhóm sinh viên trong trường xây dựng dự án truyền thông với tên gọi Thay đổi nhận thức của xã hội đối với rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Dự án này đã tham gia cuộc thi đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects 2020 tổ chức tại TP.HCM và là một trong 3 đơn vị đoạt giải trình bày poster.
Trong năm 2020, Thúy Vi còn đoạt giải nhì vòng video kỳ thi Olympic tiếng Anh do Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức); giải ba cuộc thi English Speaking Club do Hội Sinh viên tỉnh tổ chức, đoạt giải nhì vòng thi tuần và thi tháng cuộc thi Bứt phá tài năng sinh viên...
* Phan Thị Quỳnh: Vượt khó đến trường
Bạn bè cùng lớp không chỉ biết đến Quỳnh là một sinh viên có thành tích khá, giỏi trong các năm học, tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Hội mà còn bởi hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Quỳnh sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh, trong gia đình 6 anh chị em. Cha mất từ khi Quỳnh 2 tuổi, một mình mẹ tảo tần mưu sinh nuôi 6 người con ăn học, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhận thức được hoàn cảnh, thương mẹ vất vả nên cô bé Quỳnh từ khi còn nhỏ đã tự lập. Trong học tập, Quỳnh luôn tự giác, không để mẹ phải nhắc nhở hay phiền lòng.
Sinh viên Phan Thị Quỳnh tranh thủ học bài trong giờ nghỉ trưa tại khu học tập chung của trường |
Năm Quỳnh 12 tuổi, mẹ qua đời, Quỳnh mất đi điểm tựa cuối cùng. Sau khi mẹ mất, 4 anh chị người có gia đình, người đi học, người đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn Quỳnh và cô em gái kém 2 tuổi. Từ khi mẹ mất, ngoài số tiền trợ cấp của mấy chị em, Quỳnh vừa đi học, vừa làm ruộng để có thêm gạo ăn, thu nhập trang trải cuộc sống.
Tốt nghiệp THPT, Quỳnh đăng ký nguyện vọng vào Trường đại học Sư phạm Vinh (tỉnh Nghệ An) rồi vào Đồng Nai cùng chị gái để đi làm công nhân thời vụ kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. Vừa đặt chân đến Đồng Nai, Quỳnh nhận thấy ở đây có nhiều cơ hội để vừa học vừa làm nên chị đã chuyển hướng đăng ký nguyện vọng vào Khoa Kinh tế Trường đại học Đồng Nai.
Các anh chị lớn đều đã đi làm, có gia đình riêng nhưng cuộc sống cũng khó khăn nên sau khi sử dụng hết số tiền đi làm công nhân thời vụ để nhập học, Quỳnh tức tốc kiếm việc làm thêm. Để có tiền trang trải sinh hoạt và học tập, ngày Quỳnh đi học, tối đến tranh thủ đi làm gia sư, ngày cuối tuần đi phục vụ đám tiệc, tiếp thị sản phẩm...; vào dịp hè đi làm công nhân thời vụ; lễ, Tết thì phục vụ quán ăn...
Ngoài làm thêm để có tiền đi học, việc học vẫn được chị đặt lên hàng đầu. Mỗi buổi tối sau khi đi làm thêm về, chị tranh thủ xem lại bài đã học và trước mỗi kỳ thi chị sẽ dành thời gian cho việc ôn luyện. Nhờ đó, năm học nào Quỳnh cũng đạt thành tích học tập khá giỏi. Đáng chú ý, chị còn là sinh viên tích cực trong các hoạt động phong trào Đoàn, Hội. Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường đại học Đồng Nai, ngoài việc tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn, chị tranh thủ sắp xếp thời gian để tham gia tất cả các hoạt động quan trọng do Đoàn trường hoặc Đoàn cấp trên tổ chức.
* Huỳnh Thị Hồng Ngọc: Sống trọn vẹn với tuổi trẻ
Sau khi tốt nghiệp THPT, Hồng Ngọc nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa Dược, Trường đại học Công nghệ Miền Đông. Với một người chưa từng xa gia đình, xa cha mẹ, những ngày đầu nhập học với Hồng Ngọc vô cùng khó khăn. Nhớ nhà, nhớ những lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm nóng hổi với những món ngon mẹ nấu... khiến Hồng Ngọc chỉ muốn bỏ học bắt xe về Bình Phước với cha mẹ. Cũng may, Hồng Ngọc ở ký túc xá với 9 sinh viên nữa nên những ngày đầu nhớ nhà cũng dần qua.
Sinh viên Huỳnh Thị Hồng Ngọc cùng xem ảnh giới thiệu mô hình Bảo vệ mầm xanh do Hội Sinh viên tỉnh thực hiện năm 2020 |
Trước khi xách ba lô lên trường nhập học, cha mẹ luôn dặn dò việc học là quan trọng. Vì vậy, dù có làm gì thì việc học vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Bản thân Hồng Ngọc cũng nhận thấy, ngành Dược là ngành đòi hỏi người học có sự tập trung, tỉ mỉ và không cho phép có bất cứ sai sót nào. Vì vậy, thời gian ngồi trên giảng đường, Hồng Ngọc luôn chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài, ghi chép cẩn thận; vấn đề nào không rõ, không hiểu là hỏi ngay.
Ghi nhớ từng tên thuốc, loại thuốc và công dụng thuốc; tên các loại dược liệu, công dụng, cách dùng... là yêu cầu được đặt lên hàng đầu đối với sinh viên ngành Dược. Do đó, bản thân Hồng Ngọc không có cách nào khác là phải học hằng ngày. Hồng Ngọc chia sẻ, có những loại thuốc có tên vô cùng khó nhớ, chị phải học đi học lại nhiều lần, thỉnh thoảng phải mở sách ra xem lại để không bị quên. Sự chăm chỉ, chịu khó đã đem lại cho Hồng Ngọc thành quả ngọt - 2 năm học liên tiếp Hồng Ngọc đều là sinh viên giỏi của trường.
Việc học chiếm gần hết thời gian nhưng Hồng Ngọc vẫn cố gắng sắp xếp để có thời gian đi làm thêm vừa có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, vừa tích lũy cho mình kinh nghiệm và kỹ năng sống. Hồng Ngọc còn là một trong những sinh viên tích cực tham gia phong trào Đoàn, Hội, nhất là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Nổi bật là trong đợt dịch bệnh Covid-19, Hồng Ngọc đã cùng với nhóm sinh viên của trường tham gia điều chế 500 lít nước rửa tay sát khuẩn với sự hỗ trợ của Trung tâm Thí nghiệm thực hành của trường để gửi tặng các trường mầm non vùng xa, vùng sâu trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Hồng Ngọc cũng là tác giả của mô hình Mùa thi nghiêm túc - chất lượng... đang được áp dụng tại Trường đại học Công nghệ Miền Đông. Theo đó, mô hình này hướng đến vận động hội viên, sinh viên chủ động lập kế hoạch ôn tập trước mỗi kỳ thi; hình thành các nhóm sinh viên cùng ôn tập, trao đổi kiến thức; phát huy vai trò của sinh viên khá, giỏi giúp đỡ những sinh viên kém hơn và đặc biệt là mạnh dạn tố giác những hành vi tiêu cực trong thi cử... Sau khi mô hình được phát động, 100% hội viên, sinh viên đã cam kết nói không với tiêu cực trong thi cử.
Nguyễn Tuyết