Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung sức xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

04:01, 29/01/2021

Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội là một dấu mốc quan trọng của Đảng ta trong dòng chảy lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Đất nước ta tự hào vì chưa khi nào có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội là một dấu mốc quan trọng của Đảng ta trong dòng chảy lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Đất nước ta tự hào vì chưa khi nào có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó cũng chính là nền tảng vững chắc để Đảng tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp, sáng 28-1. Ảnh TTXVN
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp, sáng 28-1. Ảnh TTXVN

Trong hệ thống các báo cáo chính trị trình Đại hội XIII do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc, mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc được nhấn mạnh nhiều lần. Đó chính là khát vọng cháy bỏng của Đảng ta, khát vọng đó không nhằm mục đích nào khác là chăm lo cho nhân dân, đưa đất nước sánh vai với bạn bè quốc tế.

* Lan tỏa tinh thần đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Một trong những nội dung quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII là khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Văn kiện đã chỉ ra 3 mục tiêu rất rõ ràng cho đất nước ở từng giai đoạn cụ thể. Văn kiện không chỉ có một tầm nhìn ngắn hạn trong một hoặc hai nhiệm kỳ mà còn định hướng đến năm 2030, là dấu mốc 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 2045 là 100 năm thành lập nước. Việc Đảng ta chọn những mốc thời gian rất cụ thể và ý nghĩa này chính là lời hiệu triệu toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng ra sức phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn với một quyết tâm chính trị cao hơn.

Tiếp tục chương trình Đại hội XIII, hôm nay 29-1 các đại biểu tham dự đại hội tiếp tục nghiên cứu tiêu chuẩn, cơ cấu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII; tiếp tục nghiên cứu hồ sơ nhân sự đề cử, ứng cử Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, sau đó sẽ có báo cáo danh sách đề cử, ứng cử cho Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII.

Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII xác định, đến năm 2025 Việt Nam sẽ trở thành một nước đang phát triển, có công nghệ hiện đại, đồng thời vượt qua được mức có thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp cơ bản hiện đại, người dân có mức thu nhập trung bình cao, còn đến năm 2045 Việt Nam trở thành một nước phát triển và người dân có mức thu nhập cao. 25 năm để đất nước hướng đến mục tiêu từ mức thu nhập trung bình thấp đến một nước công nghiệp phát triển hướng đến thu nhập trung bình cao chính là một khát vọng mạnh mẽ và hoàn toàn có cơ sở cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ: Những ngày diễn ra Đại hội XIII, các đại biểu của tỉnh và cả nước đều rất phấn khởi, như có thêm một động lực mới khi nghe báo cáo chính trị do Tổng bí thư, Chủ tịch nước trình bày. Thực sự đất nước ta chưa khi nào có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, đúng như người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh. Tinh thần của đại hội, tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII chắc chắn sẽ là một luồng sinh khí vô cùng to lớn để cả nước nhanh chóng triển khai vào thực tiễn cuộc sống, từ đó hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Trong 3 ngày đầu diễn ra Đại hội XIII, từ các phiên thảo luận tại đoàn đến thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã sôi nổi phát biểu ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, đánh giá sâu và đầy đủ về những kết quả mà đất nước đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cả 35 năm thực hiện Chiến lược đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Dù đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng các ý kiến đều đánh giá một cách khách quan, không “tô hồng”, không tự kiêu, tự mãn. Nhiều ý kiến không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật, phân tích và làm rõ những vấn đề còn hạn chế trên tinh thần xây dựng, đồng thời đề ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để nhiệm kỳ tới tiếp tục làm tốt hơn.

* Tập trung chiến lược phát triển kinh tế số

Nếu như Đại hội XI và XII cụm từ “kinh tế số” chưa xuất hiện, thì trong Văn kiện Đại hội XIII cụm từ này được nhắc đến rất nhiều lần, ở hầu hết các báo cáo chính trị của văn kiện. Phát triển kinh tế số dù mới nhưng lại được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một chiến lược đột phá của nhiệm kỳ 2021-2026. Dự báo phát triển kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm 1/5 GDP, đồng thời hỗ trợ tăng năng suất lao động khoảng 7%/năm, giúp Việt Nam đạt được con số tăng trưởng từ 20-70 tỷ USD. Đến năm 2030, kinh tế số sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng 7-10% GDP.

Thông cáo báo chí về Ngày làm việc thứ 3 của Đại hội XIII:

Biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí

Ngày 28-1, đại hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, đại hội tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XIII. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.

Đã có 13 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các Đảng bộ, Đảng đoàn, ban cán sự Đảng, cơ quan phát biểu ý kiến gồm: Bộ Nội vụ, tỉnh Bến Tre, Trung ương Đoàn TNCSHCM, tỉnh Yên Bái, Bộ Công thương, Khối Doanh nghiệp Trung ương, TP.Cần Thơ, tỉnh Quảng Ninh, TP.Đà Nẵng, Bộ KH-CN, Bộ TT-TT, Khối các cơ quan Trung ương, tỉnh Kon Tum.

Tính đến ngày làm việc thứ 3, đã có 36 ý kiến phát biểu tại hội trường và 788 ý kiến phát biểu tại Đoàn về các văn kiện Đại hội XIII. Không khí phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Đoàn Thư ký Đại hội thông báo về việc tiếp tục có thêm 83 chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế gửi điện, thư chúc mừng đến Đại hội XIII của Đảng. Như vậy, tính đến ngày 26-1-2021, đã có 298 chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế gửi điện, thư chúc mừng đại hội.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch và toàn thể đại hội cảm ơn các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế đã gửi điện, thư chúc mừng Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu giờ buổi chiều, đại hội làm việc tại hội trường về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.  Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết.

 

Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong Báo cáo chính trị Đại hội XII coi phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 nhiệm vụ đột phá phát triển đất nước. Tuy nhiên, dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã bổ sung điểm mới, đó là phát triển hạ tầng số, xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia và địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế số, từ đó giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy” thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng TT-TT, Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam muốn thành công trong xây dựng nền kinh tế số, góp phần xây dựng thành công một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc thì không thể đi sau các nước, không thể đi bằng các nước mà phải đi trước các nước”. Người đứng đầu ngành
TT-TT khẳng định: “Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

* Vượt qua thách thức

Theo các đại biểu, những mục tiêu mà Đảng ta đưa ra thảo luận và quyết định tại Đại hội XIII lần này là hoàn toàn có cơ sở, nhưng đòi hỏi cả dân tộc phải có chung một khát vọng lớn, quyết tâm chính trị rất cao, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trước tiên phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết liệt hơn với quá trình hội nhập quốc tế. Phải không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các quốc gia.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội XIII
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội XIII. Ảnh:C.Nghĩa

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương thì cho rằng, khâu yếu cản trở thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có công nghệ và hàm lượng kỹ thuật cao vào Việt Nam đó chính là nước ta thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào nước ta phần đông là tổ chức hoạt động lắp ráp và gia công. Hiện có khoảng 80% người lao động trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử là lao động phổ thông và chủ yếu làm công việc gia công, lắp ráp. Để khắc phục hạn chế này, theo đại biểu Lộc là phải quyết liệt đổi mới công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề kỹ thuật cao, tập trung liên kết đào tạo với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên quốc tế…

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để thực hiện hiệu quả các đột phá đề ra tại Đại hội XIII, thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp: Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính nhà nước.  Cần phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính.

Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngành sẽ tập trung làm tốt 6 nhóm công việc. Đầu tiên là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Đại biểu Huỳnh Thành Đạt đặc biệt nhấn mạnh: “Cần chú trọng phát triển khoa học xã hội và nhân văn, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tiếp tục đầu tư để phát triển, hiện đại hóa hạ tầng và tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

                Công Nghĩa

Tin xem nhiều