Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nghề chất lượng cao: Hướng đến chuẩn quốc tế và khu vực

03:10, 14/10/2020

Đào tạo nhân lực chất lượng cao là một đòi hỏi tất yếu để có được lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khoa học - kỹ thuật.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao là một đòi hỏi tất yếu để có được lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khoa học - kỹ thuật. Tại Đồng Nai, trong những năm qua, công tác đào tạo này đã được quan tâm, đầu tư. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ lao động đang ngày càng được cải thiện.

Sinh viên nghề Công nghệ ô tô Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành
Sinh viên nghề Công nghệ ô tô Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh:H. Yến

Trong lĩnh vực đào tạo nghề, những sinh viên được đào tạo theo chuẩn quốc tế đã tốt nghiệp. Số lượng lao động kỹ thuật cao đạt chuẩn quốc tế, khu vực sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới đây.

* Đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế

Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai hiện đang đào tạo 15 nghề (cả bậc trung cấp và cao đẳng). Trong đó, có 5 nghề trọng điểm (chất lượng cao), gồm 2 nghề tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế (điện, cắt gọt kim loại), 2 nghề tiếp cận tiêu chuẩn khu vực ASEAN (công nghệ ô tô, nguội - sửa chữa máy công cụ) và 1 nghề theo chuẩn quốc gia (chế biến thực phẩm). Đây đã là năm thứ 4 trường thực hiện đào tạo theo chuẩn chất lượng cao đối với những ngành nêu trên. Có hơn 190 sinh viên chất lượng cao đã tốt nghiệp và điều đáng mừng là tất cả đều có việc làm với mức lương khởi điểm khá tốt.

Sẽ thí điểm thành lập tổ tư vấn giáo dục nghề nghiệp

Sở LĐ-TBXH đang nỗ lực để thúc đẩy việc thành lập được tổ tư vấn giáo dục nghề nghiệp. Ý tưởng thành lập tổ tư vấn này dựa trên mô hình của Đức, bao gồm đại diện cơ quan nhà nước (Sở LĐ-TBXH), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, các hiệp hội DN (trong và ngoài nước) và đại diện các tổ chức cho người lao động (Công đoàn, Đoàn Thanh niên). Tổ tư vấn có vai trò tham mưu đề ra các giải pháp kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các DN trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Để đào tạo theo chuẩn chất lượng cao, nhà trường phải đảm bảo có ít nhất 40% nội dung đào tạo được thực hiện tại doanh nghiệp (DN), bao gồm cả thời gian thực tập. Theo đó, sinh viên sẽ có khoảng 1.200 giờ học tập, thực hành tại DN (những nghề khác có thời gian làm việc tối thiểu tại DN là 650 giờ). Nhờ thời gian cọ sát này, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Lợi thế của họ là có 1 năm làm việc tại DN nên không phải lo lắng về tiêu chí “kinh nghiệm” khi đi xin việc.

“Có nhiều DN sẵn sàng hỗ trợ tiền cơm, trả tiền thù lao khi sinh viên thực tập tại DN. Có DN trả lương cho sinh viên thực tập bằng mức lương tối thiểu vùng sau 3 tháng thực tập; sau 6 tháng tăng lên mức lương 7 triệu đồng; sau 1 năm có thể được trả khoảng 10 triệu đồng. Sau khi hết thời gian thực tập, tùy theo nhu cầu tuyển dụng, DN sẽ chọn giữ lại những sinh viên làm việc tốt nhất và mức lương khởi đầu có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng. Những sinh viên mà DN không chọn sẽ được giới thiệu sang DN khác”- ThS Trần Xuân Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng Kỹ thuật
Đồng Nai cho biết.

Hiện nay, với 5 nghề chất lượng cao nêu trên, mỗi năm Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai tuyển sinh khoảng 300 sinh viên hệ cao đẳng. Nhu cầu của người học còn nhiều nhưng nhà trường không thể tuyển sinh thêm, một phần do phụ thuộc vào chỉ tiêu được giao, một phần do thiết bị dạy học khó đáp ứng nhu cầu đào tạo nếu tuyển sinh đông.

Tăng cường hoạt động của các sàn giao dịch việc làm

Một trong những giải pháp mà Sở LĐ-TBXH đề ra nhằm giải quyết việc làm cho người lao động là tăng cường hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, củng cố và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các dịch vụ về đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm… Mạng lưới này sẽ thực hiện chức năng làm cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động, giữa người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN sử dụng lao động; tạo điều kiện thuận lợi để các bên dễ dàng gặp gỡ và trao đổi thông tin về đào tạo nghề, nhu cầu việc làm của DN…

Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai hiện cũng đang đào tạo 7 nghề trọng điểm. Trong đó có 3 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế (cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, quản trị mạng máy tính), 1 nghề chất lượng cao cấp độ khu vực ASEAN (quản trị khách sạn) và 3 nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc gia (kỹ thuật chế biến món ăn, công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí).

Việc tuyển sinh, đào tạo học viên những nghề này khá thuận lợi. Nhiều học sinh có học lực khá, giỏi ở bậc THCS đã chọn học nghề tại trường. Một điều đáng mừng nữa là học sinh, sinh viên của trường khi tốt nghiệp đều nhận được mức lương tương đối tốt. Khoảng 65% sinh viên mới tốt nghiệp có mức lương khởi điểm từ 6,5-10 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, hiện nay, các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh đang đào tạo hệ cao đẳng cho khoảng 8 ngàn người/năm với 110 ngành nghề. Trong đó, Bộ LĐ-TBXH cũng như UBND tỉnh đã định hướng và đầu tư đào tạo 20 nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc tế, 6 nghề trọng điểm đạt chuẩn khu vực ASEAN và 10 nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia.

Không chỉ thực hiện theo chương trình nghề trọng điểm, các trường cao đẳng nghề ở Đồng Nai còn đào tạo nghề chuẩn quốc tế theo những chương trình hợp tác khác nhau. Trong đó, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 có thể được xem là điển hình. Tháng 11-2019, trường này đã được Phòng Thủ công nghiệp Erfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) cấp chứng nhận Tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tương đương tiêu chuẩn Đức.

Với chứng chỉ này, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 được tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tương đương tiêu chuẩn Đức với 4 nghề: cắt gọt kim loại - CNC, cơ khí xây dựng, cơ điện tử và điện tử công nghiệp. Các sinh viên vượt qua kỳ thi sẽ được cấp 2 bằng nghề: 1 bằng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và 1 bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức. Cơ hội nghề nghiệp vì thế cũng sẽ rộng mở hơn.

Trong giai đoạn vừa qua, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cũng đã thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng quốc tế theo chuẩn City & Guilds (Anh quốc)…

* Cần “gỡ rối” nhiều vấn đề

Trong thành công bước đầu của đào tạo nghề chất lượng cao không thể thiếu đóng góp  của các DN. Không chỉ đơn thuần là tạo môi trường cho học sinh, sinh viên thực tập, nhiều DN đã tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo nghề.

ThS Lê Đình Thâm, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai cho biết: “Các DN hỗ trợ cho trường bằng cách bố trí cho học sinh, sinh viên của trường thực tập đúng chuyên môn, đồng thời cử chuyên gia đến trường để trực tiếp dạy học và tham gia chấm thi nghề”.

Từ năm 2014, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã vận dụng để thực hiện mô hình đào tạo nghề phối hợp. Theo đó, DN cùng tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường. Đại diện của DN đối tác cũng là một trong 3 thành viên của Hội đồng giám khảo trong kỳ thi tốt nghiệp của sinh viên. Hội đồng này hoạt động độc lập với nhà trường.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có một chính sách mang tính ràng buộc nào đối với DN trong việc tham gia đào tạo nghề. Mặt khác, phần lớn DN chưa thấy được rõ nét lợi ích của họ trong hoạt động này. Ngay cả sinh viên mà DN đã hỗ trợ thực tập, nếu tìm được công ty khác trả mức lương cao hơn sẵn sàng rời bỏ nơi làm việc cũ để đến nơi mới… Những thực tế trên khiến DN ít mặn mà với công tác đào tạo nghề.

Một rào cản khác trong đào tạo nghề là trình độ đầu vào của sinh viên. Theo đó, đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế và khu vực đòi hỏi năng lực đầu vào của học sinh phổ thông phải có học lực từ trung bình khá trở lên, trong đó có trình độ ngoại ngữ. Tiêu chí ngoại ngữ đã khiến cho các trường khó tuyển sinh hoặc tuyển sinh được nhưng sinh viên không theo kịp chương trình đào tạo, bỏ học giữa chừng.

Cùng với đó, thời gian qua, UBND tỉnh phải thực hiện điều chỉnh để hoàn thiện các quy định liên quan đến một số chính sách, quy định mới của Trung ương ban hành quy định về tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao... Do vậy, tiến độ thực hiện đào tạo 1 ngàn lao động kỹ thuật chất lượng cao trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã không đạt mục tiêu đề ra. Tính đến cuối năm học 2019-2020, toàn tỉnh mới đào tạo được 351 sinh viên các nghề: kỹ thuật chế tạo thiết bị cơ khí, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật hàn, kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa trong công nghiệp, cơ điện tử.

Hiện nay, số lượng lao động qua đào tạo nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp đã tăng đều theo từng năm nhưng vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn. Một phần do công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Nhìn chung, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề.

Hải Yến


ThS Huỳnh Lê Tấn Dũng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai:

Có cơ chế để nhà trường và DN phối hợp đào tạo nghề

Nhà trường đã thực hiện khảo sát học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp từ năm 2015. Hiện chúng tôi khảo sát được khoảng từ 40-60% học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Kết quả cho thấy, khi mới ra trường có khoảng 60-70% các em đi làm đúng ngành nghề. Sau 6 tháng đến 1 năm, số chưa có việc làm đều tìm được việc làm nhưng không đúng ngành nghề. Như vậy, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm đúng ngành nghề không cao.

Việc làm của học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu tuyển dụng của DN và sự ràng buộc trách nhiệm của DN trong tuyển dụng lao động. Muốn có được sự ràng buộc, cam kết này thì cần có chính sách; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành; cần cơ chế để có sự phối hợp giữa các bên…

Ông Đỗ Đình Hiệp, Giám đốc sản xuất Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (H.Trảng Bom):

Thêm chính sách khen thưởng, động viên

Lao động kỹ thuật cao đang đóng vai trò quan trọng tại các DN, trở thành lực lượng chủ chốt cùng DN ổn định sản xuất và phát triển. Theo đó, các DN cần có nhiều chính sách đãi ngộ tốt, đặc biệt việc chi trả lương, thưởng tương xứng với công sức và chất xám của họ bỏ ra.

Thực tế, thời gian qua, những sáng kiến của công nhân kỹ thuật cao đóng góp rất lớn vào sự đổi mới của các DN, nếu không có lực lượng này, DN khó đạt được mục tiêu sản xuất. Vì vậy, ngoài chú trọng nâng cao tay nghề cho lao động kỹ thuật cao, các DN cần quan tâm đẩy mạnh các hình thức khen thưởng để khích lệ tinh thần làm việc không ngừng cũng như giữ chân đội ngũ lao động này.  

H.An - L.Mai (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích