Báo Đồng Nai điện tử
En

Ánh sáng tỏa ra từ một con người...

08:09, 04/09/2020

Ngày nay, nếu chịu khó tìm hiểu con đường học tập và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, chúng ta sẽ thấy thật sâu sắc và sáng tỏ, từ minh triết của cả nền giáo dục quốc dân đến những quan niệm, cách thức học tập, rèn luyện cụ thể; từ việc dạy học cho trẻ con đến giáo dục cán bộ, đảng viên; từ việc học chuyên môn, kỹ thuật đến học lý luận chính trị…

Ngày nay, nếu chịu khó tìm hiểu con đường học tập và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, chúng ta sẽ thấy thật sâu sắc và sáng tỏ, từ minh triết của cả nền giáo dục quốc dân đến những quan niệm, cách thức học tập, rèn luyện cụ thể; từ việc dạy học cho trẻ con đến giáo dục cán bộ, đảng viên; từ việc học chuyên môn, kỹ thuật đến học lý luận chính trị…

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các học sinh Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội (tháng 5-1956). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các học sinh Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội (tháng 5-1956). Ảnh: Tư liệu TTXVN

* Từ ham học…

Một trong những tư tưởng lớn về giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam là phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời (Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT). Đây là nền tảng để xây dựng nên một xã hội học tập.

Thế nhưng, trước hết phải có những người ham học, tự học và học suốt đời. Về phương diện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự là một tấm gương vĩ đại. Cũng có thể nói, Bác Hồ là người học trò suốt đời mà không ai nghĩ đó là sự thất thố, bởi cả cuộc đời của Người đã minh chứng. Xin dẫn vắn tắt chuyện học của Bác.

Ông ngoại của Bác Hồ là nhà Nho; thân sinh của Người là Cử nhân, rồi Phó bảng. Cả hai đều có lúc mở trường dạy học. Trong số các trẻ em trong làng được cụ Hoàng Đường dạy chữ, Nguyễn Sinh Cung nhỏ nhất, lúc chưa đầy 5 tuổi đã thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ. Điều gì đã biết thì nhớ rất lâu, đặc biệt là những chuyện cổ tích, những câu hát phường vải mà bà ngoại và mẹ thường kể (1).

Năm 1898, Nguyễn Sinh Cung vào Thừa Thiên và bắt đầu học chữ Hán từ chính cụ thân sinh. Các bài học, cậu bé chỉ đọc ba, bốn lần là thuộc. Nhưng con đường học vấn của Bác Hồ thời niên thiếu không thuận buồm xuôi gió, vì cụ Phó bảng thường xuyên phải thay đổi nhiệm sở. Tuy nhiên, mỗi lần thay đổi chỗ ở, việc đầu tiên của những người thân là tìm nơi học cho cậu bé thông minh. Như năm 1901, mới hơn 10 tuổi, phải về lại quê ngoại ở Nghệ An, Nguyễn Sinh Cung được đưa đến nhà thầy Hoàng Phan Quỳnh, cách nhà 3km để học. 15 tuổi, mới đi học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở Vinh, cách nhà đến 14km. Đây là lần đầu tiên Bác Hồ tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI. Nhưng chưa hết năm học, đã phải vào Kinh đô vì thân sinh nhậm chức mới ở đó. Tại đây, Nguyễn Tất Thành lại vào học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên. Hằng ngày, ngoài giờ học, cùng anh phải lo việc nội trợ cho cụ Thừa biện thanh bần, liêm khiết. Thời gian ít ỏi còn lại, Người nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư của triều Nguyễn về đọc.

Đến tháng 8-1908, 18 tuổi, Nguyễn Tất Thành được nhận vào học lớp trung đẳng (cours moyen), Trường Quốc học Huế. Phiên ngang theo bằng cấp ngày nay, đó là khoảng lớp 7, lớp 8 của bậc THCS. Con đường học vấn chính thức của Bác Hồ đến đó, vì giữa năm sau, Người theo cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc đi nhậm chức Tri huyện Bình Khê, một huyện thượng du của tỉnh Bình Định. Sau này, khi đến nói chuyện với Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế (Hà Nội, ngày 1.9.1961), Bác Hồ có kể: Về văn hóa: Tôi chỉ học hết lớp tiểu học (…). Về hiểu biết phổ thông:  Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe radio lần đầu tiên... Người còn nói đó là lời tâm sự của một người thanh niên già đã có một ít kinh nghiệm, thật thà bày tỏ với các bạn thanh niên yêu quý và nhờ các bạn đại biểu chuyển đến thanh niên khắp thế giới lời chào thân ái nhất của Bác Hồ. Còn trong Bản khai đại biểu dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (ngày 16-8-1935), Nguyễn Ái Quốc đã khai: …6. Thành phần xuất thân: gia đình trí thức. 7. Trình độ học vấn: tự học(2).

* …Đến tự học

Tuy con đường học vấn chính thức phải dừng lại khá sớm nhưng khát khao hiểu biết, được học hành ở Bác Hồ không bao giờ dừng lại. Khi vào Bình Định, ở vùng Bình Khê không có trường bậc trung học, Người được cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi xuống Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn(3) theo chương trình lớp cao đẳng (cours supéreeur). Trong khoảng thời gian rất ngắn trước khi rời bến Nhà Rồng để đến Pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xin vào học trường thợ máy (école des mecaniciens)(4).

Vừa đặt chân đến đất Pháp chưa được bao lâu, Nguyễn Tất Thành đã viết thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp để xin vào học Trường Thuộc địa (école Coloniale). Đây là trường đào tạo nên các công chức, chủ yếu dành cho người Pháp, nên rất khó vào. Bác Hồ đã viết thư gửi về nước cho anh trai để vận động cho mình đạt được ước nguyện đó. Ông Nguyễn Sinh Khiêm đã viết thư gửi cho Toàn quyền Đông Dương, Albert Sarraut. Điều tất nhiên, quan Toàn quyền, người trước đó đã yêu cầu Nha thương chính Đông Dương đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu và đã từng khiển trách quan Thừa biện Nguyễn Sinh Sắc để con trai tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên năm 1908, chẳng bao giờ chấp nhận thỉnh cầu xin một đặc ân với lòng nhân từ cao cả(5).

Không thể vào bất kỳ một trường học nào dù đang ở trên quê hương của Tự do và Bác ái, Nguyễn Tất Thành vẫn luôn tìm mọi cách để học. Sang Mỹ cuối năm 1912, Bác Hồ vừa kiếm sống cùng với những người da đen, vừa tự học tiếng Anh. Khi rời Mỹ sang Anh, Người đã viết thư báo tin với cụ Phan Châu Trinh rằng, bốn, năm tháng nữa lúc gặp bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều nhiều(6). Nếu biết thêm một chút về việc làm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở Anh, ta sẽ thấy nghị lực và khát vọng học hỏi của Người lớn lao biết chừng nào: Sau khi đến Anh, để sinh sống, anh nhận cào tuyết cho một trường học. Công việc quá vất vả mệt nhọc… Anh tìm một việc khác là đốt lò. Từ 5 giờ sáng, đã phải chui xuống hầm để nhóm lửa, suốt ngày đổ than, thay than trong lò, sống trong cảnh tranh tối tranh sáng, ngột ngạt đáng sợ… Hằng ngày, sáng sớm và buổi chiều, nghĩa là trước và sau giờ lao động, anh miệt mài tự học(7).

Trong thời gian ở Pháp, mật thám đã theo dõi Nguyễn Ái Quốc cũng như những nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường… khá kỹ. Họ ghi chép khá chi tiết từng địa điểm, thời gian người thanh niên đó đi, đến trong một ngày. Điều khá ngạc nhiên là nơi Nguyễn Ái Quốc đến nhiều và ở lại lâu nhất là các thư viện. Chẳng hạn, năm 1919, đến Thư viện Sainte Geneviève , các ngày 9 và 11-12, mỗi ngày hai lần; ngày 12-12, buổi sáng 2 lần, buổi chiều 1 lần… Rất có thể, thư viện Sainte Geneviève là điểm Nguyễn Ái Quốc liên lạc với những nhà yêu nước, nhưng chắc chắn ở đó Người đã học, nghiên cứu rất kỹ tài liệu, sách, báo để từ đó hình thành nên những tác phẩm công phu, chuẩn xác, lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp như: Đông Dương (1923-1924); Bản án chế độ thực dân Pháp (1925)…

Chặng cuối cùng trên hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc là đến nước Nga để tham dự đại hội Quốc tế Cộng sản. Lẽ ra đại hội sẽ diễn ra vào cuối năm 1923, nhưng vì V.I. Lênin ốm nặng, phải hoãn. Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ vào học lớp ngắn hạn của Trường đại học Phương Đông ở Moscow. Đây là lần đầu tiên Bác Hồ bước chân vào một trường đại học để hơn 10 năm sau, năm 1937, trong lần trở lại Liên Xô thứ hai, Người được tuyển chọn là nghiên cứu sinh của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã lập kế hoạch cá nhân của nghiên cứu sinh. Ngày nay, ở Cục Lưu trữ Trung ương, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin (Liên Xô cũ) còn lưu lại cả nhận xét và đánh giá về nghiên cứu sinh tên LIN (Nguyễn Ái Quốc). Nhưng Bác Hồ chỉ học tập và nghiên cứu ở nước Nga hơn 1 năm. Một buổi chiều se lạnh tháng 10-1938, Bác Hồ lên tàu lửa đi về phương Đông, bỏ lại bản luận án Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á còn đang viết dang dở… Phía ấy là Tổ quốc thân yêu, là dân tộc hiếu học đang chờ Người trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do!

* Học để làm gì?

Còn nhớ, trước khi sang Pháp, Nguyễn Tất Thành đã bàn với một người bạn thân: Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Người bạn ấy đã hỏi lấy tiền đâu để đi, Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay: Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm văn. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi! Như vậy, lý do ra nước ngoài của Người khi ấy đã rõ và mãnh liệt: đi để học và tìm thấy con đường cứu nước!

Việc học của Bác Hồ, từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc và sau này là Hồ Chí Minh luôn sáng rõ và nhất quán: học để biết, học để đạt được mục đích của mình là cứu nước, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân!

Ở Thư gửi các học sinh năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch có viết: Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em. Đất nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Bác Hồ nói: Nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Ngày nay, nếu chịu khó tìm hiểu con đường học tập và học lại tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chúng ta sẽ thấy, thật sâu sắc, sáng tỏ, từ minh triết của cả nền giáo dục quốc dân, đến những quan niệm, cách thức học tập, rèn luyện cụ thể; từ việc giáo dục trẻ con đến giáo dục cán bộ, đảng viên; từ việc học chuyên môn, kỹ thuật đến học lý luận chính trị… Mục đích giáo dục quốc dân là làm cho nòi giống ngày thêm mạnh; dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Mục đích dạy học trong nhà trường là đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà(8). Mục đích của giáo dục cán bộ, đảng viên là để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, là giữ vững tinh thần chí công vô tư, để trở thành người cao thượng, bởi vì có đạo đức(9). Đó là lý do vì sao, khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, Bác Hồ đã nói không chỉ với họ mà cả với đồng bào, những lời thật thà và gan ruột của mình:

Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi(10).

Đó cũng là lý do vì sao tại Moscow năm 1923, khi lần đầu tiên gặp Bác Hồ nhưng nhà thơ Xô viết nổi tiếng O.Mandelstam đã nhận xét rằng, từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là văn hóa tương lai!(11).

Bùi Quang Huy


(1), (2), (4), (5), (6), (7), (11): Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử; Nxb Chính trị quốc gia; 2006; tập 1. (3): Thân sinh của cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch sau này. (8): Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, ngày 31-10-1955. (9): Báo Nhân dân, số 460, ngày 6-6-1955. (10): Báo Cứu Quốc, số 147, ngày 21-1-1946.

 

Tin xem nhiều