Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành Y tế đã thực hiện đạt và vượt hầu hết những chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra trên lĩnh vực y tế.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành Y tế đã thực hiện đạt và vượt hầu hết những chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra trên lĩnh vực y tế.
Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sử dụng bệnh án điện tử trong quá trình khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân. Ảnh:H. Dung |
Ngành Y tế Đồng Nai hiện có 223 đơn vị y tế công lập và gần 3,5 ngàn cơ sở y tế ngoài công lập, hình thành mạng lưới y tế phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế.
* Mạng lưới y tế ngày càng hoàn thiện
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở, ngành Y tế đã tập trung đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, máy móc hiện đại cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đến nay, tuyến y tế cơ sở cơ bản đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực với 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế. Trong 5 năm qua, có khoảng 35 trạm y tế đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm sinh - hóa.
Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đã có những đột phá trong việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống y tế. Phải kể đến như: khối B Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được đầu tư theo hình thức công - tư kết hợp; Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark với 100% vốn đầu tư nước ngoài; hệ thống các bệnh viện thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ; Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đầu tư mở rộng phát triển dịch vụ bằng nguồn vốn vay; Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cũng đang tiến hành phát triển thêm dịch vụ xã hội hóa tại đơn vị. Ở khối dự phòng, có Trung tâm Tiêm chủng vaccine VNVC (TP.Biên Hòa) đáp ứng nhu cầu tiêm chủng chất lượng cao của người dân địa phương.
Anh Hồ Bảo Long (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho rằng, sự ra đời của một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao. Không chỉ được chọn bác sĩ, bệnh nhân còn được nằm viện trong phòng sạch sẽ, thoáng mát, có tivi, tủ lạnh, máy lạnh… Nhiều bệnh viện còn cung cấp cả suất ăn tại giường cho bệnh nhân và người nhà, rất thuận tiện.
* Những đột phá đáng ghi nhận
Trong 3 năm gần đây, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo nhằm hướng tới xây dựng nền y tế thông minh. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã triển khai thành công bệnh án điện tử, là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh và là bệnh viện thứ 4 trong cả nước thực hiện thành công đề án này. Tiếp nối thành công của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai bệnh án điện tử trong thời gian tới.
Những chỉ tiêu mà ngành Y tế đã thực hiện đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra gồm: thu gom và xử lý rác thải đạt 100%; đạt 30 giường bệnh/vạn dân; đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,02%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao còn 23%, suy dinh dưỡng cân nặng còn 8%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vaccine đạt 98%. |
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, bệnh viện đã và đang triển khai thẻ đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí 2 trong 1, giúp giảm bớt thời gian chờ đợi cho người bệnh khi đến khám tại bệnh viện. Đồng thời liên tục nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất - bệnh viện tiên phong trong việc mổ tim hở tại Đồng Nai, theo TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc bệnh viện, hơn 40 bệnh nhân đã được mổ tim thành công cho thấy sự đầu tư đúng hướng cả về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất, hạ tầng của bệnh viện. Qua đó, giúp người dân bị bệnh tim trong tỉnh có cơ hội được điều trị, trở về với cuộc sống đời thường, không phải lên các bệnh viện ở TP.HCM để chờ đợi được điều trị với chi phí khá cao. Ngoài kỹ thuật mổ tim hở, bệnh viện cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao khác như: nội soi tán sỏi đường mật qua đường hầm Kehr, cắt gan, lọc màng bụng, điều trị rối loạn điện sinh lý bằng sóng cao tần…
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đã triển khai thành công phẫu thuật nội soi nhi, phẫu thuật dị tật bẩm sinh, hồi sức tích cực sơ sinh... cứu sống nhiều bệnh nhi bị bệnh lạ, hiếm gặp, nguy hiểm đến tính mạng…
Một kết quả cũng rất đáng tự hào của ngành Y tế Đồng Nai là từ đầu năm 2020 đến nay đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền cho người dân cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác cách ly y tế, khoanh vùng, dập dịch được tiến hành khẩn trương, đúng quy định, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
* Nâng “chất” nguồn nhân lực
5 năm qua, đội ngũ cán bộ y tế trong toàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, đạt tỷ lệ 8,5 bác sĩ/vạn dân. Số lượng cán bộ, bác sĩ có trình độ tiến sĩ, CKII, CKI, thạc sĩ ngày càng tăng, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ đầu ngành trong từng chuyên khoa. Đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên được đào tạo đạt chuẩn theo quy định, hầu hết có trình độ cao đẳng trở lên, tỷ lệ cử nhân điều dưỡng tại các cơ sở y tế trong toàn ngành cũng tăng theo từng năm.
Một ca phẫu thuật tim cho trẻ em được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh:H. Dung |
Để nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng của đội ngũ nguồn nhân lực ngành Y tế, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, ngành sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là các chuyên khoa khó thu hút cán bộ y tế vào làm việc như: lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh.
Bên cạnh đó, ngành sẽ thường xuyên cập nhật kiến thức y học mới, triển khai công tác đào tạo liên tục đối với đội ngũ cán bộ y tế; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh; tạo điều kiện để các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành được tham dự các hội thảo khoa học về y học của khu vực và nước ngoài; tăng cường đào tạo chuyên khoa sâu theo chuyên ngành nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia trên từng lĩnh vực y tế; quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên.
Ngành Y tế cũng sẽ xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ bác sĩ cho những địa phương, đơn vị khó khăn về nguồn nhân lực; tiếp tục hoàn chỉnh đề án bệnh viện vệ tinh giữa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai với các bệnh viện lớn ở TP.HCM; Đề án 1816 về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
“Ngành Y tế phấn đấu đạt được 10 bác sĩ/vạn dân và 2,8 dược sĩ đại học/vạn dân vào năm 2025; 100% trạm y tế có bác sĩ trong định biên, bảo đảm cơ cấu cán bộ y tế ở cơ sở khám, chữa bệnh là 3,5 điều dưỡng/bác sĩ“ - TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Hạnh Dung
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên:
Dành những điều tốt nhất cho người bệnh
Việc thực hiện bệnh án điện tử, các phòng khám chuyên gia, thí điểm chăm sóc bệnh nhân tại nhà hay triển khai các dịch vụ phục vụ người bệnh tại bệnh viện… được bệnh nhân, nhân dân trong vùng rất hoan nghênh.
Với sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế và sự tin yêu của người bệnh, chúng tôi đang hướng tới xây dựng một bệnh viện thật sự thân thiện với người bệnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong toàn tỉnh.
BS Nguyễn Hồ Thành, phụ trách Khoa Ngoại tổng quát Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch:
Định hướng thực hiện nhiều kỹ thuật ngoại khoa
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 2015, tôi về công tác tại Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch. Từ đó đến nay, tôi nhiều lần được cử đi học bổ sung nghiệp vụ, đã hoàn thành CKI chuyên ngành ngoại - chấn thương chỉnh hình. 3 năm gần đây, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo trung tâm, Khoa Ngoại tổng hợp đã thực hiện được nhiều kỹ thuật như: mổ ruột thừa nội soi, cắt túi mật nội soi, khâu gan cầm máu, cắt lách, mổ kết hợp gãy thân xương cánh tay, bàn tay, thân xương đùi, cẳng chân… Đây là những kỹ thuật mà cách đây vài năm chưa từng được thực hiện tại trung tâm. Thời gian tới, tôi hy vọng trung tâm sẽ thực hiện thêm được các loại phẫu thuật khác như: phẫu thuật sọ não, phẫu thuật ngoại niệu bằng laser, tán sỏi ngoài cơ thể, thay khớp…
Ông Lê Minh Sơn (ngụ xã An Phước, H.Long Thành):
Hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên y tế
Tôi bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm, phải thường xuyên đến bệnh viện để thăm khám và uống thuốc. So với trước đây, tôi thấy chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ của nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tốt hơn rất nhiều. Nếu bệnh nhân chưa hiểu điều gì, sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn tận tình, không có tình trạng quát tháo bệnh nhân như trước. Hơn nữa, tôi tham gia bảo hiểm y tế, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện nên được thông tuyến, có thể đăng ký khám ở các bệnh viện tư nhân được xếp hạng 3 hay các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn được thanh toán bình thường. Điều này rất có lợi cho người bệnh, có thể lựa chọn nơi có bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất tốt để khám bệnh mà không lo tốn quá nhiều chi phí.
Bảo Lộc (ghi)