Cùng với các hoạt động giáo dục, công tác Đoàn trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên...
Cùng với các hoạt động giáo dục vào giờ lên lớp, công tác Đoàn trong trường học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên.
Đoàn viên, học sinh trao đổi về hiểu biết của mình đối với vấn đề biển, đảo. Ảnh: Nga Sơn |
Trong năm học qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động Đoàn trong trường học. Tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ từ phía ban giám hiệu nhà trường, tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ Đoàn, sự cộng đồng trách nhiệm của đoàn viên thanh niên, công tác Đoàn khối trường học đã đạt được kết quả nhất định.
* Linh hoạt trong các hoạt động
Anh Võ Văn Trung, Trưởng ban Thanh thiếu niên trường học Tỉnh đoàn cho biết, năm học vừa qua là một năm khá đặc biệt đối với công tác Đoàn khối trường học. Nếu như mọi năm vào tháng 3 - Tháng Thanh niên, các chương trình, hoạt động của Đoàn khối trường học được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi thì năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hoạt động tập trung đông người hầu như đều bị hủy bỏ; thời gian kết thúc năm học muộn hơn so với mọi năm… Tuy nhiên, từ khó khăn, hoạt động Đoàn đã được các trường linh hoạt tổ chức bằng những hình thức phù hợp.
Trong đó, hoạt động được đánh giá là mới mẻ dành cho đoàn viên, học sinh tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chính là cuộc thi trực tuyến mang tên Sách hay cho tôi và bạn do Tỉnh đoàn tổ chức. Tham gia cuộc thi, đoàn viên, học sinh viết cảm nhận hoặc giới thiệu nội dung của một cuốn sách đã hoặc đang đọc mà mình tâm đắc nhất liên quan đến chủ đề từng tuần mà Ban tổ chức đưa ra. Bài cảm nhận của các thí sinh gửi về cho Ban tổ chức và được đăng trên fanpage Học sinh THPT tỉnh Đồng Nai.
Sau 4 tuần với những chủ đề khác nhau, Ban tổ chức đã nhận được trên 300 bài dự thi của đoàn viên, học sinh gửi về và đặc biệt từ sau khi cuộc thi được khởi động, số lượt tương tác trên fanpage Học sinh THPT tỉnh Đồng Nai tăng lên đáng kể (trên 5 ngàn lượt like, gần 4,4 ngàn lượt chia sẻ). Quan trọng hơn, cuộc thi đã góp phần hình thành thói quen tốt cho đoàn viên, học sinh.
Tham gia cuộc thi lần này, em Nguyễn Thanh Ngân, học sinh lớp 11C1, Trường THPT Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) đã chọn giới thiệu về nội dung cuốn sách Trong giông gió Trường Sa. Thanh Ngân cho biết, sau khi đọc cuốn sách, em không chỉ có những hiểu biết nhất định về quần đảo Trường Sa qua những phần bút ký của các nhà văn mà em còn hiểu được rõ hơn về tình yêu quê hương tha thiết và lòng tự hào dân tộc sâu sắc. So với việc xem tivi, xem điện thoại, chơi game, việc đọc sách bổ ích hơn rất nhiều. Vì vậy, em sẽ tiếp tục duy trì thói quen này như một hình thức tự học, tự trau dồi kiến thức cho mình sau giờ học.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thay vì tổ chức các hoạt động tình nguyện mang tính truyền thống, tại một số trường đã tổ chức cho đoàn viên, học sinh, sinh viên góp sức phòng, chống dịch. Trong đó, Đoàn Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai đã vận động một số sinh viên ngành Công nghệ may trở lại trường may khẩu trang tặng cho bác sĩ, nhân viên y tế và các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch; Đoàn Trường đại học Công nghệ Miền Đông vận động giảng viên trẻ, sinh viên bào chế nước rửa tay kháng khuẩn; Đoàn Trường đại học Lạc Hồng tham gia phát khẩu trang miễn phí cho người dân TP.Biên Hòa, sinh viên trong khu nội trú của trường…
* Cần sự chung tay từ nhiều phía
Công tác Đoàn trong trường học thời gian qua được đánh giá là có chuyển biến tích cực nhưng qua nhận xét của một bộ phận đoàn viên, học sinh, hoạt động trong trường học hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của đoàn viên, học sinh.
Đoàn viên, sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai may khẩu trang kháng khuẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Nga Sơn |
Anh Võ Văn Trung cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động Đoàn tại một số đơn vị chưa hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến mức độ quan tâm của cấp ủy, ban giám hiệu các trường; nhiệt huyết của “thủ lĩnh” Đoàn các trường học; sự cộng đồng trách nhiệm của đội ngũ thầy cô giáo bộ môn; sự hưởng ứng của đoàn viên, học sinh, sinh viên; việc tạo điều kiện của các bậc phụ huynh ở khối THPT…
Anh Lê Sơn Quang, Bí thư Đoàn Trường đại học Lạc Hồng cho biết, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể, tại Trường đại học Lạc Hồng, công tác Đoàn và phong trào thanh niên được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường hết sức quan tâm, tạo điều kiện. Điều này thể hiện ở chỗ, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường bố trí hẳn 4 nhân sự chuyên trách làm công tác Đoàn kiêm thêm công tác văn phòng Đảng ủy. Bên cạnh đó, nhà trường còn bố trí kinh phí cho Đoàn hoạt động bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Trong chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa hè xanh hằng năm, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường đại học Lạc Hồng đều tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức Đoàn vận động kinh phí trong cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên để thực hiện công trình thanh niên trị giá lên đến hàng chục triệu đồng. Trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh năm 2020 vừa qua tại mặt trận H.Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), nhà trường đã ủng hộ cho chiến dịch 32 chiếc máy vi tính cũ, 30 chiếc giường tầng bằng sắt cho các trường học bán trú. Tất cả những chiếc máy vi tính, những chiếc giường cũ đều được các chiến sĩ thanh niên tình nguyện “làm mới”… Đặc biệt, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm thăm hỏi, nắm tình hình và kịp thời định hướng mỗi khi hoạt động Đoàn, Hội của trường có dấu hiệu chững lại.
Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hoạt động Đoàn trong trường học rất cần có một “thủ lĩnh” chịu "lăn lộn" với phong trào. Có được cán bộ Đoàn nhiệt huyết với phong trào thì dù khó khăn đến đâu họ vẫn có thể tổ chức được những hoạt động hiệu quả, thiết thực thu hút được đoàn viên, thanh niên tham gia.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm TP.HCM, anh Trần Hồng Lực về công tác tại Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa). Là giáo viên trẻ mới ra trường nên anh được giới thiệu bầu làm Bí thư đoàn trường. Trên nền tảng những hoạt động mang tính truyền thống của trường, anh Lực đổi mới cách thức thực hiện cho phù hợp, đáp ứng đúng với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh. Chẳng hạn chương trình hội trại truyền thống hằng năm, từ chỗ đoàn viên, học sinh tham gia với vai trò thụ động thì nay đoàn viên, học sinh đóng vai trò chủ động.
Anh Lực cũng cho biết thêm, số lượng đoàn viên, học sinh tham gia hoạt động là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động. Vì vậy, để thu hút được đông đảo đoàn viên, học sinh tham gia, trước khi tổ chức hoạt động mới, anh đều tham khảo ý kiến của đoàn viên, học sinh để có sự điều chỉnh cho phù hợp… Để đoàn viên, học sinh tích cực hưởng ứng các hoạt động, theo anh Lực cần có sự chung tay góp sức của đội ngũ giáo viên bộ môn, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh trong việc tạo điều kiện cho học sinh, con em của mình tham gia hoạt động Đoàn.
Anh Võ Văn Trung, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn cho biết, năm học mới đã chính thức bắt đầu. Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam hiện đã được kiểm soát, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, Tỉnh đoàn đã xác định, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi sẽ "sống chung với dịch". Tỉnh đoàn đã đề ra 2 phương án đó là: duy trì hình thức tổ chức hoạt động truyền thống trong điều kiện không có dịch và tăng cường tổ chức các hoạt động trực tuyến, các hoạt động tập trung ít người trong điều kiện dịch bệnh. |
Nga Sơn