Báo Đồng Nai điện tử
En

Kính nhớ Bác Năm Phiêu

09:08, 14/08/2020

Cách đây gần 1 tháng, nghe anh Lê Hồng Phương, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đi Hà Nội về cho hay: Bác Năm Lê Khả Phiêu đang trong tình trạng không được khỏe lắm!

Cách đây gần 1 tháng, nghe anh Lê Hồng Phương, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đi Hà Nội trở về cho hay: Bác Năm Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong tình trạng không được khỏe lắm!

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu viếng Đền thờ liệt sĩ Rừng Sác (H.Nhơn Trạch) vào tháng 4-2015. Ảnh: Trần Danh
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu viếng Đền thờ liệt sĩ Rừng Sác (H.Nhơn Trạch) vào tháng 4-2015. Ảnh: Trần Danh

Nhưng khi xem Kênh Vnews (Truyền hình TTXVN) thông tin về việc Bác Năm đã về cõi vĩnh hằng, tôi thực sự hụt hẫng trước sự mất mát to lớn này của Đảng và nhân dân Việt Nam.

***

Đối với tôi, một đảng viên cộng sản, thương tiếc người từng đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một lẽ bình thường. Nhưng hơn thế nữa, với tư cách là kẻ hậu sinh, tôi kính quý, tiếc thương người con của đất Lam Kinh - nơi Lê Lợi từng dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược - còn có một tình cảm đặc biệt. Nói hai từ đặc biệt ở đây, bởi tôi có diễm phúc được tiếp xúc trực tiếp với Bác Năm nhiều lần với tình cảm trân trọng.

Thực ra, một nhà báo nhỏ ở phương Nam như tôi, được vinh dự gặp Bác Năm là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Bởi nhiều người xuất thân từ những “lỗ trâu nằm” và lớn lên từ những bãi bồi ở Cù lao Rùa chưa bao giờ có cái vinh dự như tôi được ngồi cùng bàn, ăn cơm với một ông Thượng tướng dày dạn chiến trường; hơn thế nữa, người ấy còn là Tổng bí thư của một Đảng chân chính của phong trào cộng sản quốc tế.

Có lẽ nhờ phúc đức của ông bà, cha mẹ để lại nên tôi được phúc phần gặp bác Năm Phiêu không phải một lần.

***

Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Năm, khi cùng đoàn của Tỉnh ủy Đồng Nai về thăm Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế để chuẩn bị ngày hôm sau ra Quảng Trị làm lễ tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường - nơi địa đầu giới tuyến 17, nơi ranh giới chia cắt tạm thời, nỗi đau lớn của dân tộc Việt Nam kéo dài suốt 21 năm ròng rã. Được ngồi ở một vị trí xa, tôi quan sát Bác Năm với những suy nghĩ: Đó là một người đàn ông sinh ra ở xã Đông Khê, H.Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi phát tích chiếc trống đồng Đông Sơn, biểu trưng cho khuôn mặt của nền văn minh Việt Nam. Từ xa, tôi nhận ra ông có khuôn mặt khắc khổ nhưng lời nói rất nhẹ nhàng và nụ cười của ông rất nhân hậu - biểu cảm của nhà lãnh tụ bao dung, tận tụy vì dân, vì nước. Tất nhiên, trong nội dung Bác Năm trao đổi với những người có mặt hôm đó, tựu trung là sự quan tâm đến những người đồng đội đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, nhất là những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường Lào và Campuchia mà đến nay, chưa tìm được hài cốt, cần phải tìm kiếm và quy tập về nước cho ấm lòng quân dân và đồng đội. Tình cảm của người lính đối với những người lính, tình cảm của một vị tướng đối với chiến sĩ và tình cảm của một người đứng đầu Đảng đối với những đảng viên cộng sản đã hy sinh trên khắp chiến trường Đông Dương là như vậy.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm các học viên Trường đại học Nguyễn Huệ
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm các học viên Trường đại học Nguyễn Huệ

Lần thứ hai, tôi được gặp Bác Năm ở nhà anh Sáu Phong, tức nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ở xã Phú An, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Lần ấy, trong bữa cơm thân mật do anh Sáu Phong chuẩn bị nhân sinh nhật của Bác Năm Phiêu. Trong không khí thân tình, đầm ấm với mái lá dừa của phòng khách nhà anh Sáu Phong, Bác Năm chia sẻ với các anh Sáu Phong, Mai Thế Trung, Lê Hồng Phương, Nguyễn Phú Cường và một số anh em cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy hai tỉnh Bình Dương - Đồng Nai về tình cảm của bác đối với nhân dân vùng Chiến khu Đ và Tam giác sắt anh hùng. Bác Năm nói, nhân dân Nam bộ, nhân dân của những vùng đất anh hùng này rất kiên cường, thủy chung, son sắt với cách mạng; chính quyền các cấp cần phải chăm lo cho các gia đình chính sách một cách chu đáo để đền đáp công ơn của nhân dân. Qua đó cho thấy, người từng đứng đầu Đảng ta luôn nghĩ đến nhân dân với tình cảm đầy ắp lòng yêu thương, luôn trân quý những giá trị cao cả mà người dân Nam bộ đã đóng góp cho cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Lần thứ ba, tôi được gặp Bác Năm là lần ông về thăm Đồng Nai và tôi được Tỉnh ủy gọi đến dùng cơm với nguyên Tổng bí thư ở Khu du lịch Vườn Xoài của chị Dương Thị Nhã, từng là bộ đội thông tin thời chống Mỹ, là giám đốc khu du lịch sinh thái này. Buổi tối hôm đó, trong buổi cơm thân mật, tôi đọc cho Bác Năm và mọi người nghe bài thơ nói về quê hương xứ Thanh và con đường “Tây Tiến” mà nhà thơ Quang Dũng đã từng cảm tác. Không biết Bác Năm có “cảm” những lời thơ tôi viết từ trái tim của mình hay không, chỉ thấy bác gật đầu mỉm cười, một nụ cười nhân hậu như đồng tình, chia sẻ với những lời thơ tôi đã viết bằng tất cả tâm huyết.

***

Sau đó, khi triển khai làm bộ phim tài liệu Đông Dương chung một chiến hào dài 30 tập, nói về sự chung lưng đấu cật giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong chiến tranh giành độc lập, anh Phan Khắc Hải, vốn là thiếu tướng, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân đề nghị với tôi mời nguyên Tổng bí thư làm cố vấn cho bộ phim này, nên tôi có dịp đến nhà Bác Năm ba lần.

Đó là một ngôi nhà cấp 3 số 7/36/C1 P.Cửa Đông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây là chỗ ở của gia đình Bác Năm Phiêu với người vợ là bác Nguyễn Thị Bích và các con. Đó là một ngôi nhà bình thường, một ngôi nhà giản dị như ngôi nhà của chú Năm Huỳnh ở quê tôi; thậm chí nó còn nhỏ hơn một số ngôi nhà ở đối diện đó. Bác Năm tiếp anh em chúng tôi trong không khí thân tình, trọng thị, dù chức cấp của chúng tôi rất nhỏ bé, kể cả thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân. Qua những lời trình bày của anh em chúng tôi về bộ phim dự kiến sẽ thực hiện, Bác Năm vui vẻ nhận lời mời làm cố vấn lịch sử, quân sự cho bộ phim Đông Dương chung một chiến hào.

Khi trao đổi với các anh Phan Khắc Hải, Dương Trung Quốc, Phan Thanh Hoàng, Vũ Xuân Hải… và anh em chúng tôi, Bác Năm Phiêu luôn ưu tư một vấn đề lớn đã từng diễn ra trên bán đảo Đông Dương. Đó là điều mà Bác Hồ từng nói rằng: “Giúp bạn là giúp chính mình”. Vì nếu không có nhân dân Lào và nhân dân Campuchia thì cách mạng Việt Nam không dễ thành công, Bác Năm nói với giọng đầy cảm xúc. Nhân dân hai nước Lào và Campuchia luôn dành cho cuộc đấu tranh giành độc lập của ba nước như một nghĩa vụ thiêng liêng, tình cảm đặc biệt mang tính chân lý của thời đại. Chúng ta phải nhớ mãi cái ơn lớn ấy bằng cả tình cảm lớn lao và phải truyền những tình cảm và lòng biết ơn ấy đến các thế hệ mai sau, Bác Năm dặn dò.

***

Qua những lần gặp gỡ ấy, Bác Năm Lê Khả Phiêu đã để lại trong lòng tôi những bài học làm người - người cộng sản đầy tính nhân văn, cao cả. Đó là lòng kính trọng và luôn biết ơn nhân dân, những người đã sinh ra Đảng Cộng sản và chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Nay Bác Năm theo quy luật của muôn đời, đã trở về miền thiên cổ. Với tôi, luôn kính nhớ một người lính già của một thời gian khổ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Bác Năm ơi! Xin vĩnh biệt Bác - người lính già, vị tướng của nhân dân,  người Tổng bí thư trong bối cảnh thế giới đầy biến động nhưng lòng kiên định của Bác luôn là ngọn hải đăng cho con cháu đi theo.   

Mai Sông Bé

Tin xem nhiều