Ngày 28-8, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND cấp tỉnh.
Ngày 28-8, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND cấp tỉnh. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.
Một phiên họp Quốc hội. (Ảnh minh họa. Trọng Đức/TTXVN) |
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Đây là một trong những nghị quyết có tầm ảnh hưởng rộng đến hoạt động của cơ quan dân cử, chính quyền địa phương cấp tỉnh trong cả nước; nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, công chức công tác tại các cơ quan này ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Ngoài ổn định tổ chức bộ máy của cơ quan giúp việc cho đoàn ĐBQH và HĐND, việc ban hành nghị quyết còn liên quan đến vấn đề phân bổ ngân sách năm 2021 cho địa phương sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc thành lập văn phòng chung trên cơ sở hợp nhất 2 văn phòng: văn phòng đoàn ĐBQH và văn phòng HĐND cấp tỉnh cần kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của văn phòng trước đây, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, việc hợp nhất này không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của các đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh; vừa phải đảm bảo cho hoạt động phục vụ chung, vừa phải đảm bảo thực hiện chức năng riêng của đoàn ĐBQH và HĐND.
Về cơ cấu, tổ chức của văn phòng chung, dự thảo quy định lãnh đạo văn phòng: có chánh văn phòng và không quá 3 phó chánh văn phòng.
Đối với số lượng phòng, dự thảo nghị quyết đề xuất theo 2 phương án. Theo đó, phương án 1 quy định văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND có 3 phòng: phòng công tác Quốc hội, phòng công tác HĐND, phòng hành chính - tổ chức - quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc thì có thể bố trí thêm 1 phòng, chức năng, nhiệm vụ, tên phòng do địa phương quyết định.
Phương án 2, căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, sau khi thống nhất với trưởng đoàn ĐBQH, thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định số lượng phòng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, số lượng phó trưởng phòng của các phòng đảm bảo đúng quy định.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với việc sớm ban hành nghị quyết về thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh; cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo nghị quyết đồng thời đề nghị rà soát một số nội dung cụ thể để đảm bảo kết cấu chặt chẽ, thống nhất.
Về các phòng chuyên môn, nhiều ý kiến thống nhất với phương án 1. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, ngoài 3 phòng về công tác Quốc hội, về công tác HĐND, về hành chính - tổ chức - quản trị thì nên có phòng về công tác thông tin, dân nguyện.
TTXVN