Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được tổ chức vào tháng 10 - 2020...
Theo kế hoạch, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được tổ chức vào tháng 10-2020. Từ nay đến khi đại hội diễn ra vẫn tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng và quần chúng nhân dân vào dự thảo báo cáo chính trị để đảm bảo dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ được hoàn chỉnh ở mức cao nhất. Vì vậy, tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo chính là thể hiện tình cảm và tinh thần trách nhiệm đối với Đảng bộ, vì sự phát triển bền vững của Đồng Nai.
Thảo luận về dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI tại Đại hội Đảng bộ H.Trảng Bom. Ảnh: Công Nghĩa |
* Cần cụ thể, đầy đủ hơn trong đánh giá
Về tổng thể dự thảo báo cáo chính trị đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc; bố cục chặt chẽ; nội dung báo cáo đã bao trùm trên các lĩnh vực, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra những giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, với công tác xây dựng Đảng, dự thảo cần đánh giá rõ ràng và đầy đủ hơn để đúng với vai trò là nhiệm vụ “then chốt” của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua.
Những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của Đồng Nai trong nhiệm kỳ 2015-2020 rất đáng khích lệ, thể hiện sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả của các cấp ủy trong toàn Đảng bộ. Song, trong dự thảo, phần đánh giá kết quả của công tác xây dựng Đảng chưa thể hiện hết những nhiệm vụ quan trọng đã làm được. Chẳng hạn:
(1) Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban TVTU và các cấp ủy Đảng trong triển khai các nghị quyết lớn, quan trọng của Trung ương, như: Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Các quy định số 101-QĐ/TW, số 05-QĐ/TW, số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
(2) Hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương cũng như việc cụ thể hóa những nghị quyết của Trung ương thành các văn bản, quy định phù hợp với tình hình của Đảng bộ cũng chưa được đề cập. Đây là những nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng mà trong nhiệm kỳ vừa qua mà Đảng bộ Đồng Nai đã thực hiện rất tốt, qua đó giúp xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm kỳ đại hội. Do đó cần nêu trong dự thảo để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự nhìn nhận đầy đủ về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, hình dung rõ hơn về những nhiệm vụ Đảng bộ đã thực hiện trong nhiệm kỳ qua.
* Đánh giá toàn diện, có “địa chỉ”
Công tác xây dựng Đảng được thể hiện toàn diện trên 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Do vậy, khi đánh giá, không nên gộp chung mà cần tách riêng từng mặt công tác, phải nêu cụ thể, “đúng địa chỉ”. Cách thể hiện như vậy sẽ giúp cho từng lĩnh vực, từng bộ phận phụ trách các mặt công tác đó dễ dàng nhìn ra những thành tựu để tiếp tục phát huy, những hạn chế của mình để khắc phục.
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Huy Anh |
Đơn cử, khi đánh giá kết quả của công tác chính trị, tư tưởng phải bao gồm: công tác tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện; công tác sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; việc nắm bắt tình hình tư tưởng, cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hoặc khi đề cập công tác tổ chức xây dựng Đảng, cần nhấn mạnh kết quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong công tác cán bộ, không chỉ tập trung việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mà cần bổ sung việc kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cũng như các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ của địa phương.
Về công tác phát triển Đảng, dự thảo có viết: “Tỷ lệ phát triển đảng viên mới hằng năm trên địa bàn tỉnh luôn đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội đề ra”. Thực tế cho thấy, các tổ chức Đảng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, vậy nên những khó khăn đó cũng phải được xác định rõ trong dự thảo lần này để có hướng khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
* Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, dự thảo đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm, trong đó bài học kinh nghiệm đầu tiên được xác định là về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cụ thể là: “Phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành. Coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phải đánh giá đúng cán bộ về phẩm chất, đạo đức và năng lực trong bố trí, đề bạt cán bộ, đảm bảo khách quan, công tâm, công bằng. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu”.
Có thể dễ dàng nhận thấy ở bài học kinh nghiệm thứ nhất, dự thảo đã trình bày rất đầy đủ, toàn diện các mặt của công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng hiện nay là “phải dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng” cũng như thực tiễn của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua đã phát huy rất tốt vai trò của nhân dân trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, ở bài học kinh nghiệm thứ nhất, có thể cân nhắc bổ sung nội dung “phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Với tinh thần trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức Đảng và nhân dân khi đóng góp ý kiến cho dự thảo, chúng ta tin tưởng rằng dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân tỉnh Đồng Nai, là “ý Đảng, lòng dân” muốn gửi gắm đến đại hội.
TS Vũ Thị Nghĩa
(Trường Chính trị tỉnh)