Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, an toàn

04:08, 03/08/2020

Là huyện vùng xa nhưng Cẩm Mỹ đã có nhiều bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Là huyện vùng xa nhưng Cẩm Mỹ đã có nhiều bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Mô hình trồng tiêu GlobalGAP tại xã Lâm San. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình trồng tiêu GlobalGAP tại xã Lâm San. Ảnh: B.Nguyên

Có được kết quả trên nhờ địa phương xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững; đặc biệt các dự án cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

* Xây dựng chuỗi liên kết

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ H.Cẩm Mỹ đã xác định phát triển kinh tế địa phương chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp.  Theo đó, địa phương  đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để hình thành các vùng chuyên canh như: vùng trồng rau củ 640ha tại các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Xuân Bảo; vùng chuyên canh sầu riêng tại xã Nhân Nghĩa, Xuân Bảo; vùng chuyên canh tiêu tại các xã Lâm San, Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray…

Huyện Cẩm Mỹ còn được đánh giá là một trong những địa phương nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường. Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, đổi rác thải nhận quà tặng… đã thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các cấp, ngành trên địa bàn. Với những hoạt động ý nghĩa thiết thực đó, hiện nay tại các vườn cây, cánh đồng lúa của Cẩm Mỹ gần như vắng bóng rác thải, chất lượng môi trường sống được nâng lên, các phong trào bảo vệ môi trường tiếp tục được duy trì và lan rộng trong cộng đồng dân cư.

Năm 2017, Lâm San là xã đầu tiên của H.Cẩm Mỹ đạt chuẩn xã NTM nâng cao với thu nhập bình quân đầu người thuộc tốp đầu trong tỉnh với gần 60 triệu đồng/người/năm. So sánh với 10 năm trước đó càng thấy rõ sự lột xác của xã NTM nâng cao đầu tiên với xuất phát điểm là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân tiên phong trồng tiêu đạt chuẩn GlobalGAP tại xã Lâm San so sánh, trước đây, đa số vườn ở vùng này là vườn tạp. Hiện nay, xã chủ yếu phát triển cây hồ tiêu với nhiều hộ nông dân giàu lên từ cây trồng này. Tuy thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh nhưng nhờ nông dân liên kết sản xuất sạch, có HTX bao tiêu xuất khẩu được vào các thị trường khó tính nên đa số nông dân vẫn gắn bó với cây trồng này.

Toàn H.Cẩm Mỹ hiện có 25 HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, 173 tổ hợp tác với trên 7.400 thành viên, với diện tích đất sản xuất hơn 4.150ha. 

Vai trò của kinh tế tập thể đã được địa phương phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như HTX Đông Tây (xã Xuân Tây) là cầu nối cho hàng trăm hộ nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn trồng bắp cây làm thức ăn cung cấp cho các trang trại nuôi bò Úc và xuất khẩu. HTX dịch vụ thương mại - nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ) đầu tư cánh đồng lớn và xuất khẩu tốt giống chuối già cấy mô Nam Mỹ đi nhiều nước trên thế giới.  HTX Nông nghiệp Lâm San (xã Lâm San) đã trực tiếp xuất khẩu tiêu vào thị trường châu Âu.

* Tăng lợi thế cạnh tranh

Trong giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã có thêm 3 sản phẩm sầu riêng, lúa, rau được chứng nhận VietGAP và 1 sản phẩm chứng nhận hữu cơ là hồ tiêu. Không chỉ bắt tay liên kết sản xuất lớn, nông dân Cẩm Mỹ ngày càng quan tâm ứng dụng công nghệ mới để sản xuất an toàn nhằm tăng năng suất nhưng chi phí đầu tư giảm, sản phẩm lại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San nhận xét, khi thị trường hồ tiêu gặp khó khăn, việc giảm giá thành và tạo ra sản phẩm an toàn xuất khẩu được vào các thị trường khó tính chính là lợi thế cạnh tranh.Theo đó, nông dân tại địa phương hầu như không ai chặt bỏ cây tiêu mà đang tập trung chuyển sang trồng tiêu theo hướng hữu cơ, tham gia dự án cánh đồng lớn để có đầu ra bền vững.

Nhờ chuyển hướng sản xuất an toàn, liên kết sản xuất lớn nên thời gian qua, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nhưng năm 2020, ước giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn đạt 170 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,55 lần so năm 2015. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân là 8,55%/năm.

Thủy Mộc - Lê Quyên

Tin xem nhiều