Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế

10:08, 07/08/2020

Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ  thanh niên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà.

Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ  thanh niên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà.

Cán bộ Đoàn TNCSHCM xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) tham quan mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh Nguyễn Quang Vinh (bên trái). Ảnh: N.Sơn
Cán bộ Đoàn TNCSHCM xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) tham quan mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh Nguyễn Quang Vinh (bên trái). Ảnh: N.Sơn

Trong đó, vai trò của tổ chức Đoàn thể hiện rõ nét ở việc kết nối với các ngành chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vay vốn; hướng dẫn thành lập các mô hình kinh tế tập thể của thanh niên; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả...

* Nhiều cách hỗ trợ thanh niên

Hoạt động đầu tiên mà các cấp bộ Đoàn quan tâm, chú trọng đó là hỗ trợ ĐVTN về kiến thức. Trong đó, Tỉnh đoàn tập trung tổ chức các diễn đàn, phối hợp với Sở NN-PTNT thành lập và duy trì hoạt động đội tri thức trẻ tình nguyện, qua đó tổ chức được 55 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho trên 53 ngàn ĐVTN. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức được 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, xây dựng ý tưởng kinh doanh; tổ chức 8 diễn đàn khởi nghiệp...

Mới đây, tại Ngày hội thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp, Tỉnh đoàn đã tổ chức diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Tại đây, ĐVTN được nghe câu chuyện khởi nghiệp của anh Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (ở P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Chỉ có trong tay 5 triệu đồng, anh Linh đã mạnh dạn vay mượn thêm để sản xuất mùng chụp. Sản xuất sản phẩm đã khó, bán sản phẩm lại càng khó hơn. Anh đem sản phẩm đi chào hàng khắp nơi nhưng các cửa hàng chỉ nhận ký gửi. Ký gửi sản phẩm sẽ không có vốn xoay vòng nên anh Linh bày ra vỉa hè bán nhưng không được là bao.

Tại diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp mới đây, ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, ĐVTN trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp không nên chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của Đoàn mà bản thân phải tự trải nghiệm để rút ra cho mình bài học. Khởi nghiệp ai cũng muốn nhưng thành công chỉ đến với những người thật sự có khát vọng và bản lĩnh.

Một năm khởi nghiệp, “thành tựu” mà anh Linh có được là “cục nợ”, hàng tồn đầy kho không có cách nào tiêu thụ. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thất bại, anh kiên trì tìm kiếm cho mình một hướng đi mới đó là đầu tư sản xuất gối, nệm. Những ngày đầu sản xuất, cơ sở của anh chỉ có 4 lao động. Bản thân anh vừa làm quản lý, vừa làm công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng... Nhờ kiên trì, chịu khó, từ một doanh nghiệp nhỏ, Công ty TNHH MTV Thế Linh hiện đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Có mặt tại diễn đàn thanh niên nông thôn khởi nghiệp hôm ấy, anh Nguyễn Quang Vinh (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) bộc bạch, câu chuyện khởi nghiệp của anh Linh như một bài học sinh động về quá trình khởi nghiệp cho những người trẻ. Khởi nghiệp không dễ dàng, thất bại là mẫu số chung của nhiều người nhưng điểm khác nhau ở chỗ, sau thất bại họ từ bỏ hay tiếp tục kiên trì để vươn tới thành công.

Theo chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì, khai thác có hiệu quả các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn, đến nay đã có trên 8,9 ngàn hộ (trong đó có ĐVTN) được vay với tổng số tiền gần 225 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ đồng hành với thanh niên tỉnh Đồng Nai đến nay đã hỗ trợ 66 dự án với số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã hướng dẫn ĐVTN tiếp cận nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; vốn từ Ngân hàng NN-PTNT... Tổ chức Đoàn các cấp cũng đã chủ trì thành lập các CLB, tổ hợp tác, HTX thanh niên làm kinh tế; tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại một số mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả của thanh niên trong và ngoài tỉnh.

* Cần những hoạt động hỗ trợ phù hợp hơn

Mặc dù các cấp bộ Đoàn đã cố gắng đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế bằng nhiều cách, song theo phản ánh của cán bộ, ĐVTN, những hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên và cần phải có những hoạt động hỗ trợ phù hợp hơn.

Anh Nguyễn Ngọc Quý (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) quan sát sự phát triển của rau mầm
Anh Nguyễn Ngọc Quý (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) quan sát sự phát triển của rau mầm

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Quang Vinh trồng nấm ngoài ruộng nên sản lượng nấm thu được bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết. 5 năm trở lại đây, qua các chương trình tập huấn và thông tin trên mạng, gia đình anh chuyển sang trồng nấm trong nhà. Không có vốn nên nhà nấm ban đầu chỉ có vài chục mét vuông, dành dụm tiền mới mở rộng thêm. “Hiện tại, tôi cũng muốn vay vốn để mở rộng nhà nấm nhưng do tôi còn ở với cha mẹ (có chung hộ khẩu với gia đình) nên rất khó tiếp cận được nguồn vốn của Đoàn. Tôi cũng có nghe nói về việc xây dựng đề án để vay vốn nhưng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu” - anh Vinh bộc bạch.

Theo anh Nguyễn Phương Hoàng Duy, Bí thư Đoàn xã Phú Lộc (H.Tân Phú) bày tỏ: “Điều mà ĐVTN cần chính là những người “dẫn đường” thực sự, có kiến thức, có kinh nghiệm trong khởi nghiệp, lập nghiệp để dìu dắt ĐVTN những bước đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Có được người dẫn đường, ĐVTN sẽ được tư vấn, hướng dẫn cách chọn mô hình khởi nghiệp, cách tiếp cận với các nguồn vốn vay, thậm chí là cách thức giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp...”.

Sau khi mô hình trồng nấm rơm hoạt động ổn định với sản lượng bình quân 50-60kg/tuần, anh Nguyễn Ngọc Quý (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đang thử nghiệm mô hình trồng rau mầm và đạt được kết quả ngoài mong đợi, mỗi ngày có thể sản xuất khoảng 200kg rau mầm. Tuy nhiên, điều mà anh Quý trăn trở lúc này chính là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đây là vấn đề trăn trở không phải của riêng anh Quý mà của hầu hết ĐVTN làm kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng, tổ chức Đoàn hãy là người kết nối hoặc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên; hoặc tổ chức các chương trình có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp để ĐVTN có cơ hội giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của mình...

Nga Sơn

Tin xem nhiều