Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có nghị quyết chuyên đề về nữ trí thức

10:08, 19/08/2020

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI khi đánh giá về kết quả công tác cán bộ, đã viết: "Công tác cán bộ có những chuyển biến tích cực theo hướng đồng bộ giữa các khâu, liên thông các cấp, tăng cường tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là nữ, cán bộ trẻ.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI khi đánh giá về kết quả công tác cán bộ, đã viết: “Công tác cán bộ có những chuyển biến tích cực theo hướng đồng bộ giữa các khâu, liên thông các cấp, tăng cường tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là nữ, cán bộ trẻ. Nhiều chủ trương, quy định về công tác cán bộ được cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp thực tiễn. Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ ngày càng được quan tâm hơn; quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn, ngăn chặn được những sơ hở, tiêu cực trong công tác cán bộ...”.

Trong những năm qua, đội ngũ nữ trí thức đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trong ảnh: Chị Đoàn Thị Tuyết Lê (bìa phải), giảng viên bộ môn Công nghệ sinh học, Khoa Kỹ thuật hóa học và môi trường, Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ với sinh viên cách trồng nấm linh chi tại mô hình trồng nấm linh chi tại Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: Nga Sơn
Trong những năm qua, đội ngũ nữ trí thức đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Chị Đoàn Thị Tuyết Lê (bìa phải), giảng viên bộ môn Công nghệ sinh học, Khoa Kỹ thuật hóa học và môi trường, Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ với sinh viên cách trồng nấm linh chi tại mô hình trồng nấm linh chi tại Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: Nga Sơn

* Đánh giá đúng vai trò của đội ngũ nữ trí thức

Có thể thấy, trong dự thảo, công tác cán bộ được đề cập rất toàn diện, phản ánh rõ các kết quả đạt được. Trong nhiệm kỳ qua, nhờ làm tốt công tác cán bộ, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương. Trong những đóng góp của đội ngũ cán bộ, có sự tham gia rất quan trọng của đội ngũ nữ trí thức.

Thực tiễn đã chứng minh, những năm vừa qua, đội ngũ nữ trí thức của tỉnh nhà đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế và vai trò của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm nhận nhiều vị trí, trọng trách trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, GD-ĐT, trong các đơn vị sự nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ nữ trí thức so với đội ngũ trí thức toàn tỉnh như sau: Trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 23/110 người (đạt tỷ lệ 20,9%), trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 898/2.101 người (đạt tỷ lệ 42,74%), trình độ đại học là 20.548/28.324 người (đạt tỷ lệ 72,55%), phân bố khá đa dạng ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, tập trung nhiều hơn ở các lĩnh vực GD-ĐT, y tế, nữ công chức, viên chức. 

Như thế để thấy rằng, vai trò của nữ trí thức Đồng Nai rất quan trọng. Họ đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm sức vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, bản dự thảo chưa có những đánh giá về vai trò của lực lượng này. Do đó, dự thảo cần bổ sung và nhấn mạnh “vai trò của đội ngũ nữ trí thức đối với sự phát triển của tỉnh”. Đây là nội dung rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tin cậy, đánh giá cao của Đảng bộ đối với đội ngũ nữ trí thức vì những đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

* Cần ban hành một nghị quyết riêng về nữ trí thức

Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của các địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt mục tiêu đưa Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2025 và là một trong những tỉnh phát triển cao của cả nước vào năm 2030, đòi hỏi phải phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó nữ trí thức đóng một vị trí quan trọng.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đội ngũ nữ trí thức chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, vai trò; chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của địa phương. Toàn tỉnh có 28.324 người có trình độ đại học, trong đó nữ chiếm tỷ lệ rất cao, lên đến 72,55%, nhưng ở trình độ cao hơn là thạc sĩ, tiến sĩ, tỷ lệ nữ giảm đáng kể, lần lượt là 42,74% và 20,91%, không có phó giáo sư, giáo sư là nữ, chuyên gia đầu ngành là nữ rất hiếm hoi. Tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở các cấp, các ngành, các cơ quan dân cử cả 2 nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021, cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 còn thấp, chưa đạt mục tiêu của Ban TVTU đề ra.

Cụ thể, số cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 cấp tỉnh mới đạt 17,31%, cấp huyện đạt 17,27%, cấp xã là 23,52%. Tham gia đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV chỉ đạt 27,27%, tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: cấp tỉnh đạt 34,48%, cấp huyện đạt 31,22%, cấp xã đạt 30,12%. Cán nộ nữ lãnh đạo, quản lý ở các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh chiếm 20,9%; cán bộ chủ chốt cấp huyện đạt 15,51%, cấp xã (giữ chức phó chủ tịch UBND trở lên) đạt 19,15%.

Không có cán bộ nữ giữ chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, ban Bí thư Trung ương quản lý. Tỷ lệ cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có từ 30% nữ trở lên có cán bộ chủ chốt là nữ còn rất thấp: Cấp tỉnh: 47,06%, cấp huyện: 60%, cấp xã: 41,52%. Thậm chí, một số cơ quan, tổ chức không có hoặc rất ít phụ nữ tham gia lãnh đạo.

Việc thu hút, tập hợp nữ trí thức tham gia hội nữ trí thức để tạo nên sức mạnh, tiếng nói chung cho đội ngũ nữ trí thức còn rất nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có gần 21,5 ngàn nữ trí thức, tuy nhiên mới chỉ có 5 đơn vị cấp tỉnh và 2 đơn vị cấp huyện đã thành lập chi hội nữ trí thức trực thuộc Hội Nữ trí thức tỉnh, với tổng số 412 hội viên.

Xây dựng chiến lược để phát huy vai trò đội ngũ nữ trí thức đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong chiến lược phát triển của Đồng Nai. Nếu không, Đồng Nai sẽ lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn có, càng thêm những khó khăn, áp lực phải đối diện khi cạnh tranh cơ hội với các địa phương khác để bứt phá đi lên, nhất là các tỉnh, thành phát triển trong khu vực Đông Nam bộ.      

Vì vậy, nhiệm kỳ tới đây, trong những nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện đối với công tác xây dựng Đảng, cần phải quyết tâm ban hành một nghị quyết chuyên đề riêng bàn tổng thể về xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức nữ, để giải quyết một cách căn bản hơn những vấn đề liên quan đến nữ trí thức, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong thời kỳ phát triển mới.

TS Vũ Thị Nghĩa

Tin xem nhiều