Trong trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc.
Trong trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh: Tư liệu - TTXVN |
Trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng chưa từng có, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước. Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng tuyệt vời của sức mạnh Việt Nam, của tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
* Kết quả của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Mùa thu năm 1945, Thế chiến II đi vào hồi kết thúc. Ngày 2-5-1945, Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin, tiêu diệt phát xít Đức ngay tận sào huyệt khiến chúng phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 8-5-1945. Ở châu Á, phát xít Nhật cũng đang lâm vào thế thất bại hoàn toàn. Trên lãnh thổ nước ta, quân Nhật và bọn tay sai bù nhìn hoang mang cao độ, đây là thời cơ rất thuận lợi cho chúng ta khởi nghĩa giành chính quyền. Tận dụng thời cơ quý báu đó, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945. Hội nghị nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, điều kiện cần và đủ cho cuộc khởi nghĩa đã chín muồi, phải kịp thời hành động, không bỏ lỡ thời cơ ngàn năm có một này. Ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đường đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước công nông ra đời ở Việt Nam, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền. Về tầm vóc của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. |
Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ nền đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh là Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm của cả dân tộc: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” và Người đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu dân Việt Nam từ Bắc chí Nam nhất tề đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, giải phóng dân tộc. Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 10 vạn nhân dân thủ đô Hà Nội tưng bừng khí thế đấu tranh xuống đường vũ trang thị uy, tổ chức mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, TP.Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Cuộc mít tinh khổng lồ của nhân dân thủ đô trở thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm phủ khâm sai, Tòa thị chính thành phố, trại bảo an binh và các công sở quan trọng khác.
Khiếp sợ trước khí thế tiến công của quần chúng, bọn cầm đầu chính quyền tay sai Nhật ở Bắc bộ vội vã đầu hàng. Khi đoàn người kéo đến Tòa thị chính, thị trưởng thành phố đã mở cửa, sẵn sàng trao lại chính quyền cho cách mạng. Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa đã toàn thắng ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn.
Chỉ vỏn vẹn trong 12 ngày đêm, chính quyền của bọn đế quốc, phong kiến và tay sai thống trị nhân dân ta gần 100 năm bị đập tan, chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm bị xóa bỏ, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước về tay quần chúng nhân dân.
* Những bài học còn nguyên giá trị
75 năm đã trôi qua, nhưng những bài học được rút ra từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học về khả năng nắm bắt thời cơ. Trên cơ sở đường lối đúng đắn, đồng thời dõi theo, bám sát những biến đổi của tình hình thế giới, trong nước để chủ động, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng khi tình thế thay đổi, chuẩn bị đón thời cơ, lãnh đạo và chỉ đạo quần chúng nhân dân tận dụng thời cơ thuận lợi của tình hình trong nước và quốc tế để giành thắng lợi quyết định là bài học nổi bật nhất về sự lãnh đạo của Đảng ta trong Cách mạng Tháng Tám.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước vừa đem lại những thời cơ, vận hội, đồng thời cũng kèm theo những thách thức, nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần nhận diện rõ và có những chiến lược đúng đắn, tận dụng được những thời cơ, khắc chế nguy cơ nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập và phát triển. Muốn vậy, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm và bài học về “nắm bắt thời cơ” của Cách mạng Tháng Tám mà còn phải luôn đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo để xứng đáng với vai trò tiền phong của Đảng trong sự phát triển đi lên của dân tộc.
Đó còn là bài học về sức mạnh to lớn của nhân dân và sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng hùng hồn trong thực tiễn, khẳng định vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hơn lúc nào hết đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết một lòng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, tạo thành sức mạnh tổng lực, từng bước đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức và bứt phá đi lên. Bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay nhằm tạo động lực mới cho cách mạng để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết là khắc phục những thách thức và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm thật tốt an sinh và phúc lợi xã hội, hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2020 làm tiền đề bứt phá cho thập niên mới.
Đặc biệt là bài học về phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong mọi hoàn cảnh, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, triệt để phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã được Đảng ta vận dụng linh hoạt để đưa đất nước tiến lên, đổi mới và hội nhập. Đảng đã nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, kịp thời đưa ra quyết định táo bạo là tiến hành “đổi mới” đất nước, đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế trên cơ sở đổi mới từng bước về chính trị; vừa tranh thủ và phát huy sức mạnh nội lực, vừa tranh thủ, tận dụng những cơ hội của thế giới, của thời đại mang lại, để không chỉ đưa đất nước phát triển đi lên, thoát khỏi đói nghèo mà còn góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế.
Năm tháng đã lùi xa, nhưng tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng tháng Tám vẫn tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
TS Vũ Thị Nghĩa
Anh Trịnh Đức Thắng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Tuyên giáo - nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh): Lưu giữ truyền thống cách mạng của gia đình
Cha tôi là cán bộ lão thành cách mạng. Trước đây khi còn sống, mỗi lần đến ngày kỷ niệm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, cha đều kể cho tôi nghe về quá trình tham gia cách mạng của mình, trong đó có những ngày tháng Tám lịch sử.
Cha tôi tham gia cách mạng từ thời niên thiếu với nhiệm vụ giao liên nên có cơ hội chứng kiến trọn vẹn không khí khởi nghĩa ở H.Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) lúc bấy giờ. Theo lời kể của cha, nhận được lệnh khởi nghĩa, người dân Mộ Đức đốt đuốc, đánh trống, gõ mõ, cầm theo dao, gậy gộc… đổ ra đường với khí thế hừng hực. Cha tôi còn kể về bầu trời rợp cờ, hoa sau ngày chiến thắng. Câu chuyện về Tổng khởi nghĩa tháng Tám của cha đã khắc sâu vào tâm trí tôi.
Cha tôi giờ đã an giấc ngàn thu, những ngày tháng Tám về, tôi vẫn thường kể cho các con của tôi nghe về những chiến công của ông, để các con tự phấn đấu vươn lên, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, của dân tộc.
Chị Đinh Thị Hoàng Ngoan, chuyên viên Phòng Hành chính và bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp): Sống xứng đáng với những gì đã nhận
Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Cuộc cách mạng ấy đã phá tan 2 xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và của phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế. Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người tự do, làm chủ vận mệnh của mình.
Tôi thấy mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình và thống nhất đất nước. Và càng may mắn hơn khi có ngày sinh trùng với sự kiện trọng đại của đất nước - kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công 19-8. Tôi luôn tự nhủ lòng phải cố gắng sống và làm việc thật tốt để xứng đáng với những gì mà mình đã nhận.
Anh Lê Phát Đạt, giáo viên Trường THCS Tân Hạnh (TP.Biên Hòa): Dân ta phải biết sử ta…
Để làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã trải qua chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh. Trước hết phải kể đến là cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Sau sự kiện ấy thực dân Pháp tiếp tục chính sách khủng bố nhằm tiêu diệt tận gốc Đảng ta và lực lượng yêu nước. Hàng vạn người bị bắt. Các nhà tù và trại giam đầy chật tù chính trị. Kế đến là phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ những năm 1936-1939 cũng chịu sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp làm cho Đảng ta gặp những tổn thất to lớn…
Vì vậy, các thế hệ người Việt Nam, trong đó có thế hệ trẻ không được phép quên những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha ông đi trước để có một Việt Nam hòa bình, độc lập. Muốn vậy, mỗi người phải tự tìm hiểu về cội nguồn, về lịch sử dân tộc; đồng thời phải có trách nhiệm giữ gìn và viết tiếp trang sử của dân tộc ngày một vẻ vang hơn, hào hùng hơn.
Cẩm Tú (ghi)