Thương binh Trần Ngọc Hòa (83 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) chịu thương tật 51% do chiến tranh. Rời nhà tù Côn Đảo để trở về với cuộc sống đời thường vào năm 1975, ông đã vượt qua rào cản về sức khỏe, khởi đầu khó khăn về vốn sản xuất để xây dựng kinh tế gia đình.
Thương binh Trần Ngọc Hòa (83 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) chịu thương tật 51% do chiến tranh. Rời nhà tù Côn Đảo để trở về với cuộc sống đời thường vào năm 1975, ông đã vượt qua rào cản về sức khỏe, khởi đầu khó khăn về vốn sản xuất để xây dựng kinh tế gia đình. Để rồi hiện nay, gia đình ông trở thành một trong những hộ có điều kiện kinh tế ổn định, nuôi dạy con tốt ở địa phương.
Thương binh Trần Ngọc Hòa (phải) trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Tôn Tấn Phát, hộ nghèo ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất. Ảnh: Võ Tuyên |
Không chỉ lo cho cuộc sống của gia đình, ông còn rất quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn trong cộng đồng. “Mỗi tháng tôi nhận được hơn 8 triệu đồng tiền trợ cấp của Nhà nước. Tôi tự tiết kiệm số tiền này để giúp đỡ cho những người kém may mắn hơn mình”- ông Trần Ngọc Hòa bộc bạch.
Trong đó, đã 10 năm qua ông nhận việc trợ cấp thường xuyên cho 8 gia đình nghèo, hộ neo đơn với số tiền 600 ngàn đồng/hộ/quý. Khi người nhận trợ cấp qua đời, ông lại chuyển sự trợ giúp này đến với trường hợp khác. Tính chung những năm qua có khoảng 20 hoàn cảnh đã và đang được nhận sự giúp đỡ này của thương binh Trần Ngọc Hòa.
Cùng với đó, mỗi năm ông đều duy trì phát quà tết ngay tại nhà cho từ 50-60 người nghèo. Trong thời điểm giá thịt heo tăng cao, ông đã phát thịt cho 50 gia đình có hoàn cảnh khó khăn mỗi trường hợp 2kg thịt và 10kg gạo nhằm giúp bà con bớt được một chút khó khăn trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Hòa còn quan tâm hỗ trợ những hoàn cảnh gặp khó khăn đột xuất.
Ông Tôn Tấn Phát (hộ nghèo ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2) cho hay: “Gia đình tôi thường xuyên nhận được sự giúp đỡ từ ông Trần Ngọc Hòa. Ngay khi biết tin em trai tôi qua đời, ông Trần Ngọc Hòa đã tìm đến chia buồn, hỗ trợ tiền cho gia đình”.
Ngoài ra, với vai trò là Trưởng ban Từ thiện chùa Tịnh Quang, mỗi năm ông vận động 100 hội viên đóng góp 1 triệu đồng/người. Riêng bản thân ông đóng góp 5 triệu đồng/năm. Số tiền này được ông cùng các thành viên trong Ban từ thiện nhà chùa dành để mỗi năm xây dựng 1 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, gia đình kém may mắn.
Ông Trần Ngọc Hòa kể: “Để căn nhà xây xong có đầy đủ những tiện nghi cơ bản, tôi bàn với mọi người trong Ban từ thiện nhà chùa hỗ trợ xây nhà từ 70-100 triệu đồng/căn. Đề xuất này của tôi được tập thể đồng tình. Nhờ đó, người nhận nhà thấy phấn khởi còn người hỗ trợ cũng thấy vui lây vì căn nhà mà mình đã chung sức thực hiện tiện nghi hơn nhiều”.
Sông Thao