Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa

04:07, 27/07/2020

Người có công, gia đình chính sách tại Đồng Nai luôn nhận được sự tri ân, quan tâm chăm sóc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh bằng những hoạt động thiết thực...

Người có công, gia đình chính sách tại Đồng Nai luôn nhận được sự tri ân, quan tâm chăm sóc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh bằng những hoạt động thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phòng (90 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) vui mừng khi được đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm và tặng quà. Ảnh: V. Truyên
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phòng (90 tuổi, ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) vui mừng khi được đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm và tặng quà. Ảnh: V. Truyên

Theo ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, những việc làm nghĩa tình, thể hiện lòng tri ân dành cho cá nhân, gia đình có công với đất nước sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

* Ưu tiên chăm lo người có công

* Xin ông cho biết về số lượng người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trong đó, có bao nhiêu trường hợp đang được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước?

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay, toàn tỉnh có trên 13 ngàn người có công, gia đình có công được nhận quà tri ân của Chủ tịch nước và Chủ tịch UBND tỉnh. Giá trị mỗi phần quà của Chủ tịch nước là 200 ngàn đồng và phần quà của Chủ tịch UBND tỉnh là 700 ngàn đồng. Ngoài ra, các huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn cũng tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7).

- Hiện Sở LĐ-TBXH đang quản lý hơn 57,6 ngàn hồ sơ người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh, trong đó có hơn 18 ngàn liệt sĩ, trên 17 ngàn người hoạt động kháng chiến, 1.120 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra còn có 9 anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 1,1 ngàn người bị tù đày, hơn 6,7 ngàn thương - bệnh binh... Toàn tỉnh hiện có trên 13,2 ngàn đối tượng đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hằng tháng.

* Thời gian qua, công tác tri ân, chăm lo cho người có công trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước nói chung và các chính sách ưu đãi dành cho người có công của địa phương nói riêng. Cụ thể, tỉnh đã tiến hành cấp đúng, đủ, kịp thời các khoản tiền trợ cấp theo quy định cũng như các khoản quà lễ, tết của Trung ương, tỉnh cho các gia đình chính sách, người có công. 100% người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Việc thực hiện chế độ điều dưỡng cho người có công được duy trì thường xuyên. Các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở được tiến hành liên tục. Thực hiện đầy đủ chế độ miễn giảm học phí, trợ cấp ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con thương, bệnh binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Hằng năm, lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố đều dành thời gian gặp mặt, thăm, tặng quà tri ân cho người có công, gia đình chính sách.

* Thưa ông, ngoài các chính sách ưu đãi chung của Nhà nước, Đồng Nai còn có những hoạt động đền ơn đáp nghĩa nào dành cho người có công, gia đình chính sách?

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Đồng Nai đã thực hiện chi trả trợ cấp cho hơn 13 ngàn đối tượng có công với tổng kinh phí trên 123 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện cấp dụng cụ hỗ trợ vận động cho người có công khuyết tật, hỗ trợ mai táng cho người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

- Ngoài các chế độ, chính sách ưu đãi chung dành cho người có công do Trung ương, tỉnh ban hành, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình, việc làm thiết thực nhằm tri ân người có công, gia đình chính sách.

Cụ thể, các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với mức bình quân hằng tháng là 1 triệu đồng/người. Mô hình cơ quan, đơn vị tự tiết kiệm để chăm lo cho các gia đình chính sách do Huyện ủy Xuân Lộc triển khai đang có sự tham gia của 69 cơ quan, đơn vị. Qua đó, đã có 82 gia đình người có công được nhận chăm sóc hằng tháng với số tiền trên 45 triệu đồng, do cán bộ, công chức viên chức, người lao động đóng góp.

Hay mô hình Chăm sóc gia đình mẹ liệt sĩ và mô hình thăm các gia đình liệt sĩ vào ngày giỗ tại H.Tân Phú đang thực hiện đối với gần 30 gia đình người có công trên địa bàn. Mỗi năm, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đều tổ chức đoàn đến từng nhà để thăm, trao tặng quà các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống...

Khám bệnh và cấp thuốc cho người có công ở H.Trảng Bom nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7)
Khám bệnh và cấp thuốc cho người có công ở H.Trảng Bom nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7). Ảnh: V. Truyên

Ngoài ra, còn có rất nhiều mô hình tri ân người có công khác được các xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thực hiện. Tất cả đã góp phần hỗ trợ tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người có công, gia đình chính sách trong tỉnh.

* Không để tồn đọng hồ sơ người có công

* Cùng với việc thực hiện tri ân người có công, gia đình chính sách đã được công nhận là đối tượng có công, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xin hưởng chế độ người có công trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao, thưa ông?

- Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, qua quá trình rà soát, phân loại hồ sơ, tỉnh có 24 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và 2 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh được lập từ năm 2013 trở về trước. Ngoài ra, còn có 2 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ mới vừa được bổ sung do trước đây hồ sơ tồn đọng ở các huyện. Hiện những hồ sơ này đang được tiến hành giải quyết theo quy định.

* Năm 2020, ngành LĐ-TBXH cả nước đặt ra mục tiêu giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng người có công. Ở Đồng Nai, mục tiêu này liệu có hoàn thành không?

- Năm 2020, ngành LĐ-TBXH tỉnh đặt mục tiêu không còn tồn đọng hồ sơ người có công và cơ bản giải quyết hết số hồ sơ công nhận danh hiệu người có công.

Đoàn viên thanh niên TP.Biên Hòa thăm tặng quà cho một gia đình chính sách ở P.Bửu Long nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Ảnh: V. Truyên
Đoàn viên thanh niên TP.Biên Hòa thăm tặng quà cho một gia đình chính sách ở P.Bửu Long nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Ảnh: V. Truyên

Để làm được điều này, công tác xét duyệt hồ sơ người có công đang được tỉnh đẩy nhanh thực hiện trong tất cả các khâu, từ hướng dẫn làm hồ sơ, đến xét duyệt, thẩm định hồ sơ và thông báo kết quả đến người dân. Với những hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết hưởng chế độ người có công theo quy định, Sở cũng thông tin để người dân biết được kết quả. Tránh để người dân phải chờ đợi thời gian dài mà chưa nhận được câu trả lời.

* Thưa ông, cùng với tạo mọi điều kiện thuận lợi để người có công thực hiện hồ sơ thụ hưởng chính sách ưu đãi, thì việc rà soát để đưa những trường hợp đang hưởng không đúng chế độ chính sách ưu đãi hiện được thực hiện ra sao?

- Việc rà soát hồ sơ hưởng chế độ chính sách người có công được Sở phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thường xuyên và liên tục. Những năm gần đây, qua công tác rà soát, Sở phát hiện hơn 400 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ không đủ điều kiện để hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công do Nhà nước quy định. Từ đó ra quyết định đình chỉ hưởng chế độ đối với những cá nhân này.

Ngoài ra, còn có 126 trường hợp bị đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi người có công, đồng thời buộc hoàn lại số tiền trợ cấp đã nhận với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

 Xin cảm ơn ông!

Văn Truyên (thực hiện)


Đại tá Bùi Văn Sỹ, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh:

Đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 515) các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Kết quả đã cất bốc được gần 100 mộ liệt sĩ và 8 mộ tập thể, với gần 300 hài cốt và di vật của liệt sĩ. Điển hình như đã tổ chức tìm kiếm và cất bốc mộ chôn hài cốt liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn Bộ binh 5; Đại đội 240 tại Chốt Vườn Điều, xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) hy sinh năm 1967; hố chôn tập thể 36 liệt sĩ, là cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 5, Sư đoàn Bộ binh 5, Quân khu 7 và Trung đoàn 95, Sư đoàn 27 hy sinh tại Căn cứ Hoàng Diệu, thuộc KP.Bảo Vinh B, P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh). Mới đây là kết quả cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn Đặc công U1 (Biên Hòa) hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa năm 1968 và ở địa bàn xã Phú An (H.Tân Phú); xã Bàu Cạn (H.Long Thành)...

Thời gian tới, với chức năng cơ quan thường trực, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập, đưa hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Ông Thái Văn Quân, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh:

Tô thắm thêm hoạt động tri ân

Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thân nhân gia đình liệt sĩ, thời gian qua Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào gắn với nhiệm vụ của Hội như: tri ân gia đình chính sách, tri ân liệt sĩ, tôn vinh bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ học bổng cho các cháu là con liệt sĩ, phụng dưỡng, chăm sóc mẹ - vợ liệt sĩ neo đơn ở cộng đồng dân cư...

Đặc biệt những năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã tham gia xác minh thông tin, tìm kiếm và quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hội cũng đã hỗ trợ cho nhiều gia đình liệt sĩ cất bốc hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại quê nhà theo nguyện vọng. Những hoạt động nghĩa tình này do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh thực hiện luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần tô thắm thêm hoạt động tri ân người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Cựu chiến binh Trần Văn Thôi (ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán):

Nhận nhiều sự quan tâm và hỗ trợ

 Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, cùng đồng đội có mặt trên nhiều chiến trường ở khu vực Đông Nam bộ. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi xuất ngũ trở về với gia đình và đón nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cộng đồng.

Cụ thể, bản thân tôi được nhận trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Con cháu tôi được hưởng các chế độ ưu đãi về học tập, công việc. Nhất là trong các dịp kỷ niệm lớn, tôi luôn được lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đến thăm hỏi, động viên. Đây là niềm vui lớn, sự tự hào đối với một cựu chiến binh đã ngoài 90 tuổi như tôi.

Sông Thao - Nguyệt Hà (ghi)


 

Tin xem nhiều