Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

11:07, 15/07/2020

Theo Thường trực Huyện ủy Xuân Lộc, nhiệm kỳ qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện đã thu được nhiều kết quả nổi bật, trong đó dấu ấn đậm nét nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao...

Tiếp nối thành tích về đích sớm nhất cả nước trong xây dựng nông thôn mới từ cuối nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ H.Xuân Lộc tiếp tục phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Từ nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò tiên phong gương mẫu của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đã tạo cho Xuân Lộc có thêm những bước phát triển mới.

UBND H.Xuân Lộc tổ chức lễ công bố danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho 2 xã Xuân Thọ và Xuân Định. Ảnh: CTV
UBND H.Xuân Lộc tổ chức lễ công bố danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho 2 xã Xuân Thọ và Xuân Định. Ảnh: CTV

[links()]Nhờ những chủ trương, đường lối ban hành sát hợp với tình hình thực tế, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt mà hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ, sản phẩm thương mại dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện. Khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được chăm lo tốt hơn, niềm tin của người dân vào Đảng bộ, chính quyền địa phương ngày càng được củng cố.

* Từ những chủ trương đúng

Anh Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt là một trong số rất nhiều doanh nhân đã về Xuân Lộc đầu tư sau những cuộc gặp gỡ doanh nghiệp do Huyện ủy và UBND H.Xuân Lộc tổ chức đều đặn mỗi năm. Anh Tính cho biết, hơn 4 năm đầu tư tại đây, anh luôn được lãnh đạo huyện tạo điều kiện tối đa theo quy định của pháp luật. Những lãnh đạo cao nhất của huyện thường xuyên hỏi thăm, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp yên tâm phát triển.

Đến nay, anh Tính đã xây dựng được nhà xưởng rộng 15ha tại xã Xuân Trường, chuyên chế tạo, sửa chữa máy móc nông nghiệp, sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gia cầm, hệ thống nhà màng trồng hàng chục loại rau củ quả bằng phương pháp hữu cơ công nghệ cao. Đặc biệt, có những loại rau quả vốn chỉ trồng được ở xứ lạnh nhưng nay đã sinh trưởng và phát triển thành công ở chính mảnh đất Xuân Lộc có khí hậu nóng quanh năm. Hiện trang trại của anh Tính đang giải quyết việc làm cho trên 50 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chơro trên địa bàn xã với thu nhập ổn định.

Cũng từ chính sách kêu gọi thu hút đầu tư của H.Xuân Lộc, năm 2016, Công ty TNHH Toàn Xuân Hưng đã đầu tư giai đoạn 1 trên 300 tỷ đồng cho hệ thống nhà hàng, nhà ga và hệ thống cáp treo lên núi Chứa Chan thuộc quần thể Di tích lịch sử danh thắng núi Chứa Chan. Đây là tuyến cáp treo du lịch đầu tiên được xây dựng tại Đồng Nai với chiều dài 1.265m, có 28 cabin hiện đại do Công ty Dopperlmayr Seilbahehnen Gmbh (Cộng hòa Áo) sản xuất và lắp đặt.

Thu hoạch nông sản tại Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) Ảnh: Công Nghĩa
Thu hoạch nông sản tại Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) Ảnh: Công Nghĩa

Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay đã có thêm hàng trăm ngàn lượt du khách gần xa biết đến danh thắng núi Chứa Chan, góp phần tăng thu ngân sách cho huyện. Dự án này còn giải quyết việc làm cho trên 200 lao động là người địa phương, trong đó có những lao động trẻ được đưa sang Cộng hòa Áo đào tạo về vận hành, bảo trì hệ thống cáp treo. Cũng tại danh thắng núi Chứa Chan, năm 2019 đã có thêm một loại hình du lịch mạo hiểm mới là dù lượn trên cao ra đời.

Chị Vũ Thị Hoài Thu, người dân ở xã Xuân Tâm vui mừng cho biết, 4 năm trước, vợ chồng chị quyết định rời Bình Dương để trở về Xuân Lộc làm việc tại Công ty TNHH Giày Dona Standard trong Khu công nghiệp Xuân Lộc. Vợ chồng chị sớm có công việc và thu nhập ổn định, cha mẹ và con cái đều được chăm sóc chu đáo hơn.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc Thân Anh Thiết vui mừng cho biết, nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI mà trong 5 năm qua, Xuân Lộc đã có sự đột phá mạnh mẽ, đứng đầu toàn tỉnh về xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cụ thể, đến nay toàn huyện đã có 61/66 trường công lập được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 92,4). Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của huyện về lâu dài.

* Nhiều bài học kinh nghiệm

Theo Thường trực Huyện ủy Xuân Lộc, nhiệm kỳ qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện đã thu được nhiều kết quả nổi bật, trong đó dấu ấn đậm nét là tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay đã có 7/14 xã trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sự khác biệt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của Xuân Lộc chính là gắn chặt với nông dân, khai thác ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo ra giá trị hàng hóa lớn. Xuân Lộc cũng là một trong 3 địa phương được Trung ương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, và dự kiến cuối năm nay sẽ có 3 xã đầu tiên về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực được Huyện ủy rất quan tâm, chú trọng thông qua việc đầu tư hệ thống trường lớp, tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu phát triển của địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Tính đến nay, thu nhập bình quân theo đầu người của H.Xuân Lộc đã đạt 66,5 triệu đồng/người/năm (tăng gần 17 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ).

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận cho biết: “Quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện chính là sự hòa hợp của ý Đảng và lòng dân. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã nhận thức được đây là công việc to lớn mà Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đóng vai trò chủ thể, mục đích chính là chăm lo cho đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một tốt hơn. Thấy được lợi ích của mình, của tập thể, nhiều hộ dân không ngần ngại tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, công lao động, vật liệu để xây dựng hạ tầng nông thôn mới”.

Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng của Xuân Lộc tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ tới, đó chính là coi trọng công tác cán bộ, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, luôn hướng về cơ sở, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng chí Phạm Văn Thuận cho biết, Thường trực Huyện ủy rất chú trọng đến việc cử các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy thường xuyên về tham gia sinh hoạt với các xã, thị trấn, thậm chí về tận các chi bộ ấp, qua đó kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, tình cảm của người dân. Cán bộ phải thực sự gần gũi với cơ sở, với nhân dân, làm hết việc chứ không hết giờ.

Ngoài ra, Huyện ủy cũng tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của Huyện ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể huyện tăng cường kết nghĩa với các xã, thị trấn để hỗ trợ các hoạt động, nhất là công tác Dân vận. Đối với đội ngũ cán bộ các phường, xã, thị trấn, nếu đồng chí nào còn hạn chế, khó đảm bảo nhiệm vụ đề ra, Ban thường vụ Huyện ủy sẵn sàng thay thế, không để kế hoạch, nhiệm vụ được giao bị chậm trễ.

Nói về phương hướng nhiệm vụ phát triển H.Xuân Lộc trong nhiệm kỳ tới, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Viên Hồng Tiến cho biết: “Huyện ủy sẽ lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Coi trọng mở rộng dân chủ, tiếp tục khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tiếp tục tăng cường quản lý tài nguyên môi trường, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, quyết tâm xây dựng Xuân Lộc thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước”.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ H.Xuân Lộc đã phấn đấu hoàn thành đạt và vượt 44/50 chỉ tiêu đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó có một số chỉ tiêu tăng cao, như giá trị sản xuất công nghiệp đạt 46,573 ngàn tỷ đồng (tăng 10,48%/năm). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 14 ngàn tỷ đồng, đưa vào sử dụng 342 công trình giao thông mới có tổng chiều dài 277km. Tổng sản phẩm bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ đạt 61,6 ngàn tỷ đồng (tăng bình quân 14%/năm), trong khi đó giá trị sản xuất nông nghiệp cũng đạt 31,7 ngàn tỷ đồng (tăng 4,49%/năm). Ước tính đến cuối năm 2020, có 9/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nông nghiệp bền vững.

Công Nghĩa - Phương Hằng


* Đồng chí Lê Thị Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thành:

Phấn đấu đạt mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023

Tôi vừa nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thành và là đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu Đảng bộ H.Xuân Lộc nhiệm kỳ 2020-2025. Tôi mong muốn đại hội sẽ thành công tốt đẹp. Qua đó, các đại biểu sẽ bàn thảo, sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống. Đặc biệt, Xuân Lộc đang là một trong 4 huyện của cả nước được chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên càng phải bàn nhiều giải pháp thiết thực để hoàn thành mục tiêu này.

Đối với xã Xuân Thành, đến nay đã đạt được 12/19 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, xã vẫn còn nhiều khó khăn nên tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp trên, nhất là Thường trực Huyện ủy, các ban, ngành trong huyện để Xuân Thành tiếp tục vượt khó vươn lên cùng thực hiện mục tiêu chung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xã phấn đấu hoàn thành mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023 theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025.

* Ông Abđôhamit, Giáo cả làng Chăm, ấp 4, xã Xuân Hưng:

Đồng bào Chăm ngày một khấm khá hơn

Đồng bào Chăm chúng tôi luôn được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chính quyền địa phương không chỉ hỗ trợ người dân chúng tôi về nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mà còn hỗ trợ về phương pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi nghề nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn trước đây đồng bào Chăm trồng lúa nhưng năng suất không cao, sau này chúng tôi đã chuyển đổi sang trồng cây thanh long với giá trị cao hơn. Hiện nay, hơn 500 đồng bào Chăm đã có việc làm và thu nhập ổn định trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện.

* Ông Nguyễn Văn Quỳnh, ấp Bảo Thị, xã Xuân Định:

Nông dân không còn sản xuất theo kiểu manh mún

Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước mà nông dân chúng tôi không còn sản xuất theo kiểu manh mún và ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa như thế nào. Nhờ xây dựng được quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, sản xuất xanh, an toàn, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, ứng dụng công nghệ hiện đại mà nông sản, đặc biệt là trái cây như xoài, sầu riêng, chôm chôm của xã Xuân Định ngày càng có thương hiệu trên thị trường, có đầu ra tương đối ổn định. Với đà phát triển như hiện nay, nông dân Xuân Định chúng tôi ngày càng “sống khỏe” trên mảnh đất của chính mình.

 


 

Tin xem nhiều