Trước nhu cầu đổi mới phong trào Thanh niên tình nguyện cho phù hợp hơn với thực tế, từ năm 2019, Hội Sinh viên tỉnh đã chủ trì tổ chức cuộc thi Ý tưởng tình nguyện sinh viên Đồng Nai,...
Trước nhu cầu đổi mới phong trào Thanh niên tình nguyện cho phù hợp hơn với thực tế, từ năm 2019, Hội Sinh viên tỉnh đã chủ trì tổ chức cuộc thi Ý tưởng tình nguyện sinh viên Đồng Nai, thu hút đông đảo đoàn viên, sinh viên tham gia.
Đại diện Hội Sinh viên tỉnh tặng giấy khen cho thí sinh đoạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng tình nguyện sinh viên Đồng Nai. Ảnh: N.Sơn |
Hầu hết các ý tưởng đều tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với xã hội. Trong cuộc thi Ý tưởng tình nguyện sinh viên năm nay, nhiều ý tưởng tình nguyện hướng đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa...
* Tình nguyện vì trẻ em
Từ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”; cộng với hình ảnh những trẻ em vì nghèo mà thất học, chị Nguyễn Thị Thúy Vi, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng đã có ý tưởng về những lớp học tình thương mang tên Việt Nam tôi.
Chị Thúy Vi cho biết, lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã có từ lâu và chủ yếu là dạy chữ. Lớp học tình thương theo ý tưởng của chị ngoài dạy chữ, ôn tập văn hóa còn giáo dục giới tính, những kỹ năng cần thiết giúp trẻ tự bảo vệ mình; tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: trồng cây, vẽ tranh, từ thiện xã hội... nhằm hướng các em đến lối sống đẹp.
Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh cho biết, sau vòng chung kết, Ban tổ chức sẽ lựa chọn những ý tưởng mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu của phong trào tình nguyện cũng như nhu cầu của địa phương để triển khai thực hiện trong Chiến dịch mùa hè xanh sắp tới. |
Học văn hóa với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn khó, việc tiếp cận với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh là điều xa xỉ. Vì vậy, 2 sinh viên Phạm Thị Hồng Phong và Ngô Hoàng Diễm Phượng của Trường đại học Đồng Nai đã đề xuất ý tưởng L.E.T - dạy tiếng Anh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn tạo cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận với tiếng Anh, giúp các em có hiểu biết cơ bản, gợi mở thêm một lựa chọn cho tương lai của chính mình.
Để thực hiện ý tưởng này, theo sinh viên Phạm Thị Hồng Phong, nhóm cần có sự đồng hành của đội ngũ tình nguyện viên là sinh viên năm 3 chuyên ngành ngôn ngữ và sư phạm Anh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có chứng chỉ IELTS 5.0 - TOEIC 600; thành viên các CLB tiếng Anh, nhân viên các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn Đồng Nai cùng tham gia. Mục tiêu mà nhóm hướng đến là dạy cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có thể sử dụng tiếng Anh trong quá trình giao tiếp.
Cũng là ý tưởng dạy ngoại ngữ cho trẻ em nhưng sinh viên Nguyễn Đăng Vĩnh Xuân (Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) lại hướng đến đối tượng là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Chị Xuân chia sẻ, chị đã từng tham gia đội hình thanh niên tình nguyện mùa hè xanh của trường. Từ chuyến đi ấy, chị có cơ hội gặp gỡ và biết được ước mơ muốn bay cao, bay xa của những trẻ em ở vùng quê nghèo. Chính những ước mơ cao xa của các em đã thôi thúc chị Xuân viết nên ý tưởng tình nguyện Nâng tầm ngoại ngữ - chắp cánh tương lai. Điểm khác biệt giữa ý tưởng của chị Xuân và các ý tưởng dạy ngoại ngữ khác là ở chỗ chị đã thấy được sự cần thiết phải xây dựng được nguồn quỹ để hỗ trợ các em trong quá trình học, khiến cho ý tưởng của chị nhận được sự chú ý từ Ban tổ chức.
Bên cạnh các ý tưởng liên quan đến mở lớp dạy văn hóa, ngoại ngữ cho trẻ, một số ý tưởng đã hướng đến vấn đề dạy kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước... Trong đó nổi bật là ý tưởng về Chiến dịch những siêu chiến binh nhí của sinh viên Lê Đắc Thuận, Trường đại học Công nghệ Miền Đông. Ý tưởng của anh Thuận là tập hợp nhóm tình nguyện viên, huấn luyện cho họ những kỹ năng xử lý trong từng tình huống cụ thể. Sau đó phối hợp với các trường mầm non, tiểu học dạy những kỹ năng này cho học sinh, giúp các em tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm, giảm thiểu tình trạng trẻ bị tai nạn thương tích hay bị xâm hại...
* Bảo vệ môi trường sống
Bên cạnh các ý tưởng hướng đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đem đến cho trẻ em một môi trường sống an toàn, lành mạnh, nhiều ý tưởng tình nguyện hướng đến mục đích bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa...
Sinh viên Lê Minh Trọng, Trường đại học Đồng Nai cho rằng, rác thải nhựa hiện đang là thách thức lớn cho môi trường hiện nay. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi ngày thế giới có 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương và cần đến hàng trăm năm để phân hủy. Bên cạnh đó, anh Trọng cũng nhận thấy, ở Khoa Sư phạm tiểu học - mầm non có những học phần sinh viên phải làm đồ dùng dạy học. Thay vì tận dụng lại rác thải nhựa để tạo ra những đồ dùng dạy học vừa rẻ, vừa bền, lại góp phần bảo vệ môi trường thì nhiều sinh viên lại lựa chọn mua vật liệu có sẵn ở các nhà sách. Sau khi chấm điểm, đồ dùng dạy học này lại bị quẳng vào sọt rác, thải ra môi trường. Từ thực tế trên, anh Trọng đã có ý tưởng về một hành trình mới có ý nghĩa hơn cho rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Rác thải nhựa - cuộc sống mới - hành trình mới là tên gọi đầy đủ của ý tưởng nhưng cũng thể hiện rõ 3 giai đoạn thực hiện ý tưởng của Trọng. Anh Trọng cho hay, ở giai đoạn rác thải nhựa, anh sẽ cùng với các ủy viên trong Ban chấn hành Liên chi hội khoa tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, lợi ích của phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải nhựa... Kế đến, từ rác thải nhựa thu gom được, anh sẽ sử dụng để tái chế thành những đồ dùng hữu ích như: thùng rác, đồ dùng dạy học, trang trí lớp học, làm đồ chơi cho học sinh... Phần đặc biệt của ý tưởng này ở chỗ, các đồ dùng, vật dụng sau khi tái chế sẽ được tình nguyện viên trao tặng các trường, các cơ sở bảo trợ xã hội dành cho trẻ em.
Mặc dù không lọt vào vòng chung kết nhưng ý tưởng Nhà của Xíu của tác giả Nguyễn Hà Kiều Anh, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cũng khá ấn tượng. Kiều Anh bộc bạch, mục đích mà Nhà của Xíu hướng đến là góp phần bảo vệ môi trường, giúp đỡ trẻ em vùng sâu, vùng xa có thêm sách đọc, trau dồi thêm kiến thức. Cụ thể, Nhà của Xíu sẽ tổ chức vận động các cá nhân ủng hộ sách cũ, quần áo, giày dép cũ (còn dùng tốt). Với các loại quần áo, giày dép cũ, Nhà của Xíu sẽ bán. Nguồn kinh phí thu được từ việc bán quần áo, giày dép cũ sẽ sử dụng 70% hỗ trợ cho các hoạt động hoặc các dự án liên quan đến môi trường, còn lại 30% dùng vào các hoạt động duy trì ý tưởng. Riêng các loại sách, truyện, Nhà của Xíu sẽ phân loại theo từng lứa tuổi. Vào các dịp hè, Tết Trung thu hoặc dịp lễ nào đó trong năm, Nhà của Xíu sẽ tổ chức chương trình giao lưu tặng quà cho trẻ em hoặc trao tặng cho thư viện xã nhằm nâng cao văn hóa đọc cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Nga Sơn