Tham gia mạng xã hội (MXH) vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nhà báo trong xu thế hiện nay. Tận dụng MXH để khai thác thông tin, đồng thời lan tỏa tác phẩm báo chí là cách mà hầu hết người làm báo hiện nay đều sử dụng.
Tham gia mạng xã hội (MXH) vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nhà báo trong xu thế hiện nay. Tận dụng MXH để khai thác thông tin, đồng thời lan tỏa tác phẩm báo chí là cách mà hầu hết người làm báo hiện nay đều sử dụng.
Phóng viên Hạnh Dung và quay phim Khánh Lộc (Báo Đồng Nai) tác nghiệp trong khu cách ly Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân VI nhân sự kiện Đồng Nai tiếp nhận 320 người nhập cảnh từ Anh, ngày 4-6-2020 |
[links()]Đối với báo chí nói chung, MXH là một kênh cạnh tranh gay gắt về thông tin và độc giả. Hiện nay, các cơ quan báo chí đang có xu hướng tận dụng chính MXH để tiếp cận công chúng.
* Mạng xã hội - thách thức của báo chí chính thống
Báo cáo của hãng Social Media Stats cho biết, tính đến tháng 5-2019, có đến hơn 57% người dân Việt Nam sử dụng MXH Facebook, 13% người dùng Twitter, 12,8% người dùng YouTube… Những con số này sẽ không dừng lại mà còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Còn theo báo cáo Digital Marketing Việt Nam năm 2019, người dùng Việt Nam dùng trung bình 2 giờ 32 phút để sử dụng MXH, 2 giờ 31 phút để xem các stream hoặc các video trực tuyến. Với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, MXH đang là một kênh tin tức được đông đảo công chúng lựa chọn.
Với MXH, mỗi chủ tài khoản có thể là một nhà báo, nhà xuất bản tin tức. Mặc dù những tin tức này được truyền tải một cách rất đơn giản nhưng nó đáp ứng được tiêu chí nhanh, thỏa mãn được nhu cầu tiếp cận thông tin tức thời của bạn đọc.
Chẳng hạn, nhà báo và người sử dụng MXH cùng có mặt tại một đám cháy lớn. Người dùng MXH có thể livestream trực tiếp trên kênh Facebook để cho “khán giả” của mình xem. Chỉ một vài giây sau, người dùng Facebook đã thấy thông tin này và nhanh chóng chia sẻ trên trang cá nhân, các hội nhóm trên Facebook để nhiều người khác cùng xem. Trong khi đó, nhà báo phải chụp hình, viết tin, gửi về tòa soạn rồi mới đăng tải lên website (xuất bản tin điện tử). Nếu là truyền hình thì quy trình này còn kéo dài hơn. Sau khi quay xong, phóng viên phải viết tin, đọc tin, dựng tin rồi mới phát sóng (theo khung giờ đã được quy định trước).
Với lợi thế về lượng người dùng đông đảo, thông tin trên MXH lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp hơn. Không chỉ thông tin do người dùng MXH tự sản xuất, các trang MXH còn lấy lại thông tin từ báo chính thống, cắt cúp, chỉnh sửa sơ qua và “xuất bản” như một bản tin riêng. Đáng nói là những thông tin copy này lại được nhiều người biết đến hơn là thông tin gốc.
Có thể nói, báo chí chính thống đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của MXH. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí và chính bản thân người làm báo. Nói như vậy không có nghĩa là MXH không mang lại lợi ích gì cho nhà báo. Ngược lại, đứng trước thách thức của MXH, nhà báo đã biết cách tận dụng, khai thác MXH cho công việc, đồng thời lan tỏa tác phẩm báo chí chính thống đến công chúng.
* Nguồn thông tin phong phú
Có lẽ, không một nhà báo hiện đại nào lại không sử dụng MXH như là một kênh tiếp nhận thông tin, thậm chí là một nguồn cung cấp thông tin dồi dào, phong phú.
Theo nhà báo Ngô Phước Tuấn, phóng viên báo điện tử VnExpress, việc ứng xử với MXH là một trong những kỹ năng cần có của một nhà báo hiện đại. “MXH là nơi tôi kiếm thông tin nhanh nhất. Từ đó, với những kỹ năng, nghiệp vụ báo chí sẵn có, tôi sẽ biến nó thành một bản tin chính thống để phục vụ bạn đọc của mình” - nhà báo Phước Tuấn nói.
Thậm chí, ngay cả những comment (bình luận) của người dùng MXH cũng có thể trở thành gợi ý hữu ích cho một đề tài hay. Những bình luận của công chúng sử dụng MXH cũng giúp cho nhà báo có cái nhìn đa chiều hơn khi tiếp cận, khai thác thông tin. “Những đề tài, tuyến bài hay đôi lúc lại xuất phát từ một lời bình luận của bạn đọc trên MXH. Chính vì vậy, tạo sự tương tác với bạn đọc, không đâu tốt bằng MXH” - nhà báo Phước Tuấn chia sẻ.
Nói về việc tận dụng MXH trong khai thác thông tin, anh A Lộc, phóng viên thường trú của Báo Tuổi trẻ tại Đồng Nai nêu dẫn chứng: Nhiều vụ việc cần những ví dụ thực tế mà thông thường phóng viên phải đi lân la dò hỏi từng người quen, nguồn tin... mất khá nhiều thời gian và công sức thì nay họ có thể dễ dàng tìm thấy trên MXH.
Không chỉ trang cá nhân, nhiều group (nhóm) “chuyên ngành” cũng được tạo ra trên Facebook. Đó là nguồn tin vô cùng phong phú và quý giá cho người làm báo. “Chẳng hạn, các group khá nổi tiếng trên Facebook hiện nay như Otofun hay Bạn hữu đường xa luôn có những thông tin, hình ảnh, video “siêu” nhanh về các sự cố giao thông cũng như những vấn đề liên quan... Điều quan trọng nhất với người làm báo khi khai thác thông tin từ mạng xã hội là kỹ năng đánh giá chất lượng thông tin và thẩm định nguồn tin” - nhà báo A Lộc nói thêm.
Nhà báo Đàm Thanh Giang, Báo Người lao động là người thường xuyên sử dụng MXH. Mục đích ban đầu của anh là để cập nhật tin tức, giải trí và kết nối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Trong quá trình sử dụng, nhiều lần, chính người dùng MXH đã chủ động liên hệ, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho anh. Đồng thời, cũng chính họ kết nối, giúp anh tìm được những nhân vật hay, những việc làm ý nghĩa để phản ánh trên mặt báo.
“Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn tin trên MXH, người làm báo phải hết sức cẩn trọng và xác minh cho bằng được thông tin rồi mới thông tin đến độc giả. Tôi biết đã có nhiều “tai nạn” báo chí xảy ra khi nhà báo sử dụng nguồn tin trên MXH nhưng không kiểm chứng. Vì thế, tôi nghĩ rằng người làm báo ngày nay không thể không dùng MXH nhưng cần phải có một “sức đề kháng” cực mạnh thì mới hiệu quả” - nhà báo Thanh Giang nhấn mạnh.
Cũng đồng quan điểm trên, phóng viên Báo Đồng Nai Vương Thế cho rằng, MXH là nguồn thông tin phong phú nhưng là thông tin chưa kiểm chứng. Vì thế, nhà báo khi sử dụng MXH cần phải cẩn trọng và biết chọn lọc thông tin. Nhà báo chỉ nên sử dụng MXH như một kênh thông tin ban đầu và luôn phải thực hiện kiểm chứng kỹ lưỡng từ cơ quan chức năng để có thông tin chính xác. Đây cũng là chức năng mà MXH không thể thực hiện thay nhà báo được.
* Lan tỏa thông tin báo chí chính thống
MXH không chỉ là kênh giúp người làm báo phát hiện nhiều tin nóng, tin hay, khơi gợi nhiều đề tài tốt mà còn là kênh lan tỏa những tác phẩm báo chí đến độc giả. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều thành lập những trang Facebook, YouTube riêng để tiếp cận công chúng. Thậm chí, với đặc thù sản xuất nhiều chương trình, các đài truyền hình còn sở hữu nhiều trang MXH, mỗi chương trình là một tài khoản MXH khác nhau.
Thực tế, MXH đã hỗ trợ rất tốt cho báo chí trong việc lan tỏa tác phẩm. Ngày nay, thay vì vào trực tiếp website của các tờ báo, bạn đọc có thói quen theo dõi Fanpage của tờ báo mà mình yêu thích hơn. Họ cũng dễ dàng vào đọc bài báo theo các đường link được người khác chia sẻ trên MXH hơn là chủ động tìm đọc trên website hoặc app riêng của báo.
Nhà báo Phan Nga, Báo Giáo dục và thời đại cho hay: “Ngoài mục đích giải trí cá nhân, tôi còn sử dụng Zalo, Facebook làm kênh chia sẻ những sản phẩm của bản thân cũng như đồng nghiệp trong cơ quan. Đó cũng là cách để nhiều bạn đọc biết đến Báo Giáo dục và thời đại nhiều hơn”.
Nếu như ưu thế của MXH là thông tin nhanh, tức thời tới độc giả/khán giả, thì báo chí chính thống tuy chậm hơn một chút nhưng lại cung cấp được cho công chúng những thông tin có chất lượng, chuẩn xác hơn. Đây cũng chính là yếu tố thu hút bạn đọc của báo chí chính thống. Vì vậy, nếu có tác phẩm báo chí chất lượng và biết sử dụng MXH như một cánh tay, một công cụ để truyền thông cho mình, thì công chúng sẽ đến với báo chí ngày một nhiều hơn.
Ngày 25-12-2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã họp báo công bố Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam. Quy tắc này gồm 3 chương và 7 điều, quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH. Trong đó, những việc mà nhà báo được làm là: sử dụng tài khoản MXH của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước; đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên MXH có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân; phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí. |
Tường Vi