Báo Đồng Nai điện tử
En

Vinh dự được bảo vệ Bác Hồ

08:05, 19/05/2020

Đã gần 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, sức khỏe và độ minh mẫn của ông Trần Đình Phương (KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) không còn được như xưa. Nhưng ký ức về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta vẫn vẹn nguyên trong trái tim ông Phương, một chiến sĩ cảnh vệ của Bác Hồ.

Đã gần 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, sức khỏe và độ minh mẫn của ông Trần Đình Phương (KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) không còn được như xưa. Nhưng ký ức về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta vẫn vẹn nguyên trong trái tim ông Phương, một chiến sĩ cảnh vệ của Bác Hồ.

Tuy sức khỏe đã yếu nhưng ông Trần Đình Phương vẫn hằng ngày cùng vợ đọc sách báo để nắm bắt thông tin về tình hình đất nước và sưu tầm các bài viết về Bác Hồ
Tuy sức khỏe đã yếu nhưng ông Trần Đình Phương vẫn hằng ngày cùng vợ đọc sách báo để nắm bắt thông tin về tình hình đất nước và sưu tầm các bài viết về Bác Hồ

Theo lời kể của ông Phương, ông sinh ra trong một gia đình đông con ở tỉnh Bình Định nhưng được cha mẹ rất quan tâm đến việc học hành nên từ nhỏ ông đã được học tiếng Pháp và chữ Nho. Học đến năm 13 tuổi, ông được giác ngộ và tham gia cách mạng, làm liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến hành chính địa phương. Đến năm 1950, khi vừa tròn 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng. 4 năm sau, ông ra Bắc tập kết, sau đó được cử đi học lớp cảnh vệ khóa 4 ở Trường An ninh C500 Hà Đông (Hà Nội).

* Vinh dự, tự hào được bảo vệ Bác Hồ

Năm 1955, khi hoàn thành chương trình học, ông Trần Đình Phương được phân công về Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh cảnh vệ), chuyên bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngày đến nhận nhiệm vụ, ông Phương được ông Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ (một trong 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) trực tiếp phân công nhiệm vụ, đó là bảo vệ Bác Hồ. Nhận nhiệm vụ, ông vô cùng xúc động và tự hào vì không bao giờ dám mơ ước đến việc được ở bên Bác Hồ, nay lại được tổ chức giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng này.

“Để đảm bảo an toàn, bí mật cho nhiệm vụ bảo vệ Bác, chúng tôi ít mặc cảnh phục mà chỉ mặc thường phục; thường xuyên ẩn thân vào đám đông để bảo vệ Bác từ xa hoặc mai phục tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm bảo đảm an toàn cho Bác Hồ và các cán bộ của Đảng, Chính phủ” - ông Phương chia sẻ. Do tính chất công việc bí mật nên nhiều lần ông và đồng đội bị Công an TP.Hà Nội bắt nhầm vì tưởng kẻ gian.

Những năm tháng được bảo vệ và sống gần gũi bên Bác Hồ đã để lại trong ông Phương nhiều bài học sâu sắc. Có lần Bác đi thăm trại điều dưỡng ở Hà Nội dành cho các thương binh miền Nam tập kết ra Bắc, cùng đi với Bác có Thứ trưởng Bộ Lao động Lê Minh Hiền, khi được Bác hỏi ở trại điều dưỡng có bao nhiêu người, bà Hiền trả lời khoảng 300 người. Bác nói: “Sao cô không nắm chính xác là bao nhiêu mà phải ước chừng, việc này cô phụ trách nhưng lại không biết rõ thì ai biết đây”.

Lần khác, vào tháng 5-1958, Bác Hồ cùng một số đồng chí lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để “tránh sinh nhật”. Ông Phương cho biết, vào dịp sinh nhật của mình, Bác thường đi thăm hỏi, làm việc một số nơi để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. Bác cũng thường dặn mọi người không nên tổ chức chúc thọ linh đình vì Người sợ tốn thời giờ và tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống nhân dân và cuộc chiến tranh của dân tộc còn gian khổ.

* Tích cực làm theo lời Bác

Theo ông Phương, bất cứ lời dạy nào của Bác, ông đều rút ra bài học cho bản thân. Ông Phương đã nhắc nhở cả cuộc đời mình, làm việc gì cũng phải coi trọng tính chính xác, không đại khái, qua loa. Khi làm việc phải có phương pháp, cách làm phù hợp từng nhiệm vụ, từng đối tượng, không thể dùng cái chuẩn của mình để áp đặt cho người khác làm theo.

Làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ đến năm 1964, ông Phương được Nhà nước cử đi học để tạo nguồn cán bộ cho miền Nam. Ông đã học chuyên ngành thông tin viễn thông ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội và tốt nghiệp năm 1969. Sau đó, ông du học tại Hungari, đến năm 1972 trở về nước và được điều động vào Đồng Nai công tác trong ngành Bưu điện cho đến khi về hưu.

Ông Phương luôn học Bác ở sự khiêm tốn, giản dị và yêu thương con người. Sự giản dị của Bác là nỗ lực cao nhất của bậc thiên tài, Bác giản dị chứ không phải giản đơn. Bác nói ít, làm nhiều nhưng nhiều người lại nói nhiều, làm ít. Cán bộ, đảng viên đang thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhưng thời gian qua nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật, điều này là không hay.

Theo ông Phương, tưởng nhớ tới Bác, chúng ta soi chung tấm gương lớn, mong sao mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tích cực tự phê bình và phê bình, phê bình bản thân mình trước rồi phê bình người khác sau thì mới có sức thuyết phục. Từ đó phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh tham nhũng lãng phí, quan liêu, xa hoa, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc như Bác Hồ mong đợi.

Quỳnh Trang

Tin xem nhiều