Mới đây, khi tham quan khu trưng bày triển lãm tại Đại hội Đảng bộ Lữ đoàn Tăng thiết giáp (TTG) 26 (Quân khu 7), nhiều đại biểu quan tâm đến sáng kiến thiết bị thông nòng pháo 100mm trên xe tăng của thiếu tá Phan Quang Trung, Đại đội tăng 1, Tiểu đoàn bảo quản 20, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26.
Mới đây, khi tham quan khu trưng bày triển lãm tại Đại hội Đảng bộ Lữ đoàn Tăng thiết giáp (TTG) 26 (Quân khu 7), nhiều đại biểu quan tâm đến sáng kiến thiết bị thông nòng pháo 100mm trên xe tăng của thiếu tá Phan Quang Trung, Đại đội tăng 1, Tiểu đoàn bảo quản 20, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26.
Thiếu tá Phan Quang Trung (bìa trái) giới thiệu mô hình với lãnh đạo Quân khu 7 tại Đại hội Đảng bộ Lữ đoàn nhiệm kỳ 2020-2025 |
Sáng kiến được nghiên cứu thành công góp phần nâng cao hiệu quả huấn luyện, niêm cất, bảo quản vũ khí trang bị và có giá trị kinh tế cao.
* Giảm công sức bộ đội
Thiếu tá Quang Trung cho hay, việc phá niêm (bóc dỡ kiểm tra pháo trước khi huấn luyện và đóng gói sau khi huấn luyện), bảo dưỡng pháo trên xe tăng trước và sau khi bắn huấn luyện là một yêu cầu bắt buộc quan trọng của quá trình huấn luyện bộ đội xe tăng. Yêu cầu này đòi hỏi kỹ thuật cao chính xác, tiêu hao nhiều sức lao động của kíp xe (có từ 4-5 chiến sĩ/kíp xe). Mặt khác dưới thời tiết nắng nóng, cả kíp xe phải mất từ 4-5 giờ dùng lực đóng ken nòng mới có thể hoàn thành mà rất dễ bị xước, hỏng và mất an toàn khi thực hiện.
Với những nỗ lực trong công tác, thiếu tá Phan Quang Trung đã được Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn TTG 26 tặng nhiều giấy khen, được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng bằng khen có nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện làm theo Bác và cống hiến tài năng. |
Từ thực tế này, thiếu tá Quang Trung đã nghĩ ra ý tưởng để thay thế sức người, giảm công sức của bộ đội mà hiệu quả phá niêm, bảo dưỡng pháo trước và sau khi bắn huấn luyện vẫn đạt yêu cầu, tuyệt đối an toàn, độ chính xác cao. Mô hình Thiết bị thông nòng pháo 100mm trên xe tăng đã ra đời như vậy.
Sáng kiến này nhỏ, gọn, dễ sử dụng và đáp ứng được các tiêu chí dễ vận chuyển, áp dụng trong bảo dưỡng, bảo quản, phá niêm tại lán xe khi niêm cất cũng như cơ động dã ngoại trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; đồng thời bảo đảm cả 2 chế độ làm việc: quay bằng điện và quay bằng tay.
Theo thiếu tá Quang Trung, cấu tạo mô hình được sử dụng các vật liệu dễ kiếm như: máng đựng dung dịch làm sạch nòng pháo trước và sau khi bắn; bộ phận giá đỡ gồm bu ri định tâm trước và sau nòng pháo… thực hiện được cả chế độ quay điện và quay tay trong quá trình phá niêm, bảo dưỡng, bảo quản nòng pháo trên xe tăng…
Thiếu tá Quang Trung cho biết, từ năm 2004, khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan TTG được điều về đơn vị đến nay, anh đã có 3 sáng kiến được vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, bảo dưỡng, bảo quản vũ khí trang bị, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông. Đó là những sáng kiến: hệ thống điều khiển bia từ xa bằng điện thoại di động; máy tạo phôi matits (dùng khi huấn luyện xe tăng khu vực miền cát) và thiết bị thông nòng pháo 100mm trên xe tăng. Cả 3 thiết bị này đều được Lữ đoàn TTG 26, Cục Kỹ thuật Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đánh giá cao; xếp các hạng nhì, ba của Cục Kỹ thuật Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh Quân khu 7.
* Hiệu quả trong thực tiễn
Theo đồng chí Trương Văn Lan, Phó chính ủy Lữ đoàn TTG 26, tất cả những sáng kiến mà thiếu tá Quang Trung nghiên cứu hiện nay đang được áp dụng trong các tiểu đoàn, đơn vị trực thuộc lữ đoàn và cho hiệu quả huấn luyện cao, giúp chiến sĩ dễ hiểu, dễ thực hiện và bảo đảm yêu cầu huấn luyện hằng năm.
Riêng thiết bị thông nòng pháo 100mm trên xe tăng khi được vận dụng vào thực tế bảo quản, huấn luyện đã cho hiệu quả cao. Nếu trước đây cả kíp xe từ 4-5 chiến sĩ phải mất khoảng 5 giờ mới có thể phá niêm, bảo dưỡng, bảo quản trước và sau khi bắn, nay nhờ sáng kiến này đã giảm nhân lực từ 1 kíp xe xuống hiện chỉ cần 1 chiến sĩ; đồng thời giảm thời gian xuống chỉ còn 15 phút là hoàn thành quá trình phá niêm, bảo dưỡng, bảo quản.
Điều quan trọng, khi vận dụng sáng kiến này, quá trình thao tác phá niêm, bảo dưỡng, bảo quản đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không bị xước nòng pháo và tuyệt đối an toàn trong quá trình sử dụng…
Theo lãnh đạo lữ đoàn, ngoài giảm nhân lực, công sức và thời gian của bộ đội, Hội đồng Khoa học công nghệ Quân khu 7 đã đánh giá sáng kiến thực hiện tốt trên cả 3 tiêu chí: quốc phòng, khoa học kỹ thuật và kinh tế - xã hội. Trong đó, tiêu chí quốc phòng và khoa học kỹ thuật được áp dụng nâng cao chất lượng huấn luyện, hiệu quả bảo dưỡng pháo trước và sau khi bắn, tăng thời gian sử dụng vũ khí trang bị và thuận lợi khi phá niêm pháo.
Về lợi ích kinh tế - xã hội, sáng kiến đã góp phần tiết kiệm nhân công, giảm tối đa thời gian bảo dưỡng, bảo đảm an toàn cho người và kéo dài thời gian sử dụng vũ khí trang bị. Trong khi kinh phí để mua các loại vật tư dễ kiếm chỉ khoảng 3 triệu đồng nhưng hiệu quả thực tiễn khá cao so thiết bị cùng loại nhập về.
Nam Anh