Gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện các phong trào thi đua, những nhiệm vụ trọng tâm của Hội là cách mà các cấp Hội LHPN tỉnh đang thực hiện nhằm lan tỏa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, hội viên phụ nữ.
Gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện các phong trào thi đua, những nhiệm vụ trọng tâm của Hội là cách mà các cấp Hội LHPN tỉnh đang thực hiện nhằm lan tỏa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, hội viên phụ nữ.
Cán bộ, hội viên phụ nữ P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) may khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: N. Sơn |
Từ đây xuất hiện nhiều mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là các mô hình giúp nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
* Sẻ chia khó khăn trong đại dịch
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, cũng như các đơn vị trong hệ thống chính trị, khi đứng trước đại dịch Covid-19, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã có những hoạt động hết sức thiết thực để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, với vai trò là tổ chức đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội LHPN ở cơ sở tổ chức các hoạt động chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; những hội viên phụ nữ là công nhân, người lao động phải tạm ngưng hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương vì dịch bệnh Covid-19. Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, các cấp Hội trong tỉnh đã trao tận tay hội viên phụ nữ khó khăn gần 282 ngàn phần quà với tổng trị giá khoảng 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, một số Hội cơ sở còn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các điểm ATM gạo nghĩa tình. Qua hình thức ATM gạo nghĩa tình, các cơ sở Hội đã góp gạo, suất ăn chay, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho hội viên phụ nữ, người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức Hội xác định là nhiệm vụ xuyên suốt gắn liền với các phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Do đó, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lựa chọn những nội dung phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn của công tác Hội và phong trào phụ nữ để tổ chức cho cán bộ, hội viên học tập và làm theo. |
Thời điểm khẩu trang y tế khan hiếm, Hội LHPN tỉnh còn phát động các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia may khẩu trang sau giờ hành chính, ngày nghỉ vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch, vừa tặng cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.
Vốn có nghề may nên khi nghe có hoạt động may khẩu trang, bà Ngô Hiền Hậu, ở KP.Vườn Dừa, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) đã đăng ký tham gia. Thời điểm diễn ra cách ly xã hội, nhu cầu sử dụng khẩu trang nhiều nên có hôm để hoàn thành số lượng khẩu trang nhận về, bà cùng với một số chị em trong khu phố may, cắt tới 22-23 giờ. Bà Hậu cho biết, ngồi may, xếp khẩu trang hoặc cắt chỉ nhiều giờ liền, chị em có khi đau lưng, tê chân không đứng lên nổi nhưng ai cũng vui. Vui vì đã góp được một phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch. Đáng chú ý, có những hội viên mặc dù không biết may nhưng khi Hội LHPN phường phát động cũng tham gia xếp khẩu trang, cắt chỉ...
Ai cũng muốn sẻ chia, cũng muốn đóng góp vào công cuộc chống dịch. Có lẽ vì thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã may và tặng gần 279 ngàn khẩu trang vải, 40 ngàn khẩu trang vải không dệt cho hội viên phụ nữ, người dân có hoàn cảnh khó khăn; bàn giao cho Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh trên 116 ngàn khẩu trang vải không dệt để phân bổ cho các lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch.
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Ngọc Loan, mặc dù đến thời điểm này dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, song các cấp Hội trong tỉnh xác định vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động chung tay phòng, chống dịch, chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong và sau dịch.
* Giúp nhau trở thành việc làm thường xuyên
Tinh thần tương thân, tương ái của các cấp Hội LHPN, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh không chỉ được phát huy cao nhất trong đại dịch Covid-19 mà đã trở thành việc làm thường xuyên. Nhiều mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang được các cấp Hội trong tỉnh duy trì, tạo sức lan tỏa trong hệ thống Hội và toàn xã hội.
Theo bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có khoảng 126 mô hình với trên 17 ngàn tổ, nhóm, CLB hoạt động với mục đích tương thân, tương ái; tiết kiệm, rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; đóng góp cho cộng đồng; theo sở thích. Hầu hết các mô hình này đều nhằm mục đích cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, đáng chú ý nhất vẫn là các mô hình tổ, nhóm, CLB phụ nữ tương thân, tương ái, giúp hội viên phụ nữ, những người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Có thể kể đến như mô hình Nhận và tặng - Kết nối sự sẻ chia được Hội LHPN tỉnh triển khai từ đầu tháng 1-2017, đặt tại trụ sở cơ quan Hội LHPN tỉnh. Theo đó, các ngày trong tuần, Hội LHPN tỉnh tổ chức tiếp nhận các sản phẩm, vật dụng mới hoặc đã qua sử dụng nhưng còn tốt như: quần áo, mùng, mền, giày dép, mũ, túi xách, sách vở, đồ gia dụng... mà các mạnh thường quân gửi tặng. Sau đó, cán bộ, chuyên viên Hội LHPN tỉnh thay phiên phân loại, sắp xếp sau giờ làm việc. Vào các ngày thứ bảy hằng tuần (từ 8-11 giờ và 14-17 giờ) gian hàng mở cửa. Những hội viên phụ nữ, người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người có thu nhập thấp có nhu cầu đến chọn lựa và mang sản phẩm về sử dụng. Mỗi sản phẩm nhận về, người nhận sẽ gửi lại ít nhất 1 ngàn đồng/sản phẩm vào thùng Quỹ Học bổng Nguyễn Thị Định đặt tại gian hàng để tạo kinh phí trao học bổng cho con em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo bà Lê Thị Thái, việc gửi lại ít nhất 1 ngàn đồng/sản phẩm nhằm giúp cho người nhận không cảm thấy mặc cảm đi “xin”, đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội giúp đỡ người khác nhằm lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Từ mô hình Nhận và tặng - Kết nối sự sẻ chia của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN cơ sở ở một số huyện học tập và làm theo.
Với phương châm mỗi cơ sở Hội một mô hình học tập và làm theo Bác, Hội LHPN ở cơ sở hiện cũng đang duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình học Bác, nhất là các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, tương trợ …
Từ nhu cầu tập hợp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, để chị em có nơi giao lưu, sinh hoạt, năm 2000 Tổ phụ nữ dân tộc xã Lộ 25 (H.Thống Nhất) được thành lập. Bà Vày Lục Múi, Tổ trưởng Tổ phụ nữ dân tộc xã Lộ 25 cho biết, từ khi thành lập, ngoài tập hợp phụ nữ dân tộc, Tổ phụ nữ dân tộc xã Lộ 25 đã vận động hội viên tham gia tiết kiệm, giúp đỡ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Cách đây 3 năm, từ ý tưởng của chị em, Tổ phụ nữ dân tộc bắt đầu có thêm hoạt động tình nguyện hỗ trợ công việc cho các gia đình hội viên khi có người mất. Theo đó, mỗi chị em khi tham gia hoạt động này đều trang bị một bộ đồ màu đen. Trong những ngày gia đình hội viên tổ chức đám tang sẽ thay nhau đến phụ việc bếp núc, trà nước… đồng thời đóng góp tiền để đến viếng. Không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi có người nằm xuống, Tổ phụ nữ dân tộc đã đứng ra vận động kinh phí hỗ trợ.
“Từ khi triển khai mô hình này, uy tín của tổ phụ nữ ngày một được nâng lên, chị em trong tổ đồng tình ủng hộ. Bởi, hoạt động này đã giúp chị em vơi bớt khó khăn khi nhà có tang, vừa góp phần khẳng định với người thân trong gia đình rằng tham gia hoạt động Hội Phụ nữ không phải là vô bổ, mất thời gian như nhiều người vẫn nghĩ” - bà Múi chia sẻ.
Nga Sơn