Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 25-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 25-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có bố cục gồm: 4 chương, 42 điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án. Hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh; các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng việc xây dựng dự thảo luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết này. Phát biểu thảo luận về nội dung này, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) bày tỏ nhất trí cao việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo ông Thống, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nông nghiệp một lần nữa là bệ đỡ của nền kinh tế. Việc miễn thuế đất nông nghiệp trong thời gian qua theo đánh giá của Chính phủ đã góp phần quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Cũng theo đại biểu Bùi Xuân Thống, việc thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp góp phần gia tăng diện tích đất nông nghiệp phục vụ sản xuất, khắc phục tình trạng hoang hóa đất, gây lãng phí. Đại biểu cũng nhấn mạnh, hiện nay tình hình biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan và nhiều dịch bệnh; tình trạng được mùa thì mất giá diễn ra thường xuyên; chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được người nông dân quan tâm, doanh nghiệp bảo hiểm thì không mặn mà do rủi ro cao. Do đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần giảm gánh nặng cho người trực tiếp đầu tư và sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí trong sản xuất, góp phần mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, tạo sự cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới, cải thiện bộ mặt và đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn nước ta…
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, biểu quyết gồm: 7 chương, 44 điều. Dự thảo luật không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 1 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo luật bổ sung 1 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.…
H.Thảo - P.V