Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 22-5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 22-5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Tờ trình nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế. Theo đó, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Quang cảnh kỳ họp Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Theo Tờ trình, căn cứ các quy định của pháp luật, hằng năm, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, quyết định chương trình giám sát của năm sau, trong đó bao gồm nội dung giám sát chuyên đề. Đối với năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp cuối năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 9. Tuy nhiên, căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2021 - năm cuối nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến báo cáo Quốc hội cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra |
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Năm 2021 là năm các cơ quan, địa phương phải dành nhiều thời gian cho công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, do vậy sẽ không có đủ thời gian để triển khai giám sát toàn diện, có chiều sâu nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giám sát. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế đã triển khai giám sát chuyên đề trong năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ khóa XIII và khóa XIV cho thấy một số bất cập. Vì vậy, việc xem xét, quyết định kết quả giám sát khó bảo đảm hiệu quả như yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, tại Văn bản số 516/UBTVQH14-TTKQH ngày 25-2-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giao Tổng thư ký Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội không bố trí giám sát chuyên đề trong năm 2021.
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thảo luận trực tuyến về nội dung này; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự án luật này.
TTXVN