Khó tập hợp, nắm bắt diễn biến tư tưởng của thanh niên; kinh phí hoạt động Đoàn hạn chế; nghiệp vụ công tác Đoàn của đội ngũ cán bộ Đoàn ở ấp, khu phố còn yếu do thường xuyên thay đổi… là những khó khăn khiến cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư chưa có nhiều chuyển biến.
Khó tập hợp, nắm bắt diễn biến tư tưởng của thanh niên; kinh phí hoạt động Đoàn hạn chế; nghiệp vụ công tác Đoàn của đội ngũ cán bộ Đoàn ở ấp, khu phố còn yếu do thường xuyên thay đổi… là những khó khăn khiến cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư chưa có nhiều chuyển biến.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với cán bộ Đoàn cơ sở ở H.Cẩm Mỹ trong chương trình đối thoại giữa Bí thư Tỉnh đoàn với cán bộ Đoàn cơ sở mới đây. Ảnh: N.Sơn |
Trong chương trình đối thoại giữa bí thư Tỉnh đoàn với cán bộ Đoàn cơ sở ở các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút thanh niên, tổ chức Đoàn các cấp cần tổ chức những hoạt động thiết thực, trúng với nhu cầu của thanh niên.
* Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Theo anh Lê Văn Trường, Phó bí thư Đoàn xã Xuân Thành (H.Xuân Lộc), hiện nay tại địa bàn dân cư chỉ có một bộ phận thanh niên có việc làm ổn định, còn lại chủ yếu là phụ giúp gia đình vào dịp mùa vụ, những lúc nông nhàn hầu như không có việc làm. Không ít thanh niên muốn đi làm nhưng chưa được đào tạo nghề nên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng; một số khác muốn khởi nghiệp ngay tại quê nhà bằng những lối đi riêng nhưng lại khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn vay…
Phó bí thư Đoàn xã Xuân Thành đề nghị tổ chức Đoàn cấp trên cần có nhiều hơn nữa những hoạt động đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm. Có như vậy, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn dân cư mới an tâm tham gia các hoạt động phong trào.
Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn cho hay, bên cạnh các chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập, rèn luyện và phát triển kỹ năng xã hội, Tỉnh đoàn luôn quan tâm đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Tỉnh đoàn đã xây dựng đề án Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018-2022; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp như: tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm ở các huyện tập trung đông công nhân, tổ chức tập huấn khởi nghiệp, tổ chức các diễn đàn, ngày hội liên quan đến khởi nghiệp… Ngoài hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo, các cấp bộ Đoàn còn hỗ trợ vốn hoặc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các dự án phát triển kinh tế của thanh niên…
Theo anh Cường, nếu chỉ có tổ chức Đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp sẽ không thể đáp ứng hết nhu cầu của thanh niên. Vì vậy, để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương thì cấp ủy, chính quyền địa phương không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, tổ chức Đoàn ở cơ sở cần tích cực phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, ưu tiên tìm việc cho thanh niên. Đồng thời, tin tưởng giao cho thanh niên đảm nhận các công trình, thậm chí là dành quỹ đất cho thanh niên sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… nhằm giúp thanh niên ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà.
Anh Đỗ Nguyễn Văn Mười, Bí thư Đoàn xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) đề xuất, hiện nay hầu hết đoàn viên, thanh niên đều sử dụng mạng xã hội. Tổ chức Đoàn cấp trên nên nghiên cứu lập các fanpage về khởi nghiệp, lập nghiệp dành cho thanh niên theo từng ngành nghề, lĩnh vực. Qua đó, vừa tập hợp thanh niên theo từng ngành nghề, vừa là nơi để đoàn viên thanh niên có chung ngành nghề giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, vừa là kênh để tổ chức Đoàn định hướng cho đoàn viên thanh niên trong quá trình khởi nghiệp…
* Quan tâm hơn đến cán bộ Đoàn cơ sở
“Cán bộ nào, phong trào ấy” là câu nói dùng để diễn tả tầm quan trọng của cán bộ đối với phong trào. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số cán bộ Đoàn cơ sở, cán bộ Đoàn ở cơ sở hiện chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với cán bộ Đoàn trưởng thành. Anh Đỗ Nguyễn Văn Mười cho biết, hiện nay một số cán bộ Đoàn ở các xã, phường, thị trấn tuổi đã cao (34-35 tuổi hoặc công tác từ 2-3 nhiệm kỳ) nhưng vẫn chưa được bố trí công tác khác. Điều này không chỉ khiến cá nhân những cán bộ Đoàn lớn tuổi cảm thấy không yên tâm, mà còn làm cho những cán bộ Đoàn cơ sở còn trẻ bị “mất lửa” trong quá trình công tác, khiến cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi dần đi theo một lối mòn.
Giải đáp các ý kiến liên quan đến việc làm cho cán bộ Đoàn trưởng thành, anh Nguyễn Cao Cường chia sẻ, vấn đề “đầu ra” cho cán bộ Đoàn luôn được các cấp bộ Đoàn quan tâm. Thực tế cho thấy, rất nhiều cán bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã được tạo điều kiện trưởng thành, được giao các vị trí chủ chốt ở Đảng ủy, UBND tỉnh đến các xã, phường, thị trấn.
“Phải thừa nhận trên địa bàn tỉnh cũng còn một số trường hợp cán bộ Đoàn lớn tuổi chưa được luân chuyển theo quy định. Việc tìm “đầu ra” cho những trường hợp này hiện đang gặp khó khăn do các địa phương đều đang thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế…” - anh Cường cho hay.
Để giải quyết khó khăn này, vừa qua Trung ương Đoàn TNCSHCM cũng đã có văn bản gửi cấp ủy các tỉnh, thành đề nghị tạo điều kiện giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn lớn tuổi. Tỉnh đoàn trong buổi làm việc với Tỉnh ủy cũng đã đề xuất Ban TVTU quan tâm, chỉ đạo cấp ủy cơ sở quan tâm, tạo điều kiện giải quyết cho cán bộ Đoàn lớn tuổi.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Cao Cường, các cấp bộ Đoàn thời gian tới cần tiếp tục chủ động về nguồn cán bộ để làm công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn về trình độ chuyên môn, trải qua thực tiễn phong trào để cán bộ Đoàn trưởng thành toàn diện. Bản thân mỗi cán bộ Đoàn phải tự chuẩn hóa để có năng lực cả về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới khi được giao.
Bên cạnh việc giải quyết “đầu ra” giúp cán bộ Đoàn yên tâm cống hiến, để phong trào Đoàn ở cơ sở có chuyển biến, nhiều ý kiến cho rằng tổ chức Đoàn cấp trên cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn. Chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho hay, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp luôn được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài.
Từ năm 2019, Tỉnh đoàn đã xây dựng và ban hành đề án Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2019-2022. Hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp theo từng nhóm đối tượng (như: cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn; cán bộ Đoàn trường học; cán bộ Đoàn phụ trách công tác kiểm tra, giám sát; cán bộ Đoàn là người dân tộc, tôn giáo…). Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai quy định về học tập chính trị đối với đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp; định kỳ tổ chức học tập chuyên đề lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhằm tạo cơ hội để cán bộ Đoàn cơ sở rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ…
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho biết, gặp gỡ, trao đổi nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ Đoàn cơ sở là việc làm thường xuyên của tổ chức Đoàn cấp trên. Thông qua các nội dung trao đổi tại các buổi đối thoại, Tỉnh đoàn sẽ có đánh giá toàn diện hơn trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Từ đó sẽ đề ra những giải pháp thiết thực để triển khai có hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong thời gian tới. |
Nga Sơn