Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của mình, Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào, sự lầm than, chịu thân phận của kiếp người nô lệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho xứ Nghệ giàu truyền thống yêu nước. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của mình, Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào, sự lầm than, chịu thân phận của kiếp người nô lệ.
Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn (năm 1960) |
Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Hành trình bôn ba tìm đường cứu nước cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc hun đúc trong Người một tình yêu bao la với nhân dân, đất nước.
* Bác nâng niu tất cả, chỉ quên mình
Suốt đời Người chỉ luôn trăn trở với mục tiêu: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”, đó là những lời ca trong bài hát Bác Hồ một tình yêu bao la của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Những lời ca ấy như thay lời muốn nói cho hàng triệu trái tim của bao thế hệ người Việt Nam đối với Người cha già của dân tộc. Bác đã đi xa nhưng hình ảnh một con người vĩ đại suốt đời tận tâm, tận tụy vì dân, vì nước sẽ luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người con Việt Nam. |
Tình yêu nước, thương dân ấy của Bác không chỉ thể hiện ở những quyết sách lớn lao mà có thể nhìn thấy rõ ở từng câu nói, từng việc làm, cử chỉ vô cùng gần gũi và giản dị của Người. Mang trọng trách lớn trên vai, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn luôn dành thời gian để thường xuyên đi cơ sở, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Từ đó, hiểu đúng tình hình và đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Mỗi lần đi làm việc xa, đi thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, Người thường đem theo cơm nắm, muối vừng để khỏi làm phiền cán bộ, nhân dân địa phương, để khỏi “vì thết đãi Bác mà thịt cả con bò”.
Bác còn nhiều lần viết thư thăm hỏi, tặng quà cho các cụ già nhân dịp mừng thọ, viết thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, vào năm học mới...
Trước nạn đói xảy ra, Bác rất đau xót và đã kêu gọi đồng bào cả nước cứ mười ngày thì nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó để cứu giúp dân nghèo và Người xin thực hành trước. Khi tham dự cuộc vận động Mùa đông binh sĩ, Người đã cởi ngay chiếc áo len đang mặc để gửi cho các chiến sĩ ngoài mặt trận...
Trong buổi lễ long trọng, khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945 với sự tham gia của hàng chục vạn đồng bào, Bác giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”. Bác dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”.
Câu hỏi giản dị ấy của Người giữa giây phút long trọng của lịch sử là biểu hiện cao độ của lòng yêu nước thương dân, là kết tinh của phẩm giá và tư tưởng của Người.
Cho đến lúc cuối đời, Bác vẫn đau đáu tâm nguyện phục vụ đất nước, nhân dân. Trong Di chúc, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Trước lúc ra đi, trong Di chúc, Người không quên dặn dò: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
* Tình Bác sáng đời ta
Đã 85 tuổi và sức khỏe còn chưa phục hồi sau lần tai biến gần đây, nhưng khi được hỏi về Bác Hồ, ông Nguyễn Quang, nguyên giảng viên Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền), ngụ tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) nói một cách say mê và dạt dào tình cảm. Theo ông, trong cuộc đời mỗi con người, sẽ có những thứ ta không bao giờ quên. Và với ông, đó là những lần may mắn được nhìn, được gặp Bác Hồ.
Ông bồi hồi kể, cứ mỗi lần nhìn thấy bức hình Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn, trong ông đều trào dâng một cảm xúc bồi hồi, xúc động. Bởi bức hình đã gợi nhớ cho ông tới một trong những lần được gặp Bác trong một dạ hội quần chúng chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội.
Là một trong 2 đại diện của Đồng Nai được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020, anh Trần Duy Bảo, Bí thư Đoàn thanh niên Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa chia sẻ: “Ở Bác luôn có một tình thương yêu bao la, trọn một đời vì dân, vì nước. Soi mình vào tấm gương của Bác, là một người trẻ, tôi càng thêm quyết tâm, tự giác làm theo Người. Tự nhủ mình sẽ luôn phải sống có trách nhiệm, có lý tưởng, tích cực phát huy sức trẻ đóng góp xây dựng quê hương”. |
Đó là đêm Bác đến nghe diễn nhạc giao hưởng, còn ông là một thanh niên trẻ của thủ đô được tới dự xem. “Bác đi đến đâu, đại biểu, người dân đều reo hò, vây quanh. Khi thấy người dân hết chỗ ngồi, Bác đã sẵn sàng ngồi bệt xuống cỏ, nhường ghế cho người dân. Theo nguyện vọng của nhân dân, Bác đứng lên bục chỉ huy, cầm đũa bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Bác chỉ huy dàn nhạc, thỉnh thoảng quay mặt về phía đông đảo khán giả và hòa nhịp với niềm vui chung của quần chúng. Hình ảnh ấy, không khí ấy, tôi không thể nào quên” - ông Quang xúc động kể.
Lần tiếp theo, là khi ông đang làm công tác giảng dạy tại các trường tập trung tại khu tự trị Tây Bắc. Trong một dịp Bác về thăm nơi đây, ông được giao phụ trách phần triển lãm mảng giáo dục, ông đã được đứng gần Bác và trực tiếp trình bày với Bác về tình hình công tác đào tạo tại các trường tập trung trong khu tự trị. “Bác đã ân cần hỏi thăm rất kỹ càng về những khó khăn của trường và động viên cán bộ, giảng viên nỗ lực công tác. Khi hoàn thành xong nhiệm vụ, tôi vừa vui, vừa run, vừa xúc động lắm. Được quàng tay, được sờ lấy vạt áo lụa phía sau lưng của Bác, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng” - ông Quang kể.
Những kỷ niệm và dấu ấn riêng về Bác vẫn luôn đi theo ông cùng năm tháng. Khi về hưu, vào sinh sống tại TP.Biên Hòa cùng con cái, với phương châm sống vui, khỏe, có ích, noi gương Bác Hồ vĩ đại, ông Quang đã khởi xướng thành lập một không gian sinh hoạt ý nghĩa cho lớp người cao tuổi và lấy tên gọi CLB 19-5. Tại địa điểm sinh hoạt bố trí bàn thờ và di ảnh Bác rất trang trọng.
Xuất thân là một công nhân quốc phòng, đặc biệt thời niên thiếu đã từng có dịp được nhìn thấy Bác, trong ông Tô Đức Long cũng luôn có một tình cảm đặc biệt với Bác. Rời Thái Bình vào Đồng Nai sinh sống cùng con cháu vào năm 2011 tại TP.Biên Hòa, khi được biết đến CLB có tên ngày sinh của Bác, ông Long đã nhiệt tình tham gia ngay. “Tham gia CLB tôi thấy mình sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn” - ông Long bày tỏ.
Nhớ về kỷ niệm được nhìn thấy Bác Hồ, ông Long xúc động kể, đó là lúc ông khoảng 14-15 tuổi. Thời điểm đó, ông chưa thể hiểu hết được tầm vóc vĩ đại của Bác nhưng ông cảm nhận được sự gần gũi, mến yêu, đáng kính thông qua lời kể, tình cảm của cha mẹ, hàng xóm, người dân quê hương ông và qua những bài học trên lớp về Bác.
Khi biết tin Bác Hồ về thăm xã Đồng Lâm và Nam Cường thuộc H.Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), dù nhà ông ở xã Thái Thành, H.Thái Thụy, cách đó 30km, ông đã cùng nhóm bạn đồng trang lứa trong làng chạy bộ, đi đò tìm đến địa điểm mong được nhìn thấy Bác. “Đi từ sớm, sang huyện bạn thì tầm 9 giờ. Lúc đó, người dân khắp nơi đổ về mong gặp Bác rất đông. Mình thấp nhỏ không thể chen được vào gần Bác, đành tìm một mô đất cao đứng xa nhìn Bác. Lúc đó, Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng. Bác vẫy tay chào, cười rất thân thiện, gần gũi với người dân. Xe chở Bác từ từ rời đi, mọi người bịn rịn chia tay Bác. Phải đến khi xe chở Bác khuất hẳn đi, mọi người mới bắt đầu về. Tôi còn nhớ như in cảnh tượng, cảm xúc lúc ấy” - ông Long xúc động kể lại.
Những hình ảnh, tình cảm với Bác là động lực để ông sống và làm việc ngày một tốt hơn. Ông tự sáng tác những lời thơ mộc mạc, giản dị để làm phương châm sống cho mình cũng như khuyên dạy con cháu: “Ngày xưa từ thuở thiếu nhi/5 điều Bác dạy điều gì cũng hay/Lớn lên sống đến ngày nay/Chung tay góp sức dựng xây phong trào/Quê hương đổi mới tự hào/Làm nghìn việc tốt, việc nào cũng nên...”.
Hồ Thảo
(Bài viết có sử dụng tư liệu lịch sử)