Báo Đồng Nai điện tử
En

Tưởng nhớ những 'thường dân' Long Khánh

09:04, 20/04/2020

Chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh, đập tan "cánh cửa thép" phía Đông Bắc Sài Gòn được ghi dấu vào trang sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh, đập tan “cánh cửa thép” phía Đông Bắc Sài Gòn được ghi dấu vào trang sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tượng đài Chiến thắng Long Khánh là công trình tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Tượng đài Chiến thắng Long Khánh là công trình tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp cách mạng của đất nước.

45 năm qua, đã có nhiều hội thảo, nhiều bài viết, nhiều hồi ức, tất cả toát lên tầm vóc và ý nghĩa của chiến công. Bài viết này xin được viết về những “thường dân” trên mảnh đất anh hùng.

Lịch sử đã chứng minh rằng, trải qua 12 ngày đêm lịch sử của Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh, sát cánh cùng các sư đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp tham gia chiến dịch, còn có một lực lượng quan trọng, góp phần không nhỏ trong chiến thắng lịch sử này. Họ là những đảng viên mật, là những người “dân thường” hoạt động trong lòng địch, cho dù còn ít bài viết, ít nghiên cứu về những con người thầm lặng này, nhưng với tôi, mỗi độ tháng Tư về, tôi lại nghĩ, lại nhớ về họ “Những cơ sở mật” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, nguyên Bí thư Huyện ủy Long Khánh: “Sau hơn 2 năm, kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết, Đảng bộ, lực lượng vũ trang huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh đã trưởng thành và phát triển lớn mạnh, xây dựng gần 1 ngàn cơ sở mật trong nhân dân. Hầu hết các xã có chi bộ, tổ Đảng lãnh đạo”.

Gần 1 ngàn cơ sở mật ấy, là những “người miền Trung, miền Bắc di cư được địch bố trí làm vành đai ngăn chặn từ xa, sự xâm nhập của cách mạng, vậy mà nhân dân đã lập được nhiều thành tích, đóng góp to lớn cho chiến thắng” (Trần Bạch Đằng, sđd, tr.34). “Trước và trong chiến dịch, sự tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của nhân dân các địa phương trên địa bàn diễn ra chiến dịch thực sự là chỗ dựa vững chắc, là nguồn động viên to lớn cho cán bộ, chiến sĩ ta. Những vùng giải phóng mới được mở ra, những khu vực ém quân, những bàn đạp tiến công lợi hại xung quanh thị xã được bảo vệ vững chắc và phát huy tác dụng to lớn, một phần quan trọng là nhờ ở lòng dân, ở sức dân, ở sự tham gia tích cực và tự nguyện của nhân dân” (Đại tá Trần Bích, sđd, tr.98).

Và “từ thị xã đã chuyển vào kho an toàn của quân giải phóng 7.500 tấn gạo. 17.000 ống thuốc cầm máu, 43.000 lọ kháng sinh, 4.000 kg bột ngọt, hàng chục triệu đồng... Còn ngay tại vùng căn cứ, đồng bào các dân tộc Chơro, Châu Mạ, S’tiêng đã đóng góp lúa gạo, bắp đậu, các phương tiện xe bò, xe kéo. Vì thế, khi quân ta mở Chiến dịch Xuân Lộc, thì đó là đội quân tổng lực, có sự hậu thuẫn vững vàng về nhiều mặt, từ vùng giải phóng, đến ngay giữa lòng địch” (Bùi Ngọc Thanh Sđd, tr.159).

Những chiến công đó, được lập nên bởi những đảng viên mật như: chú Ba Nga (Liêu Tố Nga), chú Sáu Hậu (Hồ Văn Hậu) những Thị ủy viên mật; họ là những đảng viên: chú Bảy Sương, Năm Tiên, dì Năm Thọ, Tư Lũy, Năm Thanh, Tám Dẫu, Hai Cận, Năm Đen, Tư Bắc, Ba Cư… thuộc lớp người “tiền bối”. Cùng với những đảng viên trẻ sau này: chị em Mười, Kháng; Diệu; Thọ (Lệ), Thận; Hoàng Miết, Xiếu, chị em Bướm, Bích; Tiều… (Điều đặc biệt là càng về những năm tháng cuối của cuộc kháng chiến, lớp trẻ “làm cách mạng” ngày càng đông hơn, phải chăng đó là quy luật?).

Thời bấy giờ họ là cơ sở của Thị ủy, Thị đội, Ban An ninh, của Mặt trận giải phóng, của B1, B2, B3 hoạt động cách mạng trên nhiều mặt trận, trinh sát, thông báo tin, diệt ác, phá kiềm, “tiếp tế”… về sau họ trở thành bí thư chi bộ, UBND cách mạng, công an, bộ đội địa phương hoặc công tác đoàn thể những ngày đầu giải phóng.

Chiến công đó còn xuất phát từ những người dân “bình thường” thuộc mọi tầng lớp: nông dân, công nhân, tiểu thương, làm thuê, thanh niên, học sinh, tu sĩ và cả thiếu nhi. Những người hằng ngày đem từng lon gạo, viên thuốc vào rừng, đào hầm bí mật, dẫn đường trinh sát trong nội thị và khi cách mạng cần, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cán bộ như: má Tư Nhâm, chỉ với cán cuốc chặn đứng 13 xe tăng, trong một cuộc càn quét. Như má Ba Bô nói với chú Tư Trụ: “Bây cứ bung hầm chạy đi, có gì ở đây tao chịu”. Hoặc như một ni cô nuôi hàng chục trẻ em từ trong “cứ” gửi ra, mặc cho cảnh sát chìm, nổi ngày ngày o ép.

Không sử sách nào có thể ghi hết những con người, những chiến công thầm lặng của cuộc kháng chiến toàn dân trên một vùng đất anh hùng. Thế nhưng, khi nhìn lại lịch sử 12 ngày đêm chiến đấu: “Để có ngày mở màn 9-4 và kết thúc 21-4-1975 là cả một quá trình đấu tranh chính trị, vũ trang. Trước mắt địch, đó là những nông dân, những công nhân cao su, nhưng khi cần là những chiến sĩ gan dạ, tấn công chúng mọi nơi, mọi lúc” (Bùi Ngọc Thanh, sđd, tr.157). Thật ra, khi tham gia cách mạng, những con người “bình thường” ấy không hề đắn đo hơn thiệt, chỉ biết rằng có “áp bức, kìm kẹp” thì có người đứng lên tranh đấu, những mong góp phần mình giải phóng quê hương, xóm làng thoát ách thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai.

Sau chiến thắng, họ lặng lẽ trở về cuộc sống thường nhật, không lưu tâm mình đã góp được gì cho cách mạng. Nhưng là những người đang sống, là lớp người kế tục, chúng ta luôn biết ơn và trân trọng họ. Những cán bộ, đảng viên luôn chiến đấu với tinh thần tất cả vì cách mạng, những “con người bình thường”, nhưng yêu nước, thương dân góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Trong khí thế hào hùng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Long Khánh, xin thắp nén hương lòng, ghi ơn, tạc dạ những bác, những dì, những anh, chị, những con người bình thường đã trở về với đất mẹ. Xin gửi đến những người đang sống tấm lòng trân quý của một người con Long Khánh.

Những ngày tháng Tư lịch sử

Trần Thanh Hùng

Tin xem nhiều