Ngày 10-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Bộ Y tế đã giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
Ngày 10-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Bộ Y tế đã giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người.
Theo Phó thủ tướng, việc thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành... thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.
Chia sẻ với những khó khăn của anh em báo chí, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và cho rằng, chúng ta phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, chúng ta cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Y tế.
Phó thủ tướng chia sẻ, ngay trong điều trị, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc phác đồ điều trị chuẩn. Vì vậy, chúng ta không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.
Ngay trong chống dịch SARS năm 2003, phác đồ điều trị của Việt Nam đã được cả thế giới sử dụng. Hiện nay, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam cũng rất tốt, số người khỏi bệnh nhiều.
Tuy nhiên, phác đồ mới chỉ là kiến thức trên giấy còn bác sĩ mới là người điều trị trực tiếp cho từng bệnh nhân. “Chúng ta hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và hãy lạc quan. Hiện nay các cơ sở điều trị đều được kết nối, được hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia giỏi nhất” - Phó thủ tướng bày tỏ.
Chinhphu.vn