Sáng 20-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 20-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, căn cứ tình hình thực tế trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh Phiên họp thứ 44 lùi 1 tuần so với kế hoạch ban đầu.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành của Chính phủ đã nỗ lực, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp (trong đó có một số Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức họp trực tuyến để tiến hành thẩm tra đảm bảo nội dung trình tại phiên họp này). Một khối lượng lớn các nội dung đã được chuẩn bị để trình ra phiên họp, đảm bảo cho việc chuẩn bị được chu đáo các nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khẩn trương của Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp bất thường sáng 8-4-2020 và kịp thời ban hành nghị quyết, nhanh chóng chỉ đạo triển khai gói an sinh xã hội này đến những người dân đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các cơ quan hữu quan về việc chuẩn bị tài liệu đầy đủ cho Phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới.
* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu từ phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng việc ban hành luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong luật…
Đồng ý với sự cần thiết phải ban hành luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành đã 13 năm nay. Trong thời gian này xã hội đã phát triển, có nhiều thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bộ luật Lao động đã sửa đổi hai lần, Luật Dạy nghề chuyển thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và nhiều luật khác có liên quan cũng đã sửa đổi, bổ sung. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi luật như Tờ trình của Chính phủ.
TTXVN