Dịch Covid-19 đang tiếp tục có những ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ).
Dịch Covid-19 đang tiếp tục có những ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ).
Công nhân Công ty CP Johnson Wood (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: PH.Thảo |
Ghi nhận thực tế cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh rất nhiều DN vẫn đang duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ. Đối với những DN đang chịu ít nhiều tác động, DN đã tích cực phối hợp với tổ chức Công đoàn đưa ra những phương án tối ưu nhất để vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo việc làm, thu nhập của NLĐ trong điều kiện thực tế của DN.
* Vì môi trường làm việc an toàn cho NLĐ
Từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, hơn 200 công nhân lao động tại Công ty CP Thực phẩm quốc tế (Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước, TP.Biên Hòa) vẫn được đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định. Không những vậy, công nhân còn phải tăng ca mới đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.
Công nhân Nguyễn Văn Thông, Công ty CP Thực phẩm quốc tế (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Nhờ những nỗ lực, động viên của DN, Công đoàn, các cơ quan chức năng, tôi cũng như công nhân lao động trong công ty nhận thức được rằng, để duy trì việc làm, đảm bảo đời sống cho chính mình, trước hết bản thân phải có ý thức chung tay phòng, chống dịch bệnh thật tốt. Bởi như vậy mới có thể duy trì được môi trường làm việc an toàn, ổn định, bền vững cho chính mình”. |
Công nhân vận hành máy Nguyễn Văn Thông có hơn 1 năm làm việc tại công ty phấn khởi chia sẻ: “Thời gian qua, dù dịch bệnh xảy ra nhưng tôi và đồng nghiệp tại công ty vẫn có việc làm đều đặn nên rất vui. Nhiều hôm hàng gấp còn tăng ca thêm 4 tiếng so với bình thường. Nhờ đó, mức thu nhập cũng được tăng lên, hiện tại đảm bảo trung bình từ 9-10 triệu đồng/tháng trở lên”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty CP Thực phẩm quốc tế chia sẻ, do nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm hầu như là ở trong nước nên DN có nhiều thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm, lựa chọn nguồn nguyên liệu cũng như xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh trước những diễn biến của đại dịch. Đây cũng là lý do chính giúp tình hình sản xuất, kinh doanh của DN đến nay cơ bản ổn định, đời sống việc làm của NLĐ đảm bảo. Hiện thu nhập của NLĐ tại DN từ 9 triệu đồng trở lên.
Ông Dũng nhận định, một trong những yếu tố rất quan trọng tác động lớn đến hoạt động của DN chính là sức khỏe và môi trường làm việc an toàn cho NLĐ trước đại dịch Covid-19. Do vậy, thời gian qua, công ty luôn tích cực phối hợp với Công đoàn triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại DN theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, hiện đã được nâng lên 25 ngàn đồng/suất... để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.
Tương tự, tại Công ty CP hữu hạn Vedan (H.Long Thành), Chủ tịch CĐCS công ty Phạm Trung Thuyên chia sẻ, hiện tại hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn đang diễn ra khá ổn định. NLĐ tại công ty vẫn được đảm bảo việc làm và thu nhập như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Công ty đã chi một khoản kinh phí không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch bệnh như: phun thuốc khử trùng nhà xưởng 2 lần/ngày, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn cho NLĐ... Đây được xác định là việc cần làm ngay và thường xuyên để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
* Sẻ chia, đồng hành vượt qua đại dịch
Ông Phạm Trung Thuyên, Chủ tịch CĐCS Công ty CP hữu hạn Vedan cho biết, bên cạnh nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tối thiểu tác động của dịch bệnh, thời gian qua, công ty cũng tích cực phối hợp cùng Công đoàn quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống NLĐ. Công ty cũng tạo điều kiện cho NLĐ nghỉ phép để có thể sắp xếp việc trông giữ con đảm bảo trong mùa dịch. NLĐ có thể nghỉ nhiều ngày hay chỉ xin vắng một vài giờ trong giờ sản xuất để giải quyết việc gia đình bất cứ lúc nào. “Chúng tôi luôn xác định phải chăm lo, hỗ trợ, động viên, sẻ chia nhiều nhất có thể cho NLĐ, nhất là trong đợt đại dịch để NLĐ ổn định tâm lý và đời sống việc làm” - ông Thuyên khẳng định. |
Trong khi đó, tại nhiều DN đã và đang chịu ít nhiều tác động từ dịch Covid-19, Công đoàn và DN đều đã chủ động bàn bạc đề ra những phương án tối ưu nhất trên tinh thần sẻ chia, đồng hành vượt qua đại dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch CĐCS Công ty TNHH New Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho hay, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN cơ bản ổn định. Song kể từ đầu tháng 4 này, dịch Covid-19 sẽ bắt đầu có những tác động rõ ràng lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Dự báo, sản lượng sản xuất sẽ giảm khoảng 25%/tháng so với thời điểm trước đó. Điều này đã nằm trong tính toán trước đó của DN nên không khiến DN lúng túng hay bi quan. Thay vào đó, DN đã chủ động tìm cách hạn chế thấp nhất tác động của dịch, đặc biệt là hạn chế tác động lên việc làm, thu nhập và tâm lý của NLĐ. “Mấu chốt mà cả DN và Công đoàn hướng đến là làm sao để hơn 1,4 ngàn NLĐ vẫn an tâm, tin tưởng gắn bó với DN, đồng hành với DN vượt khó trong đại dịch và phát triển sau đại dịch” - ông Thành chia sẻ.
Công ty cùng Công đoàn cũng tiến hành bàn bạc, tính toán nhiều phương án để đối phó với dịch bệnh như cho NLĐ tạm nghỉ luân phiên trong thời gian đơn hàng, sản lượng giảm để tất cả NLĐ đều có cơ hội được làm việc và nghỉ ngơi như nhau, thu nhập đảm bảo công bằng. Trong thời gian tạm nghỉ, NLĐ vẫn sẽ được công ty cho hưởng 70% lương cơ bản. Hay phương án cho NLĐ tạm nghỉ tất cả các ngày thứ bảy trong tháng...
* Nhiều hỗ trợ thiết thực
Ngay từ ngày đầu tháng 3, nhận thấy những thiệt hại trước mắt mà các DN đang gặp phải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Người lao động Công ty TNHH CiBao Việt Nam (Khu công nghiệp Suối Tre, TP. Long Khánh) tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng liên tiếp ban hành những chính sách nhằm đồng hành với DN để vượt qua cơn bão dịch bệnh. Trong đó, có thể kể đến một số chính sách như: tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ. Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất). Thời gian tạm dừng đóng BHXH trước mắt là từ khi DN đề nghị đến hết tháng 6-2020.
Hay chính sách lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn.Theo đó, các DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 sẽ được lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30-6. Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và DN còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31-12.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu kiêm Chủ tịch CĐCS Công ty CP Johnson Wood (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Bên cạnh tinh thần đoàn kết, sự động viên, sẻ chia lẫn nhau giữa DN và NLĐ, Công đoàn thì sự quan tâm, hỗ trợ bằng những chính sách thiết thực, ý nghĩa, kịp thời của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã tiếp thêm sức mạnh, tạo thêm động lực rất lớn cho các DN nói chung, trong đó có Công ty CP Johnson Wood an tâm, tin tưởng, vượt qua khó khăn”.
Hồ Thảo