Báo Đồng Nai điện tử
En

Lựa chọn và đánh giá đúng cán bộ

05:03, 28/03/2020

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Người chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém".

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ Đài PT-TH Đồng Nai lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hồ Thảo
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ Đài PT-TH Đồng Nai lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hồ Thảo

* Phải hết sức thận trọng

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến việc lựa chọn cán bộ, luôn có chính sách đặc biệt để thu hút người tài đức tham gia xây dựng và kiến thiết đất nước. Người luôn căn dặn: “Phải trọng dụng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung”; “Phải biết tùy tài mà dùng người, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng việc”. Quan điểm thấu suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lựa chọn cán bộ là phải chọn được những người thực sự có tài năng, làm được việc, lấy thước đo là tinh thần vì dân, vì nước. Những lời dạy của Người về sử dụng cán bộ là định hướng quan trọng cho công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp hiện nay.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác lựa chọn và đánh giá cán bộ sẽ tạo thêm sức mạnh nhận thức và quyết tâm trong việc đổi mới công tác cán bộ nói riêng cũng như trong việc đổi mới công tác nhân sự đại hội nói riêng. Để từ đó, góp phần xây dựng thành công đội ngũ cấp ủy các cấp đủ đức, xứng tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Công tác nhân sự đại hội Đảng là việc rất hệ trọng, có nhiệm vụ lựa chọn đội ngũ cấp ủy là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, đứng ra gánh vác trên vai việc Đảng, việc nước, việc dân. Vì vậy, yêu cầu của công tác nhân sự là phải lựa chọn được những cán bộ thực sự tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.

Muốn lựa chọn cán bộ thật sự có đức, có tài thì công tác nhân sự đại hội phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, minh bạch, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân. Trước khi lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy, các tổ chức Đảng phải tiến hành công tác đánh giá cán bộ. Yêu cầu của việc đánh giá cán bộ là phải chặt chẽ và thực chất, trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể, sản phẩm cụ thể. Kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ là căn cứ để lựa chọn, giới thiệu nhân sự bầu vào cấp ủy.

* Đánh giá đúng để sử dụng đúng

Tuy nhiên, cho đến nay, đánh giá cán bộ vẫn là một trong những khâu yếu nhất trong quy trình công tác cán bộ của Đảng, thể hiện ở việc đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, có trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Vì vậy, khi đánh giá cán bộ dự kiến giới thiệu tham gia cấp ủy, nhất thiết phải làm rõ được những ưu điểm, khuyết điểm về phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác và cả triển vọng phát triển của cán bộ trong tương lai. Phải đánh giá đúng cán bộ thì mới có thể sử dụng cán bộ một cách đúng đắn được.

Về vấn đề này, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chỉ dạy: “Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực; có hiểu biết cán bộ mới có thể bố trí, sắp xếp cán bộ đúng chỗ, đúng việc”. Người luôn yêu cầu phải thực sự dân chủ, khách quan, toàn diện khi đánh giá cán bộ, theo Người: “Xem xét cán bộ, không chỉ xét ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ, chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ, phải biết ưu điểm của họ mà cũng phải biết khuyết điểm của họ”.

Đánh giá cán bộ là công việc hệ trọng, liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ vì vậy khi đánh giá cán bộ phải xem xét cả quá trình rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, không nên chỉ xem công việc của họ ở hiện tại, mà phải xem cả công việc của họ trong quá khứ và triển vọng phát triển trong tương lai. Người cũng thường xuyên phê phán cách đánh giá thiên vị, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, như: “Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu”.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách lựa chọn và đánh giá cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa sâu sắc, là kim chỉ nam cho công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

TS Vũ Thị Nghĩa

Trường Chính trị tỉnh

Tin xem nhiều