Báo Đồng Nai điện tử
En

"Phát súng lệnh" của phong trào Đồng khởi ở Nam bộ

10:01, 20/01/2020

Cách đây 60 năm, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 26-1-1960, lực lượng vũ trang (LLVT) miền Đông Nam bộ đã mở cuộc tiến công và giành thắng lợi tại Căn cứ Tua Hai (tháp canh cũ của Quân đội Pháp, thuộc Trảng Sụp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), nơi đồn trú của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn, diệt 76 tên địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu hàng ngàn vũ khí các loại.

Cách đây 60 năm, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 26-1-1960, lực lượng vũ trang (LLVT) miền Đông Nam bộ đã mở cuộc tiến công và giành thắng lợi tại Căn cứ Tua Hai (tháp canh cũ của Quân đội Pháp, thuộc Trảng Sụp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), nơi đồn trú của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn, diệt 76 tên địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên, thu hàng ngàn vũ khí các loại.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và lão thành cách mạng tham quan di tích lịch sử Nhà Xanh nhân kỷ niệm 60 năm trận đánh Mỹ đầu tiên của quân dân miền Nam (7-7-2019). Ảnh: N.Trinh
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và lão thành cách mạng tham quan di tích lịch sử Nhà Xanh nhân kỷ niệm 60 năm trận đánh Mỹ đầu tiên của quân dân miền Nam (7-7-2019). Ảnh: N.Trinh

Chiến thắng Tua Hai là trận tấn công quân sự lớn nhất tại chiến trường Nam bộ kể từ sau Hiệp định Genève. Chiến thắng Tua Hai đã trở thành “phát pháo lệnh” mở đầu cao trào Đồng khởi ở Tây Ninh và cả Nam bộ, góp phần tạo ra bước ngoặt chiến lược và báo hiệu những trận thắng lớn của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

* Chủ động, sáng tạo

Theo các tài liệu lịch sử, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam bộ, rạng sáng 26-1-1960, Ban Quân sự miền Đông đã sử dụng các đại đội bộ binh 59, 60 và 70, đại đội đặc công 80 của chủ lực miền Đông và 3 tiểu đội vũ trang tỉnh Tây Ninh tổ chức tập kích vào căn cứ địch ở Tua Hai. Sau hơn 20 phút chiến đấu, các đơn vị tham gia trận đánh đã chiếm lĩnh và làm chủ Căn cứ Tua Hai hoàn toàn trong vòng 3 giờ sau đó, diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí…

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam giải thích thế “2 chân” là đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang; “3 mũi” là chính trị, quân sự và binh vận, đặc biệt là công tác binh vận. Bởi trong trận Tua Hai, chính trị, quân sự thể hiện rõ nhưng binh vận rất hiệu quả vì hoạt động nội tuyến của ta trong chiến thắng Tua Hai đã cung cấp cho cách mạng nhiều nguồn thông tin quý giá nên khi cuộc chiến đấu diễn ra, ta nhanh chóng làm chủ trận địa, nhiều binh lính người Việt trong hàng ngũ địch đã buông vũ khí đầu hàng về với cách mạng…

Ông Lê Văn Thành, một nhân chứng tham gia vận chuyển vũ khi trong trận đánh Tua Hai kể lại, lúc đó bọn địch tại căn cứ đều hoang mang vì bị đánh bất ngờ. Tất cả các điểm chốt của chúng trong đồn Tua Hai đều được ta nắm vững nên nhanh chóng giành thắng lợi. “Chiến thắng Tua Hai thực sự mang ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần củng cố niềm tin và cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân, dân miền Nam, đồng thời giáng một đòn bất ngờ vào chính sách thực dân mới của Mỹ, khiến chính quyền Sài Gòn hoang mang, lo sợ” - ông Thành khẳng định.

Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào Đồng khởi những năm 1959-1960, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thông qua Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về nhiệm vụ đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà cho toàn Đảng và toàn dân mà còn là cơ sở để Đảng ta phát triển và hoàn thiện đường lối, phương thức, nghệ thuật đấu tranh cách mạng “2 chân, 3 mũi”, trong đó đấu tranh vũ trang ngày càng chiếm vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

* Đến phong trào cách mạng ở Biên Hòa

Vào giữa năm 1959, khi Nghị quyết 15 chưa chính thức phổ biến trong các cấp bộ Đảng miền Nam thì Liên Tỉnh ủy, Ban Quân sự miền Đông, Tỉnh ủy Biên Hòa đã chủ động bàn kế hoạch tổ chức đánh một đòn phủ đầu vào các cơ quan đầu não của Mỹ - Diệm mà mục tiêu được chọn là phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) đóng tại Nhà máy cưa BIF TX.Biên Hòa vào ngày 7-7-1959 (Khu di tích lịch sử Nhà Xanh thuộc khuôn viên  Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai hiện nay). Kết quả, ta đã diệt 2 tên cố vấn Mỹ, bắn bị thương 1 tên khác, ta hy sinh 1 đồng chí. Đây là trận đánh Mỹ đầu tiên của quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Sau thắng lợi này, Xứ ủy đề ra cho Nam bộ phải nhanh chóng phát triển LLVT làm nòng cốt cho toàn dân đồng loạt khởi nghĩa. Tiếp đó, Liên Tỉnh ủy miền Đông trực tiếp về các tỉnh triệu tập hội nghị Tỉnh ủy mở rộng nhằm triển khai kế hoạch nổi dậy khởi nghĩa vũ trang ở các địa phương…

Sau thắng lợi của chiến thắng Tua Hai, vào đầu tháng 2-1960, tại rừng Thái Hòa (Tân Uyên, Bình Dương), Tỉnh ủy Biên Hòa đã họp hội nghị mở rộng để triển khai Nghị quyết XV và nghị quyết của Xứ ủy Nam bộ. Trong đó, hội nghị đã nhất trí cao chủ trương xây dựng, phát triển LLVT, sử dụng LLVT kết hợp đấu tranh chính trị, hoạt động vũ trang hỗ trợ quần chúng nổi dậy khởi nghĩa.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo Chiến thắng Tua Hai - mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam bộ thu hút hơn 70 tham luận, nhiều ý kiến làm rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến thắng Tua Hai - “phát pháo lệnh” của cao trào Đồng khởi Nam bộ. Trong đó, nhiều tham luận bàn về nghệ thuật quân sự Việt Nam “lấy ít địch nhiều”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo cho rằng, chiến thắng Tua Hai đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là sự kế thừa và phát huy sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc là chọn mục tiêu, nắm bắt thời cơ, bí mật, bất ngờ tiến công địch, nghệ thuật “lấy ít, địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”…

Từ thực tế tình hình, Tỉnh ủy Biên Hòa đã chỉ đạo, trong lúc địch đang bị căng kéo đối phó ở nhiều nơi, cần sử dụng ngay LLVT của tỉnh tiến hành đợt vũ trang tuyên truyền, trọng điểm là các xã vùng Chiến khu Đ thuộc huyện Tân Uyên. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị lực lượng mở rộng phạm vi hoạt động xuống các vùng giáp ranh huyện Vĩnh Cửu, bắt liên lạc với các đồng chí ở huyện Long Thành.

Đến đầu tháng 3-1960, với sự hỗ trợ của bộ đội tỉnh, nhân dân các xã Thường Lang, Tân Tịch, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc (Tân Uyên) do đồng chí Ba Tình - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo đã đồng loạt nổi dậy, đốt phá trụ sở chính quyền địch, diệt bọn ác ôn nên chỉ một thời gian ngắn, ta giành quyền làm chủ ở một vùng rộng lớn.

Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sử học Đồng Nai cho hay, phát huy thắng lợi này, LLVT tỉnh chia làm hai mũi tiến xuống vùng giáp ranh hỗ trợ, phát động quần chúng đấu tranh. Trong đó, mũi phía Bắc sông Đồng Nai cặp đường số 16, tiếp cận TX.Biên Hòa, Tân Hiệp, Hóa An, Tân Hạnh…; mũi phía Nam sông Đồng Nai cặp đường số 24 và Sân bay Biên Hòa (khu vực Đại An, Thiện Tân, Bình Hòa, Bình Ý, huyện Vĩnh Cửu). Mở đầu ta đã diệt tên Phiên - ác ôn xã Bình Trị, tên Báo - mật thám địch ở Tân Hiệp, gây rúng động bọn tề ngụy ác ôn quanh vùng.

Cũng theo ông Toại, tại địa bàn huyện Long Thành sau khi được phổ biến Nghị quyết Trung ương 15 và Nghị quyết của Tỉnh ủy Biên Hòa, nhất là kết quả vang dội của chiến thắng Tua Hai, Huyện ủy Long Thành chỉ đạo gấp rút xây dựng LLVT huyện và du kích các xã làm nòng cốt cho phong trào khởi nghĩa vũ trang. Ngay sau đó, đơn vị 19/1 (bộ đội địa phương huyện) được thành lập, số vũ khí được chôn giấu từ năm 1954 tại các khu vực cánh đồng Bàu Bùng, kênh Ngọn Bát, Cá Tràm, rạch Bàu Cỏ được bí mật đào lên để trang bị cho bộ đội và du kích…

“Đến giữa tháng 8-1960, LLVT huyện Long Thành kết hợp với du kích xã Phước An tổ chức tiêu diệt tên Mười H (đại úy an ninh Nha Đặc cảnh miền Đông). Một tuần sau, du kích xã Phú Hội tiếp tục diệt tên Lưu, một chỉ điểm nguy hiểm ven đường số 17… Những trận diệt ác mở màn thắng lợi đã tác động đến phong trào cách mạng trong toàn huyện, tạo khí thế sôi sục khắp nơi… đều do tác động mạnh từ Chiến thắng Tua Hai” - ông Toại nhấn mạnh.

Như vậy, từ sau Hiệp định Gienève đến cuối năm 1960, đặc biệt sau chiến thắng Tua Hai, Đảng bộ, quân và dân Đồng Nai đã cùng toàn miền trải qua một thời kỳ đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Từ trong máu lửa của đấu tranh, LLVT tỉnh Biên Hòa (gồm bộ đội địa phương, du kích và tự vệ mật) được hình thành và phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy luật vận động của cuộc đấu tranh cách mạng ở Biên Hòa, cùng với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân giành nhiều thắng lợi trong phong trào Đồng khởi năm 1960.

Nguyệt Trinh

Tin xem nhiều