Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng: Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc như 'anh em trong một nhà'

09:11, 25/11/2019

Trả lời báo chí nhân dự hội nghị ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Tôi rất đồng tình với nhận định của Ngài Tổng thống cho rằng quan hệ giữa hai nước như "anh em trong một nhà."

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối ngoại ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn báo chí Hàn Quốc.

Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quân sự Gimhae, thành phố Busan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quân sự Gimhae, thành phố Busan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Thủ tướng đánh giá tổng quan về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc hiện nay và phương hướng phát triển trong thời gian tới? Những ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác với Hàn Quốc và cần làm những gì để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 22/12/1992), quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển đạt được nhiều thành quả to lớn, thực chất với những con số ấn tượng về hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực.

Trải qua gần 30 năm, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng với hai lần nâng cấp từ quan hệ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” (năm 2002) lên quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” (vào năm 2009).

Việc trao đổi thường xuyên các đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, đã cho thấy sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố.

Việt Nam coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên các lĩnh vực. Ngược lại, Hàn Quốc cũng đặt Việt Nam là đối tác trọng điểm trong chính sách Hướng Nam mới của mình.

Trên tinh thần đó, để đáp lại chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Ngài Tổng thống Moon Jae-in tháng 3/2018, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo hai nước tiếp tục trao đổi về phương hướng và các biện pháp phát triển nâng tầm quan hệ hai nước thời gian tới.

Hợp tác kinh tế là một trụ cột chính trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc.

Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức, thứ 3 về hợp tác thương mại, du lịch với Việt Nam.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại thứ tư của Hàn Quốc với kim ngạch 2019 ước đạt 67 tỷ USD (chiếm 40% tổng kim ngạch ASEAN-Hàn Quốc).

Trong chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng thống Hàn Quốc, hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại phát triển cân bằng, bền vững với quyết tâm chung vai sát cánh đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2022.

Giao lưu nhân dân và hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch… giữa hai nước cũng phát triển hết sức mạnh mẽ.

Trên tinh thần hướng tới tương lai và tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển vững chắc của quan hệ hai nước, Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy mở rộng và làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc trên các lĩnh vực, triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước; đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lên tầm cao mới theo tinh thần của Tuyên bố chung vào tháng 3/2018.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, hai nước cần tiếp tục chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tăng cường trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong đó có các diễn đàn Liên hợp quốc, ASEAN-Hàn Quốc, Hợp tác Mekong-Hàn Quốc, để giải quyết tốt các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải của khu vực cũng như trên thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.

Với quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên, tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới; vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.

- Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ hai vào Việt Nam, xin Thủ tướng đánh giá về tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi khẳng định rằng tiềm năng hợp tác của hai nước Việt Nam-Hàn Quốc là rất lớn và toàn diện trên các lĩnh vực.

Hàn Quốc hiện là nước phát triển với năng lực mạnh mẽ về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm phát triển phong phú, đang tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đang cần một thị trường trẻ, rộng lớn để tiếp tục đà phát triển.

Việt Nam là quốc gia đang cải cách, phát triển năng động, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam là một điểm đến thích hợp với cơ cấu dân số vàng với gần 100 triệu người, gần 70% đang ở độ tuổi 15-64, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD; được các tổ chức đánh giá tín dụng uy tín của quốc tế đánh giá tích cực.

Việt Nam hiện cũng là thành viên của nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện hơn.

Ngoài ra, giữa hai nước cũng có những nhân tố đặc trưng, góp phần đưa quan hệ hai nước trở nên gần gũi và thân thiết, tạo thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác đầu tư.

 Các gian hàng ẩm thực truyền thống Hàn Quốc thu hút đông đảo người dân và du khách. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Các gian hàng ẩm thực truyền thống Hàn Quốc thu hút đông đảo người dân và du khách. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hai bên đã thiết lập các cơ chế đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác năng lượng, công nghiệp, thương mại để có thể trao đổi cụ thể, chuyên sâu, trực tiếp giải quyết các vấn đề về kinh tế song phương.

Mặt khác, văn hóa giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng, hiểu biết sâu về phong tục, tập quán của nhau, cộng đồng dân cư của nước này tại nước kia đông đảo; giao thông đi lại giữa hai nước ngày càng thuận lợi với khoảng 1.000 chuyến máy bay/tháng; các cảng biển của Việt Nam nằm trên tuyến đường vận tải dầu và các nguồn tài nguyên khác của Hàn Quốc.

Việc Hàn Quốc hiện giữ vị trí số một trong các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn minh chứng rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc nhìn thấy những tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Hiện nay, 58% doanh thu smartphone trên toàn cầu của Samsung là đến từ hợp tác sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử, năng lượng, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, khu công nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới tăng trưởng tương lai; hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hàn Quốc.

Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư công nghệ cao, thân thiện với môi trường, chú trọng chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp và là “một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp,” Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.

- Xin Thủ tướng cho biết hai bên cần làm gì để đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là hiện ngày càng có đông sinh viên Việt Nam học tập tại Hàn Quốc?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lấy người dân là chủ thể trong phát triển đất nước và quan hệ giữa hai nước, Việt Nam luôn coi giao lưu nhân dân là trụ cột, nền tảng vững chắc để phát triển quan hệ song phương với Hàn Quốc.

Vào thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao gần 30 năm trước đây, khó có thể hình dung được mức độ gắn bó, gần gũi giữa nhân dân hai nước như hiện nay với khoảng 4 triệu lượt người qua lại trong một năm và trên 1.000 chuyến bay hàng tháng giữa hai nước, khoảng 200.000 công dân mỗi nước đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ của nhau, bao gồm cả khoảng 65.000 gia đình đa văn hóa Việt-Hàn.

Đặc biệt từ đầu thế kỷ XIII, hậu duệ Nhà Lý Việt Nam đã đến và đang sinh sống trên đất nước của các bạn.

Thành công của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo đã truyền cảm hứng rất lớn đến người dân hai nước, góp phần vun đắp cho mối quan hệ bền chặt Việt Nam-Hàn Quốc.

Tôi rất đồng tình với nhận định của Ngài Tổng thống cho rằng quan hệ giữa hai nước đang ở mức rất tốt trên tất cả các lĩnh vực và như "anh em trong một nhà."

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để tạo thuận lợi cho giao lưu nhân dân hai nước. Chúng tôi đánh giá cao các biện pháp tích cực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam.

Mong rằng thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tích cực hơn nữa nhằm đóng góp vào sự phát triển của giao lưu nhân dân, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi về cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam.

Hàn Quốc là nước có trình độ phát triển tiên tiến, văn hóa Hàn Quốc có sức lan tỏa, nhiều nét tương đồng với văn hóa của người Việt Nam, do đó ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam sang học tập và làm việc tại Hàn Quốc.

Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc, là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước trong tương lai.

Hy vọng rằng Hàn Quốc sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các sinh viên, lưu học sinh Việt Nam học tập nghiên cứu, thực tập tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến và tại các tập đoàn hàng đầu, để những người trẻ Việt Nam có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, có cơ hội phát huy thế mạnh, năng lực của bản thân, đóng góp cho phát triển chung của hai nước.

Hợp tác của doanh nghiệp và giao lưu của người dân chính là kết nối bền chặt cho quan hệ hai nước vươn lên tầm cao mới.

- Thủ tướng đánh giá như thế nào về quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc trong 30 năm qua?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi vui mừng với những thành tựu đạt được trong quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc gần 30 năm qua. Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau đã giúp hai bên tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.

Quan hệ ASEAN-Hàn Quốc được xây dựng trên nền tảng hợp tác lâu dài, đặc biệt kể từ năm 2010, khi hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.

 Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc chụp ảnh chung. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc chụp ảnh chung. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Hiện nay, ASEAN và Hàn Quốc hợp tác toàn diện cả về chính trị-an ninh, kết nối kinh tế và giao lưu nhân dân. Từ năm 2014, hai bên đã triển khai Tuyên bố chung “Tầm nhìn tương lai của Quan hệ Đối tác Chiến lược: Xây dựng niềm tin, Tạo dựng hạnh phúc”.

ASEAN và Hàn Quốc có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

ASEAN và Hàn Quốc chia sẻ lập trường về các vấn đề mang tính nguyên tắc như giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hàn Quốc là đối tác quan trọng của ASEAN, tham gia tích cực các diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt như EAS, ARF, ASEAN+3.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Hàn Quốc cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 10,3 tỷ USD (năm 1990) lên 160 tỷ USD năm 2018. Trong tương lai, nhiệm vụ của ASEAN và Hàn Quốc là nâng các chỉ số này cho xứng tầm với tiềm năng to lớn của hai bên.

ASEAN và Hàn Quốc đều đang nỗ lực triển khai Kế hoạch hành động 2016-2020 với nhiều hoạt động và dự án đạt hơn 88% các lĩnh vực hợp tác đã đề xuất.

ASEAN nhận được sự hỗ trợ tích cực của Hàn Quốc trong xây dựng Cộng đồng, đặc biệt là sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố chính sách “Hướng Nam mới” và sáng kiến 3P, đó là Con người, Hòa bình và Thịnh vượng.

Hy vọng rằng những thành quả hợp tác tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc sẽ là nền tảng vững chắc để hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, hướng tới các mục tiêu chung được phản ánh trong Tầm nhìn ASEAN 2025.

- Xin Thủ tướng cho biết những trọng tâm và mục tiêu của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020? Với vai trò này, Việt Nam có những dự định gì để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hàn Quốc và hợp tác giải quyết các vấn đề ở khu vực, bao gồm vấn đề Bán đảo Triều Tiên?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” làm chủ đề năm ASEAN 2020.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với chủ đề đó, trọng tâm của ASEAN là đoàn kết, tạo dựng sức mạnh tổng hợp, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung trong ASEAN nhằm ứng phó một cách chủ động trước những thách thức của môi trường bên ngoài và trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế.

Một trong những ưu tiên trong năm 2020 là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó tăng cường liên kết kinh tế nội khối và với các đối tác.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên ASEAN đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân…

Việt Nam cũng hướng tới nâng tầm quan hệ giữa ASEAN và các nước Đối tác trong đó có Hàn Quốc, xây dựng Tầm nhìn của một số cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

An ninh khu vực và quốc tế là một nội dung quan trọng trong quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, trong đó các nước đều nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác của khu vực và quốc tế.

Lập trường nhất quán của ASEAN và của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên duy trì đà đối thoại, thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã đạt được, hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình, lâu dài, bền vững trên bán đảo Triều Tiên.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói và đóng góp tích cực cho việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới, trong đó có bán đảo Triều Tiên.

Đồng thời, Việt Nam cùng các nước ASEAN đề nghị Hàn Quốc hợp tác gìn giữ hòa bình, thượng tôn luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng mà nhiều hàng hóa thương mại Hàn Quốc lưu chuyển qua nơi đây.

Trong bức tranh tổng thể quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, chúng ta vui mừng nhận thấy việc quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực cũng chính là một nhân tố thuận lợi, đóng góp tích cực cho việc củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc.

Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ Hàn Quốc trong thời gian đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

 

 

 

Tin xem nhiều