Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy trật tự pháp lý, duy trì hòa bình, hợp tác trên Biển Đông

10:11, 07/11/2019

Chiều 7-11, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề: "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực" đã chính thức khép lại với nhiều kết quả được ghi nhận.

Chiều 7-11, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề: “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” đã chính thức khép lại với nhiều kết quả được ghi nhận.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. (Nguồn: baoquocte.vn)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. (Nguồn: baoquocte.vn)

 

Sau hai ngày thảo luận tích cực và sôi nổi, chiều 7-11, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề: “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức, đã chính thức khép lại với nhiều kết quả được ghi nhận.

Phát biểu bế mạc hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều ý kiến về trật tự dựa trên luật lệ. Đây là chủ đề phù hợp, chính đáng.

Các chuyên gia, học giả cũng đề cập nhiều đến Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), các thỏa thuận, hiệp ước song phương và đa phương khác; nhấn mạnh tầm quan trọng của những thỏa thuận, hiệp ước đó làm cơ sở để xây dựng trật tự dựa trên luật lệ ngày nay.

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí, chủ nghĩa đa phương vẫn còn tiếp tục tồn tại dù đang phải đối mặt với một số thách thức. Các quốc gia cũng cần đến chủ nghĩa đa phương để tìm ra các giải pháp cho vấn đề Biển Đông và thống nhất rằng, nếu UNCLOS 1982 không được tuân thủ hoặc những cơ chế hiện có không được sử dụng một cách đầy đủ thì sẽ dẫn tới tình hình ngày càng phức tạp như hiện trạng Biển Đông.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng chứng kiến tình trạng môi trường thiên nhiên ngày càng bị tàn phá và những hành động của các bên có tuyên bố chủ quyền với các bên liên quan và các quốc gia và khu vực khác như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu. Trong đó, tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền và các bên liên quan đều mong mình sẽ là một phần của giải pháp thay vì là một phần của vấn đề.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, các chuyên gia, học giả nhận định, tranh chấp ở Biển Đông đã được quốc tế hóa rất nhiều và bị vướng vào vấn đề cạnh tranh nước lớn. UNCLOS 1982 vẫn là nền tảng cho tất cả các giải pháp có thể có trong tương lai ở Biển Đông.

Từ đó, các chuyên gia, học giả thống nhất, các quốc gia phải tuân thủ UNCLOS 1982 và gắn với nó là vai trò trung tâm của ASEAN. Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng khẳng định, việc tuân thủ UNCLOS 1982 và ủng hộ cho vai trò trung tâm của ASEAN sẽ là cơ sở nền tảng cho các lựa chọn chính sách của Việt Nam.

Với sự tham dự của 280 đại biểu, trong đó có 87 học giả quốc tế, 68 đại diện đến từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao) đánh giá: Nội dung các chuyên gia, học giả đóng góp tại Hội thảo rất thực chất và có nhiều nét mới.

Đặc biệt, trong không khí kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có hiệu lực, các đại biểu đã tập trung vào khía cạnh làm thế nào xây dựng được môi trường thượng tôn pháp luật trong khu vực và trên trường quốc tế; nâng cao hiệu quả của luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982; để UNCLOS 1982 thực sự là một công ước phản ánh hiến chương về đại dương và góp phần thúc đẩy trật tự pháp lý, duy trì hòa bình, hợp tác trên biển./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều