Trong 20 năm triển khai Chương trình Người tốt - việc tốt, từ cấp xã, phường, thị trấn đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phát hiện, biểu dương trên 35 ngàn tấm gương tiêu biểu, xuất sắc.
Thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, trong 20 năm triển khai Chương trình Người tốt - việc tốt, từ cấp xã, phường, thị trấn đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phát hiện, biểu dương trên 35 ngàn tấm gương tiêu biểu, xuất sắc.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bảo trao bằng khen của UBND tỉnh cho chị Thái Thị Hằng Nga (ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán). Ảnh: V.Truyên |
[links()]Những việc làm tốt ngày càng được nhân rộng, lan tỏa tạo nên khí thế thi đua sôi nổi ở khắp mọi cấp, ngành, lĩnh vực, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo... Qua đó, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội, bồi đắp nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ biết sống đẹp, sống có hoài bão, có lý tưởng, trách nhiệm, nhân ái, nghĩa tình.
* Lan tỏa giá trị sống tích cực
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019, Chương trình 7 Người tốt - việc tốt do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách tiếp tục phát hiện được nhiều tấm gương đáng trân trọng. 16 ban chủ nhiệm Chương trình Người tốt - việc tốt của các huyện, thành phố, các Đảng ủy trực thuộc đã phát hiện, bình chọn 810 tấm gương người tốt - việc tốt, trong đó có 43 cá nhân, 1 tập thể được UBND tỉnh tặng bằng khen và 102 cá nhân được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen.
Họ là những bông hoa tiêu biểu đại diện cho nhiều ngành, giới, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, từ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng đến công nhân, nông dân, trí thức, chủ doanh nghiệp, bộ đội, công an, cựu chiến binh, chức sắc các tôn giáo, thương binh, người dân tộc thiểu số, học sinh... Tuy mỗi người có mỗi hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng điểm chung của họ là đều có tấm lòng nhân hậu, luôn hướng đến những việc thiện lành.
Tiêu biểu như chị Thái Thị Hằng Nga (ngụ ấp 7, xã Gia Canh, huyện Định Quán). Năm 2013, khi đang là giáo viên mầm non tại TP.Biên Hòa, chị Nga bị viêm đa khớp dạng thấp, tay chân co rút, không thể đi lại được. Chị nghỉ dạy học về nhà tại huyện Định Quán. Thời gian đầu bị bệnh, người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn này vô cùng buồn chán, cảm thấy bất lực và nhiều lần nghĩ đến cái chết. Biết hoàn cảnh của chị, nhiều bạn bè, mạnh thường quân đã đến tặng quà, động viên, giúp đỡ để chị đi chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Nhờ được chữa trị đúng cách, sức khỏe của chị Nga dần cải thiện. Do không thể đi lại nhiều, những lúc rảnh rỗi, ở nhà chị Nga lên mạng xã hội, thấy có nhiều hoàn cảnh còn đáng thương hơn mình, chị quyết tâm sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ họ, như để trả ơn những gì mình được giúp đỡ.
Những người đầu tiên được chị Nga giúp đỡ là các em bé bị não úng thủy ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Chị Nga nhờ bạn bè quen qua Facebook ở những tỉnh này đến tận nơi các em ở để tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó viết bài trên trang cá nhân, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ. Biết sức của riêng mình có hạn, chị Nga tập hợp sức mạnh của nhiều nhóm thiện nguyện, cùng chia sẻ, kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân để đưa các bé sang Singapore chữa trị.
Các tấm gương điển hình Người tốt – việc tốt cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Phan Dẫu |
Không chỉ giúp đỡ nhiều người bị bệnh nặng có tiền chữa trị, chị Nga còn vận động được gần 250 triệu đồng để xây dựng 4 căn nhà tình thương cho những gia đình nghèo, khó khăn trong tỉnh. Từ tháng 3-2019, chị Nga khởi xướng chương trình học bổng Cùng em đến trường để giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong xã Gia Canh. Đến nay, đã có 7 học sinh được tặng học bổng với tổng số tiền 50 triệu đồng và 2 chiếc xe đạp. Vào các dịp lễ, tết, chị Nga vận động mạnh thường quân tặng trên 400 phần quà cho người nghèo để họ có điều kiện vui xuân.
Chia sẻ về những việc làm của mình, người phụ nữ khuyết tật Thái Thị Hằng Nga bộc bạch: “Mỗi ngày, tôi luôn tự nhìn xuống để thấy mình còn may mắn, hạnh phúc hơn bao nhiêu người khác để nỗ lực sống tốt, làm việc tốt, truyền đi thông điệp biết vượt qua số phận, vượt lên chính mình”.
* Xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn
Trong số những tấm gương người tốt - việc tốt được tuyên dương, có anh Lâm Thanh Phong (27 tuổi, Tiểu đội trưởng dân quân thường trực phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) - người đã xả thân cùng đồng đội cứu 4 người trong xe ô tô bị nước lũ cuốn trôi thoát chết đêm
8-9-2019.
Anh Phong kể, tối hôm đó trời mưa rất to, nước dâng lên nhanh, nhận chỉ đạo của lãnh đạo phường, lực lượng dân quân thường trực đã tiến hành di dời người dân khỏi nơi nước lũ trên địa bàn phường. Khi đến đoạn cầu Kim Bích (giáp ranh giữa phường Hố Nai và phường Trảng Dài), được người dân báo có một xe ô tô vừa bị nước lũ cuốn trôi xuống suối đang chảy xiết, không một phút chần chừ, anh Phong lao người xuống dòng suối bơi theo chiếc xe ô tô. Lúc này, 1 người trong xe đã bung được cửa sau thoát ra ngoài và bám vào bụi tre giữa dòng nước. Nhận thấy 1 người an toàn, anh Phong tiếp tục lao theo chiếc xe ô tô lúc này đang chìm dần xuống nước, mở cửa xe để cứu 3 người còn lại trong xe.
Do dòng nước chảy quá xiết và nước lũ lên nhanh, anh Phong bị trôi khoảng 50m giữa dòng nước thì may mắn bám được vào một bụi tre. Lúc này, đồng đội của anh theo kịp đến khu vực anh Phong và 3 người bị lũ cuốn trôi đang bám vào bụi cây giữa dòng nước, quăng áo phao để cứu họ lên bờ.
Nhớ lại khoảnh khắc sinh tử và hành động xả thân cứu người đêm mưa lũ hôm đó, Thanh Phong nói: “Khi khoác lên mình bộ quần áo của lực lượng dân quân thường trực, nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì thế, bản thân tôi và đồng đội của mình không thể thấy chết mà không cứu. Và tôi tin rằng nếu những người khác trong trường hợp chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”.
Không trực tiếp cứu người trong gang tấc, nhưng em Lê Quang Trí (lớp 12A7 Trường THPT Long Khánh, một trong 4 học sinh được tuyên dương lần này) lại đã, đang và sẽ hướng đến những người yếu thế trong xã hội để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn.
Với đam mê nghiên cứu khoa học, Trí mày mò chế tạo nên nhiều thiết bị, máy móc để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thường nhật. Năm 2018, trong một lần vào tòa nhà cao tầng thấy người khiếm thị di chuyển rất khó khăn khi không có người khác hỗ trợ, Trí đã về nhà lên mạng tìm hiểu, đọc sách báo, nghiên cứu và thực hiện mô hình ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các tòa nhà. Sau khi hoàn thành mô hình, Trí đã mang tới Hội Người mù TP.Long Khánh để được thử nghiệm và đạt được kết quả tích cực. Giải pháp này cũng giúp Trí xuất sắc đoạt giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia năm 2019, được đánh giá cao bởi tính nhân văn mà đề tài mang lại.
Ngoài 3 tấm gương tiêu biểu kể trên, còn phải kể đến gương sáng của ông Phan Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thế Linh (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) đã hỗ trợ trên 300 triệu đồng để tham gia các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương; gương công nhân Đặng Xuân Mạnh (Tổng công ty cao su Đồng Nai) với nhiều sáng kiến, giải pháp năng cao chất lượng làm việc, hạn chế thất thoát, nâng cao sản lượng mủ, làm lợi cho doanh nghiệp và nâng cao đời sống cho công nhân lao động; gương học sinh Đoàn Yên Nhật Vũ, Trường THCS An Bình (huyện Long Thành) tích cực tham gia hoạt động Đội và các hoạt động thiện nguyện giúp trẻ em nghèo đến trường; gương nhiều nông dân các địa phương tự nguyện hiến đất xây trường học, mở đường giao thông nông thôn, góp công, góp của vào công cuộc xây dựng nông thôn mới văn minh, sạch đẹp, nâng cao đời sống nhân dân...
* Nhân rộng điển hình, tạo dự cảm lạc quan
Đồng chí Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Chương trình 7 Người tốt - việc tốt của tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh cho biết, trong số 810 gương người tốt - việc tốt được tuyên dương ở các cấp năm nay có 290 người là cán bộ, đảng viên, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, chiếm 35,8%. Điều đó chứng tỏ rằng việc nêu gương tốt trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được thực hiện tốt trong cán bộ, đảng viên của tỉnh trong nhiều năm qua.
Người tốt - việc tốt trong lực lượng công nhân, nông dân trực tiếp sản xuất khá đông đảo với 275 tấm gương. Tiếp đến là lực lượng vũ trang (bộ đội, công an) với 80 gương; 38 cán bộ quản lý doanh nghiệp; 28 cán bộ ấp, khu phố; 13 gương chức sắc tôn giáo; 28 y bác sĩ, giáo viên; 35 cựu chiến binh; 23 người dân tộc thiểu số, học sinh. Những việc làm tốt của các tấm gương đều thật sự tiêu biểu, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, tích cực xây dựng xã hội, vì cuộc sống cộng đồng.
Đồng chí Phạm Tấn Linh cho hay, năm 2020 Chương trình 7 sẽ được triển khai sâu rộng từ cơ sở đến các huyện, thành phố, Đảng ủy khối trực thuộc. Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong phong trào Người tốt - việc tốt, đồng thời chú trọng khen thưởng đột xuất đối với những người có hành động dũng cảm, thành tích xuất sắc, tiêu biểu... nhằm cổ vũ động viên, tạo sự lan tỏa, nhân rộng trong toàn xã hội học tập; biên soạn và phát hành Kỷ yếu Gương sáng đời thường năm 2020 để phục vụ tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt - việc tốt.
Ngày 29-11, tại hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Chương trình 7 Người tốt - việc tốt tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình 7, tuyên dương Người tốt - việc tốt năm 2019 của tỉnh và phát động thi đua thực hiện Chương trình 7 Người tốt - việc tốt năm 2020. Đến dự có các đồng chí: Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tại hội nghị, Ban tổ chức đã tuyên dương, khen thưởng 146 cá nhân, tập thể là gương người tốt - việc tốt cấp tỉnh năm 2019. Trong đó, có 43 cá nhân và 1 tập thể được nhận bằng khen của UBND tỉnh, 102 cá nhân được nhận giấy khen của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. |
Hạnh Dung
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng:
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu
Tôi đánh giá rất cao hiệu quả mà Chương trình Người tốt - việc tốt mang lại cho cộng đồng và cho mỗi người dân trong tỉnh. Thông qua chương trình này, những gương người tốt - việc tốt trong xã hội sẽ ngày càng được lan tỏa, giúp xã hội ngày càng có nhiều người tốt - việc tốt hơn. Năm nay, tôi đặc biệt ấn tượng với tấm gương của chị Thái Thị Hằng Nga (huyện Định Quán). Đây là tấm gương đáng quý, là người khuyết tật nhưng chị Nga không đầu hàng số phận, vẫn vươn lên giúp đỡ nhiều người kém may mắn hơn mình; hay gương một em học sinh có nhiều ý tưởng sáng tạo để giúp đỡ người khiếm thị di chuyển dễ dàng hơn. Nếu xã hội có nhiều tấm gương như thế sẽ góp phần đẩy lùi những thói hư, tật xấu, giúp xã hội tươi sáng hơn.
Thượng tọa Thích Pháp Ngô, trụ trì Thiền viện Chơn Như (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ):
Sống tốt đời đẹp đạo
Là một người tu hành, ngoài làm tốt công tác Phật sự, bản thân tôi luôn chủ động đồng hành cùng chính quyền địa phương, người dân trong xây dựng quê hương, thực hiện an sinh xã hội. Năm 2019, tôi đã trực tiếp vận động và đóng góp 400m3 đất, đá để san lấp mặt bằng làm đường giao thông nông thôn ở địa phương. Dành tặng 125 triệu đồng để trao hàng trăm phần quà cho người nghèo, gia đình khó khăn. Ngoài ra, tôi còn đóng góp tu sửa nhà văn hóa ấp, hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình thương trị giá trên 90 triệu đồng. Được sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, chính quyền đối với những đóng góp trong thời gian qua là niềm động viên rất lớn đối với tôi. Qua đó, càng khuyến khích người tu hành như tôi tham gia đóng góp cho xã hội bằng những hành động có ích.
Ông Phạm Bá Thú (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom):
Tích cực vận động nhân dân đoàn kết xây dựng quê hương
Trong năm 2019, tôi đã tích cực vận động bà con trong ấp làm tốt công tác từ thiện xã hội, tham gia xây dựng quê hương với số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tuyên dương người tốt - việc tốt là niềm vui, vinh dự và là động lực để bản thân tôi tiếp tục cố gắng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Lộc Dung – Võ Tuyên (ghi)