Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

10:11, 26/11/2019

Chiều 26-11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn đoạn 1...

Chiều 26-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn đoạn 1 với 90,06% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 Ảnh: TTXVN
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: TTXVN

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, thảo luận tại tổ và hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.

* 90,06% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến băn khoăn về việc Quốc hội xem xét, thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; có ý kiến cho rằng nhiều nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi còn chưa được làm rõ, do đó, khó khăn cho việc Quốc hội xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi  dự án.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bảo đảm chất lượng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, trong đó, tiếp tục làm rõ các thông số của dự án như: tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính, công nghệ chính, quản lý, vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực và các cơ chế chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền (nếu có). Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm toàn diện về những nội dung thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Có ý kiến băn khoăn về tính chính xác của tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án vì nhiều hạng mục mới dừng ở mức tính toán sơ bộ, do vậy, đề nghị không nên đưa số liệu cụ thể của tổng mức đầu tư vào Nghị quyết của Quốc hội. Có ý kiến đề nghị cần xác định rõ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 không vượt quá tổng mức đầu tư đã xác định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành. Có ý kiến đề nghị tổng mức đầu tư phải bao gồm cả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Xây dựng.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng không ghi cụ thể số liệu tổng mức đầu tư trong dự thảo Nghị quyết mà giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) nhưng phải bảo đảm tổng mức đầu tư toàn dự án cả 3 giai đoạn không vượt quá tổng mức đầu tư quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết 94/2015/QH13.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về hàng không dân dụng, sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ Quốc hội đã đề ra, trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án vào năm 2025, nhất là lo ngại tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất thi công dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn khá chậm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lưu ý các vụ việc phát sinh khiếu nại thời gian qua thường xuất phát từ khâu áp giá bồi thường, do đó, cần thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, khi có sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi thì cần có thời gian để người dân xây dựng nhà ở, ổn định chỗ ở, xây dựng các công trình cơ sở tôn giáo làm nơi sinh hoạt trước khi bàn giao đất cho chính quyền. Do vậy, tiến độ bàn giao đất vào cuối năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án và bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội.

Sau khi nghe trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Quốc hội thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1  với 435/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 90,06% tổng số đại biểu Quốc hội.

* Một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết

Theo đó, Quốc hội thông qua một số nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 như: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nghị quyết quy định điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 hécta thành 570 hécta dành riêng cho quốc phòng và 480 hécta cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng. Việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Đồng thời, Nghị quyết xác định bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào dự án: tuyến số 1 nối với quốc lộ 51, tuyến số 2 nối với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Quốc hội cũng giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án Cảng HKQT Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25-6-2015 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành.

Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Giao thông - vận tải, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương xem xét, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Đồng thời, hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng kịp tiến độ thi công dự án, bảo đảm hoàn thành và đưa vào khai thác dự án theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 94/2015/QH13...

Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Quốc hội thông qua.

* Trong ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Lâm Viên (tổng hợp)

 

 

Tin xem nhiều