Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan kết thúc chuyến thăm Việt Nam

10:11, 15/11/2019

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin và Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Kazakhstan là mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Kazakhstan.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin và Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Kazakhstan là mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Kazakhstan.

Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin nói chuyện, giao lưu với sinh viên Trường Đại học Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin nói chuyện, giao lưu với sinh viên Trường Đại học Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tối 15-11, Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan do ngài Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan dẫn đầu đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 15-11.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm; dự thính phiên họp của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng; chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; thăm, giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Hà Nội; thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.

Nhân dịp này, Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan do Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ (đường Bắc Sơn); đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên cho rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin và Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Kazakhstan là mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Kazakhstan.

Hai bên cam kết cùng nhau phát triển quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Kazakhstan.

Hai bên đã nhất trí tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Kazakhstan có nhu cầu như: công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, dệt may; tìm kiếm cơ hội, khả năng mới, khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu.

Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng như trong khuôn khổ Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Phong trào không liên kết và Liên hợp quốc, nhất là trong bối cảnh năm 2020, Kazakhstan là Chủ tịch Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA ) lần thứ 41 và đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Về quan hệ giữa hai Quốc hội, hai bên nhất trí sẽ nghiên cứu khả năng ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, tạo cơ sở để triển khai hợp tác ngày càng bền vững và hiệu quả; duy trì, phát huy cơ chế tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như: Liên minh Nghị viện Thế giới, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu (MSEAP)... để trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm; tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội và nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau.

Quốc hội mỗi nước cần phát huy vai trò của mình, làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa mỗi quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh trao đổi đoàn giữa Quốc hội hai nước; cùng nhất trí trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về công tác xây dựng pháp luật, xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động giữa hai Quốc hội.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không vì hợp tác và phát triển của khu vực. Việt Nam mong Kazakhstan ủng hộ lập trường nguyên tắc của Việt Nam và ASEAN là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều