Là kỳ họp cuối năm 2019, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Là kỳ họp cuối năm 2019, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Ngày 21-10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Là kỳ họp cuối năm 2019 - năm thứ 4 của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian (hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp) cho công tác xây dựng pháp luật.
Trong 28 ngày làm việc, tại Kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 17 ngày để xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Nhiều dự án luật quan trọng như Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước... đã được thảo luận, tiếp thu chỉnh lý nhiều lần trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội, sẽ tiếp tục được trình ra để Quốc hội xem xét, quyết định.
Đặc biệt, trong số các dự án Luật được Quốc hội xem xét, thông qua, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và tiếp tục được bàn thảo kỹ lưỡng tại nhiều hội nghị, hội thảo tổ chức sau đó. Đây là Bộ luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, có tác động tới nhiều mặt của cuộc sống.
Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Rất nhiều nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; thời giờ làm việc bình thường... sẽ trình ra Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội luôn được dư luận xã hội quan tâm theo dõi. Kỳ họp thứ 8 dành 3 ngày để các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ theo phương thức hỏi nhanh-đáp gọn. Đây là cách làm được các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước đánh giá hiệu quả tại các kỳ họp trước.
Bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp, các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; phiên giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018;” các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.
Một điểm nhấn, Kỳ họp thứ 8 sẽ chính thức áp dụng công nghệ thông tin. Đây là việc đã được thực hiện thí điểm tại Kỳ họp thứ 7 và nhận được phản hồi tốt từ các đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động của mình. Mỗi đại biểu sẽ được phát một iPad đã được cài sẵn phần mềm nên rất thuận tiện trong việc xem tài liệu.
Rút kinh nghiệm từ kỳ họp trước, phần mềm này đã được nâng cấp, hoàn chỉnh hơn đặc biệt trong việc cung cấp tài liệu tham khảo, trao đổi giữa các đại biểu...
Theo Tổng Thư ký Quốc hội: "Việc này đem lại hiệu quả rõ rệt, không còn cảnh một chồng tài liệu "quá đầu” đại biểu mà chỉ cần một chiếc iPad nhỏ gọn. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn tiết kiệm rất nhiều thời gian.”
Có thể thấy chương trình nghị sự với rất nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 sẽ có những tác động sâu sắc, nhiều mặt tới đời sống của nhân dân.
Thời gian qua, các nội dung kỳ họp đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng trên nền tảng những đổi mới đáng ghi nhận trong phương thức hoạt động của Quốc hội, tiếp tục khẳng định, làm rõ nét hình ảnh Quốc hội thực sự đổi mới, hành động vì lợi ích của nhân dân./.
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)