Thủ tướng đề nghị Việt Nam và EU cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại và hợp tác, cũng như giải tỏa một số tồn đọng trong quan hệ.
Thủ tướng đề nghị Việt Nam và EU cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại và hợp tác, cũng như giải tỏa một số tồn đọng trong quan hệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Chiều 31-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) do ông Lange Bernd, Chủ tịch Ủy ban làm Trưởng đoàn.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng gặp lại Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu, đánh giá cao Đoàn đã có nhiều hoạt động tích cực trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng cảm ơn ông Lange Bernd về nỗ lực thúc đẩy để EU ký kết các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU.
Cho rằng, quan hệ Việt Nam-EU thời gian qua phát triển tốt đẹp, Thủ tướng đề nghị, trong bối cảnh hai bên sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, Việt Nam và EU cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại và hợp tác, cũng như giải tỏa một số tồn đọng trong quan hệ.
Bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lange Bernd cho rằng, đây là biểu hiện mối quan hệ tích cực của Việt Nam và EU nói chung, với Nghị viện EU nói riêng.
Quan hệ hai bên dựa trên nền tảng quan trọng là hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phối hợp thực hiện các tốt các cam kết hai bên đã thống nhất.
Ông Lange Bernd khẳng định, EU ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ông Lange Bernd cũng nhìn nhận, với nền tảng quan trọng là việc ký kết các hiệp định quan trọng về thương mại, đầu tư vừa qua, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, rủi ro thì việc phát triển các mối quan hệ dựa trên đối tác thay vì cạnh tranh là rất quan trọng.
Cho biết tháng 2 năm tới, Nghị viện châu Âu sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua các hiệp định mà hai bên vừa ký kết, ông Lange Bernd cho biết, trong chuyến thăm lần này, đoàn đã gặp gỡ các cơ quan chức năng của Việt Nam để trao đổi về tình hình chuẩn bị phê chuẩn và thực thi các cam kết trong các hiệp định này.
Ông Lange Bernd khẳng định, EU sẵn sàng hỗ trợ về mặt xây dựng và hoàn thiện chính sách giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.
EU cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên diễn đàn đa phương, nhất là vào thời điểm năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ông Lange Bernd bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện tốt các vai trò quan trọng này.
Cảm ơn Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa kinh tế chiến lược của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU đối với quan hệ Việt Nam-EU cũng như việc thúc đẩy xu hướng liên kết kinh tế mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.
Sau khi hai Hiệp định được ký chính thức vào ngày 30/6/2019, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ phê chuẩn hai hiệp định này. Hồ sơ sau đó sẽ được các cơ quan Quốc hội thẩm tra và trình Quốc hội thảo luận và xem xét phê chuẩn.
Thủ tướng tin tưởng với ý nghĩa chiến lược của hai hiệp định này, Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm xem xét phê chuẩn để các Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian sớm nhất, cụ thể hóa những lợi ích to lớn cho người dân và doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng hoan nghênh việc EU quan tâm tới châu Á-Thái Bình Dương và lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông; mong EU tiếp tục đóng vai trò tích cực, xây dựng tại khu vực.
Nhấn mạnh đến việc Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng mong muốn quan hệ EU-ASEAN và hợp tác Việt Nam-EU trong khuôn khổ đa phương sẽ tiếp tục được tăng cường, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.\
Q.V. (TTXVN/Vietnam+)