Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Hữu Quang phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Ngày 30-10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về bảo đảm giao thông kết nối liên vùng và các dự án trọng điểm chậm tiến độ.
Thảo luận toàn thể tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn so với năm 2018, những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, năm 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Năm nay cũng là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.
Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân; đảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội...
Một số đại biểu đã thảo luận về tình hình Biển Đông và các giải pháp kinh tế biển hiện nay. Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc nước ngoài vi phạm nghiêm trọng các vùng biển Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao.
Các đại biểu cùng chung nhận định phải luôn luôn cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Tại Phiên họp chiều, ghi nhận những thành tựu lớn đã đạt được, song nhiều ý kiến đại biểu tiếp tục nêu và phân tích các góc cạnh về những vấn đề nóng về văn hóa, xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), những hạn chế này được đưa phản ánh trong ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội, đặc biệt như nhận định của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, đó là lo tăng trưởng nhưng không bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối.
Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu, động lực của phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ khi nào văn hóa trở thành vốn kinh tế và con người được coi là nhân tố quyết định cho sử dụng các nguồn lực khác, và tạo dựng môi trường văn hóa cho hoạt động kinh tế, lúc đó chúng ta mới có sự phát triển bền vững.
Nhấn mạnh quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng chúng ta vui mừng trước các kết quả kinh tế nhưng “kinh tế không phải yếu tố duy nhất cải thiện chất lượng đời sống của người dân, thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì đến lúc nào đó sẽ có hậu quả khôn lường về mặt xã hội."
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu vấn đề tuy năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra, thể hiện động thái phát triển nền kinh tế, vĩ mô ổn định hơn, nhưng một số chỉ tiêu xét về chất lượng tăng trưởng tính bền vững chưa cao, thiếu chiều sâu.
Về lý thuyết, tăng trưởng GDP phản ánh động thái phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phản ánh chất lượng tăng trưởng. Để chất lượng tăng trưởng được cải thiện tốt, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng cần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng.
Về thị trường xuất khẩu nông sản, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhận thấy tuy thời gian qua kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có biểu hiện thu hẹp dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có gạo, có giá trị thấp, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, còn phụ thuộc vào nhiều thị trường tiểu ngạch.
Những hiện tượng này trong thời gian qua có nhiều cố gắng khắc phục, nhưng theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, “hiệu quả chưa cao," vì thế Chính phủ cần sớm có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Cụ thể, cần có quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu và đang đổ xô trồng cam, xoài… dẫn tới nguy cơ phải “giải cứu”; tháo gỡ tình trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thích ứng với thị trường, phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của Việt Nam...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Ngoài ra, sản xuất hàng hóa quy mô lớn không thể thực hiện nếu không có hệ thống giao thông, thủy lợi có khả năng kết nối, đáp ứng yêu cầu.
Giải trình về vấn đề giao thông liên vùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết cả nước có 24.500km đường quốc lộ và gần 2.000km đường cao tốc. Đây là những con đường kết nối liên vùng, giữa các tỉnh để đáp ứng được yêu cầu phát triển vận tải đường bộ.
Về một số dự án giao thông chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng do nhiều công trình tập trung chuẩn bị đầu tư, cuối năm mới đi vào khởi công nên đến cuối năm nhiều dự án mới giải ngân các khoản xây lắp, giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến vốn ODA, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay một số dự án được giao mới, một số dự án vướng thủ tục, điều chỉnh nên giải ngân vốn chậm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ quyết tâm giải ngân bảo đảm bằng mặt bằng chung của cả nước, bảo đảm giải ngân từ 90% đến 95%./.
PV (TTXVN/Vietnam+)