Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 21-10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Vốn đầu tư phát triển giải ngân rất chậm
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
Tuy nhiên, mặc dù ước thu ngân sách nhà nước năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán; số thu ngân sách nhà nước thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và Hội đồng Nhân dân giao.
"Đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác thu ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm," Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước chỉ đạt 20,2% GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21% GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu ngân sách nhà nước ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.
Riêng đối với công tác quản lý thuế, tính đến thời điểm 31/8/2019, tổng số tiền nợ thuế là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với 31/12/2018, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 là giảm nợ đọng thuế. Chính phủ cần giải trình cụ thể hơn về vấn đề này.
[Họp Quốc hội khóa XIV: Kiến nghị sớm giải quyết 5 nhóm vấn đề lớn]
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này, đồng thời lưu ý về dự báo giá dầu thế giới trong 3 tháng cuối năm.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2019, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, tại một số địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm. Vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu ngân sách nhà nước khó khăn, nguồn thu thấp thì chi thường xuyên vẫn còn cao, nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển rất hạn chế.
"Vẫn có tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật; nhiều lễ hội, hội nghị, kỷ niệm ngày thành lập, tái thành lập, các lễ khởi công, khánh thành có tính chất hình thức, gây lãng phí ngân sách, chưa thực sự tiết kiệm," Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.
Đáng chú ý, vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng này vẫn tập trung vào các yếu tố như chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn… Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đề nghị Chính phủ chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về tài chính ngân sách, trong đó có Luật Đầu tư công.
Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước cao hơn mục tiêu đề ra
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng tán thành với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bội chi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2019. Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 ước bằng 3,4% GDP; nợ công bằng 56,1% GDP, nợ chính phủ bằng 49,2% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,8% GDP, đều giảm so với dự toán; bội chi ngân sách địa phương giảm so với dự toán Quốc hội quyết định (giảm 12.500 tỷ đồng).
Về tổng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ xây dựng tổng dự toán thu ngân sách nhà nước tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản tăng thu và giảm thu ngân sách nhà nước trong năm 2020 để phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn (khoảng 4-4,5%), tập trung các biện pháp để phấn đấu thu ngân sách nhà nước cao hơn so với mục tiêu đề ra của cả giai đoạn.
Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020, dự kiến chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương ước chiếm 46,7% so với tổng chi đầu tư phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng cơ cấu chi này chưa bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước vì sau khi trừ các khoản bổ sung có mục tiêu cho địa phương, thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, thì nguồn lực ngân sách trung ương còn lại chiếm 27,2% tổng chi đầu tư phát triển. Như vậy, khó có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, về chi cải cách tiền lương, theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương.
Về bội chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi ngân sách nhà nước 3,44% GDP. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc dự toán bội chi ngân sách địa phương là 0,24% GDP sau khi đã tính đến yêu cầu của các địa phương trọng điểm, để dành dư địa cho ngân sách trung ương phát huy vai trò chủ đạo.
Về nợ công, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách nhà nước như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách nhà nước; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ... để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia./.
Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)