Báo Đồng Nai điện tử
En

'Độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là không thể nhân nhượng'

02:10, 31/10/2019

Trong thời gian qua, quốc phòng-an ninh-đối ngoại của đất nước được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong thời gian qua, quốc phòng-an ninh-đối ngoại của đất nước được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch năm 2020 sáng 31-1.

Đề cập đến tình hình quốc phòng, an ninh, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang) cho rằng, đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong thời gian qua, quốc phòng-an ninh-đối ngoại của đất nước được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu.

“Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm và đối sách của Đảng. Đó là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội,” đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

[Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước]

Cho biết trong dư luận vừa qua, có những người dân hiến kế cách này, cách khác với Đảng, đại biểu Nguyễn Trong Nghĩa nói: Nhà nước luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng, tâm huyết của nhân dân, đồng thời cũng phải kiên trì hết sức, kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông. Chúng ta kiên quyết, kiên trì theo tinh thần dĩ bất biến ứng vạn biến.

“Những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn như Thủ tướng Chính phủ đã nói. Những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng. Nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp bởi truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình. Điều này đã khẳng định đường lối quan điểm đó là đúng đắn,” đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

 Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Nhấn mạnh mỗi người dân Việt Nam đều có khát vọng vươn lên và tinh thần ấy đang được khơi dậy, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nói: Khi đất nước ta chưa có độc lập thì khát vọng lớn nhất là đấu tranh giành độc lập, tự do. Ngày nay, khát vọng lớn nhất của chúng ta là phải giữ vững được độc lập chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

“Khát vọng đó chính là niềm tin, là điểm tương đồng để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khát vọng đó đang đứng trước thời cơ lớn, song đó cũng là quá trình liên tục, lâu dài, phải phấn đấu và phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gian khổ. Một trong những thách thức đó chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc,” đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.

Chỉ rõ phải đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tổng thể các mối quan hệ của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nói: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông, của Bác Hồ và nâng lên tầm cao mới. Trong từng tình huống cụ thể, phải có sách lược phù hợp để bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Phải khẳng định tính đúng đắn, tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.

Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng trên, theo đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, phải sử dụng tổng hợp và gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, kể cả chính trị, ngoại giao, lịch sử, pháp lý.

Lịch sử pháp lý chính là một trong những tra cứu rất quan trọng để chúng ta khẳng định tính chính nghĩa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam mà cụ thể đó là Hiến chương của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các luật, điều ước khác Việt Nam đã cam kết.

Thông qua công tác tuyên truyền kết hợp với đấu tranh thực địa, đồng thời phải hết sức quan tâm để giữ vững ổn định chính trị ở trong nước và các giải pháp kinh tế thì càng phải đa dạng hóa hơn, để từ đó chủ động được các tình huống bảo vệ chủ quyền của đất nước, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

 Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Đảng, Nhà nước hay tất cả người dân Việt Nam, ai cũng yêu nước và đều muốn bảo vệ chủ quyền và không có bất kỳ sự nhân nhượng nào khi nói đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các quyền thiêng liêng của dân tộc.

“Theo tôi, chúng ta cũng nên có sự thông tin đầy đủ hơn qua hệ thống chính trị mà chúng ta đã có đầy đủ trong cả nước, kịp thời hơn, đầy đủ hơn, có nhiều cách thức thông tin để người dân có sự yên tâm, tin tưởng vào tương lai và kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến./.

 (TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều